40 tuổi, đã ly hôn và đang lo sợ về một tương lai đơn độc, như hàng nghìn đàn ông Trung Quốc độc thân khác, Zhou Xinsen lên mạng để tìm một giải pháp hợp lý và nhanh chóng - một cô dâu Việt Nam.
Anh nằm trong số hàng triệu nam giới đang phải vật lộn bên lề thị trường hôn nhân cực kỳ cạnh tranh ở Trung Quốc, nơi chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ và việc chọn lựa giới tính thai nhi đã dẫn đến bất bình đẳng giới tính.
“Rất khó để những người ở tuổi tôi tìm được một cô vợ Trung Quốc”, Zhou nói với AFP.
Một người đàn ông mang theo tập tiền mặt tới huyện biên giới giữa Trung Quốc và tỉnh Hà Giang của Việt Nam. Nhiều đàn ông độc thân Trung Quốc đang chuyển sang mua cô dâu từ các nước nghèo vùng Mekong như Việt Nam. Ảnh: AFP. |
Đàn ông độc thân, phần nhiều ở các làng quê hẻo lánh, được biết đến với tên gọi “quang côn”, một uyển ngữ để chỉ đàn ông “ế vợ” tại quốc gia nơi áp lực kết hôn và nối dõi tông đường là rất lớn.
Chi tiền để lấy vợ
Bị hối thúc, Zhou đã chi gần 20.000 USD để tìm người vợ thứ hai, một cô gái 26 từ Việt Nam tới tỉnh Giang Tô, Trung Quốc để kết hôn.
“Đối với những người ở độ tuổi của tôi, thời gian được mua bằng tiền”, Zhou nói.
Sau khi giải quyết vướng mắc của bản thân, Zhou đã mở công ty mai mối của riêng mình, tham gia vào thị trường trao đổi cô dâu nước ngoài mang lại hàng triệu USD mỗi năm của Trung Quốc.
Anh tính phí khoảng 120.000 nhân dân tệ (17.400 USD) để mai mối đàn ông Trung Quốc với các cô dâu Việt Nam thông qua trang web của mình, nơi đăng tải hình ảnh những phụ nữ ở độ tuổi 20-35 đang chờ kết hôn. “Nó có lợi nhuận”, anh tỏ ra dè dặt khi được hỏi về số tiền kiếm được.
Một phần tiền mai mối sẽ được chuyển cho các gia đình ở lưu vực sông Mekong.
Phụ nữ Việt Nam mua sắm tại phiên chợ ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh: AFP. |
Trong khi nhiều cặp đôi sống hạnh phúc, những người khác nhanh chóng rơi vào khủng hoảng khi các cô dâu từ những làng quê nghèo ở Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar vỡ mộng trước cuộc sống ở nông thôn Trung Quốc.
Đàn ông độc thân Trung Quốc thường lớn tuổi, ly dị, tàn tật hoặc quá nghèo để trả tiền thách cưới cho một người vợ Trung Quốc. Theo truyền thông trong nước, chi phí cho một đám cưới truyền thống đã tăng từ 22.000 USD lên 29.000 USD vào năm ngoái.
Theo Zhou, vấn đề nảy sinh khi các cô dâu cảm thấy bị lừa dối về cuộc sống sau kết hôn. Hàng tháng, Zhou vẫn gửi 175 USD cho gia đình vợ để bày tỏ lòng thành.
“Đối với chúng tôi, nó chẳng đáng là bao. Nhưng với họ thì nó vô cùng quý giá”, anh nói.
Những người đàn ông Trung Quốc phải đối mặt với một loạt các áp lực kinh tế, tâm lý và văn hóa để tìm vợ, Jiang Quanbao, giáo sư tại Viện nghiên cứu dân số và Phát triển thuộc Đại học Giao thông Tây An, cho biết.
“Hôn nhân không chỉ là vấn đề cá nhân, nó liên quan đến toàn bộ gia đình, đặc biệt là cha mẹ”, Jiang nói.
Tiền mất tật mang
Khi phụ nữ, đặc biệt ở các thành phố, trì hoãn hôn nhân để làm việc, học tập và tận hưởng cuộc sống độc thân, các làng quê Trung Quốc càng lúc càng thiếu hụt nữ giới.
Trong cộng đồng làng xã nhỏ hẹp, nhà nào có con trai chưa lập gia đình đều đối mặt với vấn đề đau đầu. Áp lực lớn từ định kiến xã hội đã thúc đẩy loại giao dịch nghiệt ngã như việc trao đổi cô dâu.
Theo một số nhóm cứu hộ trên khắp Mekong, ngày càng nhiều phụ nữ và trẻ em gái từ các quốc gia láng giềng bị bắt cóc, bị lừa hoặc bị buộc kết hôn.
“Việc mua lại một phụ nữ bị bắt cóc trở thành lựa chọn bất đắc dĩ”, giáo sư Jiang nói.
Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã giải cứu những phụ nữ bị bán vào các cuộc hôn nhân cưỡng ép ở các tỉnh Hà Nam, An Huy, Sơn Đông và Giang Tô, khi việc buôn bán cô dâu bùng nổ ở các tỉnh phía đông.
Một phụ nữ huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có con gái bị mất tích ở vùng biên giới với Trung Quốc. Hầu hết người dân ở đây đều chịu ảnh hưởng từ hoạt động buôn bán cô dâu. Ảnh: AFP. |
Theo luật pháp Trung Quốc, việc bắt cóc và buôn bán phụ nữ hoặc trẻ em bị phạt tù từ 5 đến 10 năm. Các nhà phê bình nói rằng cần cập nhật quy định khi hoạt động buôn bán gia tăng.
“Hoạt động này đặc biệt có lời và những kẻ buôn người không có lý do gì để dừng lại. Có nhu cầu thì ắt có kẻ cung cấp để kiếm tiền”, Mimi Vu, thành viên Tổ chức Pacific Links, một cơ quan có mục tiêu ngăn chặn nạn buôn người có trụ sở tại Việt Nam, cho biết.
Bắc Kinh đã chuyển từ chính sách một con sang chính sách hai con vào năm 2016 nhưng các chuyên gia cho rằng có thể phải mất hàng thập kỷ để thấy sự gia tăng số lượng phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Điều đó có nghĩa là việc buôn bán cô dâu sẽ chưa thể bị loại bỏ một sớm một chiều.
Zhou cho rằng công việc mai mối của mình là một “dịch vụ công cộng” tại một quốc gia nơi phụ nữ ít hơn nam giới đến 33 triệu người. Tuy nhiên, với đàn ông Trung Quốc, dùng tiền để mua hôn nhân thường không mang lại kết quả như mong đợi.
Những câu chuyện cảnh giác về những kẻ môi giới xảo quyệt, những phụ nữ bị buôn bán và những cô dâu lấy tiền rồi bỏ trốn đầy rẫy trên truyền thông Trung Quốc khi thị trường ngày càng mở rộng.
“Đó là một ngành công nghiệp và nhiều cuộc hôn nhân là lừa đảo. Đã đến lúc chính phủ cần xem xét hoạt động kinh doanh này”, một người dùng Weibo bày tỏ.
Một người đàn ông khác ở Hồ Bắc cho biết anh đã trả cho người môi giới 8.700 USD để gặp một phụ nữ trẻ người Việt Nam. Sau 3 tháng, cô này đã bỏ đi và phá thai để tìm chồng mới.
“Giờ tôi không có vợ cũng không có tiền. Tôi trở thành trò cười cho mọi người trong làng”, anh nói với nhật báo Chutian.