Hai cô gái chạy nhanh khỏi tiệm làm tóc đến chỗ chiếc ôtô sẽ đưa họ trở về Việt Nam. Đó là khoảnh khắc trong các cuộc giải cứu táo bạo diễn ra hàng tháng để đưa phụ nữ và trẻ em gái thoát khỏi cảnh hôn nhân cưỡng ép hoặc nô lệ tình dục ở Trung Quốc.
Được quay lại một cách rung lắc bằng chiếc điện thoại có camera, cuộc giải cứu đã giúp các thiếu nữ Việt Nam thoát khỏi một nhà thổ ở Trung Quốc, nơi số lượng đàn ông nhiều hơn phụ nữ đẩy tình trạng mua bán cô dâu và lao động tình dục phát triển.
Đưa họ về nhà là công việc nguy hiểm vì lực lượng giải cứu phải đối mặt với những người chồng tức tối, những tay ma cô và những mạng lưới buôn người có tổ chức, thế lực kiếm được hàng chục triệu đô-la nhờ việc buôn bán phụ nữ ở các nước nghèo dọc sông Mekong.
"Không ai muốn việc làm ăn của họ bị phá đám", một người trong lực lượng giải cứu của Blue Dragon, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Nội, cho hay.
'Le Thi Vu', một cô gái bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm, được Blue Dragon giải cứu thành công. Ảnh: AFP. |
Kể từ năm 2007, Blue Dragon đã giúp đưa khoảng 400 phụ nữ và trẻ em gái bị bán sang Trung Quốc về nhà an toàn. Họ nằm trong số hàng chục nghìn người từ các vùng quê nghèo ở Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào bị bán sang Trung Quốc.
Họ bị lừa, dụ dỗ hoặc bị bắt cóc rồi bán làm vợ và gái mại dâm qua biên giới. Một số người bị đưa tới những nơi xa xôi nằm sâu trong đất liền Trung Quốc.
Giải cứu họ là một công việc phức tạp và đòi hỏi thời gian, tâm sức, theo một người thuộc tổ chức Blue Dragon, đề nghị giấu danh tính vì lý do an toàn.
Căng thẳng là thường trực và điện thoại đổ chuông suốt ngày đêm.
"Nhưng tôi không thể bỏ mặc được", người của Blue Dragon nói. "Hãy tưởng tượng con bạn không về nhà ăn tối. Bạn sẽ làm gì?".
"Làm ơn giúp tôi"
Nạn nhân liên lạc với bên ngoài thông qua các dịch vụ nhắn tin của Trung Quốc như WeChat và QQ, hoặc gọi cho Blue Dragon - nếu họ có thể tiếp cận với điện thoại.
"Tôi đã bị bán sang Trung Quốc, xin hãy giúp tôi", một tin nhắn viết. "Tôi đang cầu nguyện phép màu xảy ra", một người khác nói.
Song hầu hết cô gái - đặc biệt là gái mại dâm - bị cấm tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Một cô gái trốn thoát có nghĩa là những kẻ buôn người đánh mất hàng nghìn đô-la.
Với rủi ro cao, mỗi cuộc giải cứu có thể mất hàng tháng để lên kế hoạch và thực hiện.
Nạn nhân liên lạc với bên ngoài thông qua các dịch vụ nhắn tin của Trung Quốc như WeChat và QQ. Ảnh: Bloomberg. |
Một cô gái giả bệnh, được đưa vào bệnh viện và cô gọi cho Blue Dragon, chỉ dẫn họ đến một vùng hẻo lánh ở Trung Quốc, nơi cô bị bán làm cô dâu.
Một người khác bị bán vào nhà thổ bí mật sử dụng điện thoại của khách hàng để liên lạc với lực lượng giải cứu trước khi qua mặt những tên bảo vệ bằng cách trốn qua cửa sau.
Blue Dragon giúp đưa tám người về nhà mỗi tháng và nhận được một hoặc hai lời cầu xin giúp đỡ trong tuyệt vọng mỗi ngày.
Tổ chức lưu giữ hình ảnh và video về các nhiệm vụ thành công - những bà mẹ khóc lóc đoàn tụ với con gái, những cô gái tuổi teen nở nụ cười tươi sau khi được cứu. Họ xem đây là những thứ truyền cảm hứng để họ tiếp tục công việc của mình.
"Nếu chúng tôi không đưa cô ấy ra khỏi đó, cô ấy bị mắc kẹt và cô ấy phải làm nô lệ", Michael Brosowski, người sáng lập người Australia của Blue Dragon, nói. Tổ chức này cũng giải cứu trẻ em đường phố, nạn nhân lạm dụng tình dục và những đứa trẻ khác lâm vào cảnh bất hạnh.
Tái sinh
'Lê Thi Vu' biết rằng nếu cố bỏ trốn, cô có thể bị đánh hoặc thậm chí bị giết bởi tên ma cô đã giam cầm cô trong một nhà thổ ở khu tự trị Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc, suốt 4 tháng. Cô bị buộc phải ngủ với 12 người đàn ông mỗi ngày.
Bị sang chấn tâm lý và sợ mang thai, cô bí mật mua một chiếc điện thoại và liên lạc với gia đình và nhờ họ liên hệ với Blue Dragon.
Không biết nơi mình đang ở và không thể đọc được biển hiệu Trung Quốc bên ngoài, nhưng Vu - tên đã được thay đổi - tìm thấy một số điện thoại cho một khách sạn bên kia đường và liên hệ với họ.
Một buổi sáng hai tháng sau, cuộc giải cứu diễn ra.
Cô đi vào một tiệm làm tóc bên cạnh nhà thổ với một phụ nữ Việt Nam khác và bất ngờ lao vào chiếc xe đang chờ, cầu nguyện không bị bắt lại. Trong vài ngày, hai cô gái được đưa trở về Việt Nam.
"Tôi cảm thấy như mình đã sống lại một lần nữa. Tôi rất hạnh phúc khi gặp mẹ tôi", Vu, 21 tuổi, đang được đào tạo để trở thành một kỹ thuật viên spa, cho hay.
Các tay buôn người có thể kiếm được hàng chục triệu đô-la từ việc buôn người xuyên biên giới. Ảnh: AFP. |
Các cuộc giải cứu của Blue Dragon đã giúp truy tố 76 kẻ buôn người trong 5 năm qua tại Việt Nam, nơi mức án tối đa cho hành vi bán người qua biên giới là 20 năm.
Những kẻ đã bán Vu, bạn của cô và bạn trai của người này - đều bị bỏ tù.
'Nguyen Trang' được cứu vào năm ngoái, tám tháng sau khi bị ép kết hôn với một người lao động nghèo ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Cô ra khỏi nhà vào một buổi sáng sớm để gặp một người liên lạc với Blue Dragon. Người này đã giúp cô tìm tới một chiếc xe buýt đi đến biên giới.
Cô được đề nghị nhận 2.100 USD để không làm chứng chống lại kẻ buôn người - gã bạn trai cũ đã bán cô cho các tay môi giới ở Trung Quốc. Song Trang, cũng đề nghị đổi tên, đã từ chối và người yêu cũ của cô bị kết án 7 năm tù hồi tháng 8.
Hiện tại, cô gái 20 tuổi làm việc tại một nhà hàng ở Hà Nội và cố quên đi ký ức đen tối trong đời mình.
"Ở Hồ Nam, tôi bị tổn thương tinh thần... Bây giờ, tôi đã có thể sống lại", cô nói.