Chuyện này chưa từng xảy ra trong lịch sử loài người.
Tại Trung Quốc, nam giới hơn nữ giới 34 triệu người - tương đương với dân số Malaysia. Chính sách một con, có hiệu lực từ năm 1979 đến năm 2015, đã buộc hàng triệu cặp vợ chồng phải đi đến quyết định đứa con duy nhất của họ nên là con trai.
Tương tự, Ấn Độ thừa 37 triệu đàn ông, thanh niên nam. Tỷ lệ sinh bé gái tiếp tục giảm kể cả khi kinh tế Ấn Độ phát triển. Giới chức cho rằng tình trạng mất cân bằng giới diễn ra khi công nghệ cho phép lựa chọn giới tính cho con trong 30 năm qua.
Mất cân bằng giới là một vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội Trung Quốc. |
Tình trạng "thừa nam, thiếu nữ" bóp méo thị trường lao động, tỷ lệ tiết kiệm tăng vọt trong khi sức tiêu thụ giảm sút, đi cùng đó là tội phạm bạo lực, tệ nạn buôn người, mại dâm gia tăng. Những hậu quả đó không chỉ giới hạn trong Trung Quốc hay Ấn Độ, mà còn lan rộng tới các nước láng giềng.
Cuộc sống độc thân chán nản và cô độc
Mất cân bằng giới có thể dẫn đến khủng hoảng tâm lý đối với đàn ông. Theo nhà nghiên cứu khoa học xã hội Prem Chowdhry, “những người xung quanh đánh giá thấp những người ế vợ. Vai trò cơ bản của đàn ông trong xã hội nông thôn phải là lập gia đình và chu cấp cho gia đình”.
Anh Suresh Kumar, 35 tuổi, đã quá tuổi kết hôn tại Ấn Độ. Ảnh: South China Morning Post. |
Anh Suresh Kumar từng mơ ước đến ngày cưới rộn ràng. Nhưng sau một lần hứa hôn không thành, người đàn ông 35 tuổi phải đối mặt với một sự thật phũ phàng rằng anh sẽ không bao giờ có vợ, con. Người đàn ông ế vợ bị cô lập, không được tham gia vào những quyết định gia đình trọng đại và hay phải chịu sự chế nhạo.
“Mọi người nói rằng tôi không có vợ, con thì sao phải làm việc chăm chỉ?”, anh Kumar nói, mọi người thường nghĩ “người đàn ông này bị vấn đề gì vậy?"
Tại Trung Quốc, anh Li Weibin, 30 tuổi, chưa bao giờ có bạn gái, sống chung phòng ký túc xá với 5 người đàn ông khác tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông. Sự chênh lệch lớn giữa số lượng đàn ông và phụ nữ tồn tại ở ngôi làng trên núi nơi anh sống, trong nhà máy nơi anh làm việc và cả trên công trường xây dựng nơi anh kiếm được khoản lương khiêm tốn.
“Tôi muốn tìm bạn gái, nhưng tôi không có tiền hay cơ hội để gặp họ”, anh nói. “Phụ nữ có tiêu chuẩn rất cao, họ muốn nhà, xe. Họ không muốn nói chuyện với tôi”.
Anh Li Weibin, 30 tuổi, tại phòng ký túc xá. |
Tại Đông Quản, nơi tỷ lệ giới là 118 nam/ 100 nữ, anh Li gần như đã từ bỏ hy vọng. Anh dành thời gian rảnh chơi điện tử hoặc cùng đồng nghiệp đi hát karaoke và massage.
“Cuộc đời thật chán nản và cô đơn”, anh cảm thán.
Vấn đề không phải là anh Li nghèo, mà chỉ đơn giản là vì Trung Quốc "thừa nam". Ở một đất nước chú trọng hôn nhân, những người độc thân bị gán mác là “quang côn” (nhánh cây trống) vì không thể mở rộng cây gia đình.
Tình trạng nam giới không tìm được vợ ảnh hưởng sâu sắc đến nhịp sống gia đình. Phụ nữ Ấn Độ và Trung Quốc, những người vốn ưa con trai hơn, cũng đang già đi và phải chịu gánh nặng nấu ăn dọn dẹp những đứa con chưa vợ.
Bà Om Pati, vợ của một nông dân tại làng Bass, bang Haryana, có cả thảy 7 người con trai, tất cả đều sống chung dưới một mái nhà.
Bà Om Pati là mẹ của 7 người con trai. 3 người con của bà xuất hiện trong ảnh (từ trái sang) là Sandeep, Sanjay, và Suresh. Ảnh: South China Morning Post. |
Người Ấn Độ có một lời chúc phúc trong tiếng Phạn dành cho các bà mẹ là “chúc có 100 đứa con trai”. Và sự thực là nhiều lúc bà Om Pati có cảm giác làm mẹ của 100 đứa con trai thật. Bà làm việc từ bình minh tới tối, nhào hàng cân bột mỗi ngày để chăm sóc cho chồng và 7 đứa con trai trong độ tuổi từ 22-38. Người phụ nữ 60 tuổi tự an ủi bản thân với ý nghĩ rằng một ngày nào đó có con dâu để trò chuyện, chia sẻ nghĩa vụ nấu nướng, và sinh cho bà đứa cháu nội.
Nhưng vào thời điểm con trai cả, Sanjay, một đầu bếp hiện 38 tuổi, bước vào tuổi kết hôn, bà và chồng không thể tìm được mối nào cho con. Phần lớn phụ nữ trong làng đã rời đi để tìm cơ hội tốt hơn, còn số phụ nữ ít ỏi ở lại đều đã kết hôn.
Những nỗ lực tìm vợ tuyệt vọng
Một ngôi nhà, khoản tiết kiệm, công việc tốt là những điều kiện cần để lấy được một người vợ tốt. Shang Jin Wei, nhà kinh tế học tại Đại học Columbia, Mỹ, ví việc tìm vợ “giống như chạy đua vũ trang trên thị trường hẹn hò và hôn nhân”.
Đàn ông Trung Quốc phải đưa một khoản tiền gia đình cô gái để có được sự chấp thuận hứa hôn. Do sự mất cân bằng nghiêm trọng, một khoản vài trăm USD trong quá khứ giờ lên tới gần 30.000 USD tại một số vùng. Gia đình cô gái cất giữ số tiền đó thay vì tiêu dùng để thúc đẩy kinh tế.
Con trai từng là một chỗ dựa chống nghèo khi về già, nhưng cha mẹ già giờ đang phải hy sinh để giúp con trai tìm vợ.
Anh Li Defu là một điển hình. Anh sử dụng tiền tiết kiệm gia đình để xây một ngôi nhà 10 phòng nhìn ra ngọn đồi và thung lũng quê hương, Paifeng.
“Quanh tôi không có nhiều phụ nữ tầm tuổi”, anh nói, “nhưng tôi xây nhà để chuẩn bị, phòng trường hợp tôi tìm được ai đó”.
Khoản tiết kiệm mà cha mẹ anh dành dụm được đóng vai trò quan trọng. Tính sơ sơ, anh sẽ phải trả khoảng 10.000 USD cho nhà cô gái, chỉ để có được sự cho phép đi lại với con gái họ.
Nhiều thanh niên Trung Quốc cho rằng thể hiện giá trị tài sản là cách duy nhất để thu hút và giữ chân một cô gái. Do đó, họ không thể ở lại những ngôi làng với mức sống thấp mà buộc phải tham gia vào lực lượng lao động di dân tới các thành phố lớn.
Anh Wang, 24 tuổi, ăn tối với bạn bè trong quán mì gần khu nhà máy. |
Anh Wang, 24 tuổi, rời vùng nông thôn phía tây Trung Quốc 10 năm trước. Anh tới Đông Quản, công xưởng của thế giới, làm việc 11-12 giờ một ngày, chỉ được nghỉ 2 ngày/tháng.
Anh đã tiết kiệm đủ để xây nhà ở ngôi làng quê hương nhưng vẫn đang chật vật tìm vợ. “Ở đây có nhiều đàn ông hơn và không dễ để gặp được các cô gái”, anh Wang chia sẻ.
Ván cược của các cô dâu ngoại
Hàng chục nghìn người phụ nữ nước ngoài đổ về Trung Quốc để kết hôn thoát nghèo, tận dụng tình trạng "thiếu nữ".
Chán ngán với số tiền anh phải trả cho nhà các cô gái trong vùng chỉ để có quyền hẹn hò, anh Liu Hua quyết định chuyển sang tìm dâu ngoại quốc và trả người môi giới 15.000 USD để lấy Lili.
Liu Lili, người Campuchia, cưới chồng Trung Quốc và có 2 đứa con. Ảnh: South China Morning Post. |
“Dân làng từng nói rằng cô ấy sẽ bỏ trốn; họ nghĩ rằng vợ ngoại quốc không tốt bằng một người vợ Trung Quốc”, anh Liu, sống tại Lạc Bình, phía đông nam Giang Tây chia sẻ. “Nhưng bây giờ họ không nghĩ như vậy nữa. Vợ tôi không bỏ trốn. Cô ấy thân thiện với hàng xóm và đối xử với họ rất nhã nhặn".
“Làng tôi có 50, 60 người đàn ông độc thân và chỉ có 1, 2 phụ nữ”, anh Liu nói. “Đối với nam giới trên 40 tuổi, phụ nữ Campuchia là cơ hội thứ hai của cuộc đời”.
Tuy nhiên, đối với phụ nữ ngoại quốc, đây là một ván cược lớn. Không có gì ngạc nhiên khi mẹ của Lili không muốn cô đến Trung Quốc. Nhưng tại Campuchia, con gái thường được mong đợi giúp đỡ gia đình về mặt tài chính. Cha của Lili đã qua đời, và gia đình cô còn phải nuôi 3 em trai.
Lili, tên thật là Sreynich Yorn, được trả khoản tiền tương đương 450 USD, cộng thêm phí đi lại, và được hứa hẹn một công việc lương tốt tại nhà máy Trung Quốc, với điều kiện duy nhất là cô đồng ý kết hôn.
Hồ sơ đăng ký kết hôn của Li Weibin và Lili. |
Cặp đôi mãn nguyện khi sống trong ngôi nhà lấp đầy với những bức ảnh chụp đám cưới và 2 đứa con nhỏ: Siyiuan, con trai 4 tuổi và bé gái 1 tuổi, Sisi. Cả hai đều khẳng định cuộc hôn nhân của họ là thật lòng, không phải một cuộc trao đổi.
“Chồng tôi là người tốt và anh ấy đối xử với tôi tốt”, cô nói. “Tôi không muốn về nước. Giờ tôi có con rồi”.
Lili là một trường hợp may mắn. Tại Trung Quốc, các website cho nam giới gặp gỡ những cô gái ngoại quốc xuất hiện phổ biến. Số tiền phải trả cho một "tour" tìm đối tượng kết hôn là ít nhất 8.000 USD. Phụ nữ thường bị dụ dỗ bởi lời hứa việc làm nhưng cuối cùng bị giam cầm, ép làm vợ của những ông chồng bạo hành. Nhiều người bị bán làm gái mại dâm, và đẩy vào trại khổ sai nếu họ cố trở về quê hương.
Một phụ nữ Campuchia, 32 tuổi, kể cô bị dụ sang Trung Quốc với lời hứa công việc tại nhà máy nhưng lại bị ép cưới một người đàn ông. “Chồng tôi nói rằng tôi là nô lệ. Anh ta mua tôi và anh ta có thể làm bất cứ điều gì với tôi nếu muốn”.
Gia đình mới khóa cô trong nhà đề phòng cô bỏ trốn. Người chồng yêu cầu phải quan hệ tình dục 4 lần/ngày, kết quả là một bé gái ra đời. 7 ngày sau khi sinh, cô bị bạo hành vì từ chối quan hệ với chồng. 2 năm sau, cô bị sảy thai và tưởng như chết khi bị nhà chồng từ chối chữa trị.
Sau 3 năm không gọi về Cambodia “vì không muốn mẹ lo lắng” và xấu hổ, cô và anh trai thuyết phục gia đình chồng là mẹ cô ở Campuchia bị ốm. Dù vậy, họ chỉ cho cô trở về Campuchia với điều kiện cô để con gái lại.
Hiện tại, sợ bị bêu riếu, cô ít khi về nhà mà ở lại làm việc tại một nhà máy dệt với lương thấp ở ngoại ô Phnom Penh. Cô đã bị chia cắt với con gái 3 tuổi hơn một năm. “Ngày nào tôi cũng khóc”, cô giãi bày.
Elena Barabantseva, Đại học Manchester, cho biết phụ nữ Nga giờ cũng sang Trung Quốc. Họ là những đối tượng được theo đuổi nhiều với nét đẹp châu Âu. Những tour du lịch hôn nhân tới Nga hay Ukraine cho phép nam giới Trung Quốc gặp 10 hoặc 20 phụ nữ trong vài ngày. Phụ nữ Nga thường lấy chồng giàu ở thành phố lớn.
Một bộ phận lớn phụ nữ có quốc tịch Việt Nam, Myanmar, Lào hay Triều Tiên cũng được đưa đến Trung Quốc để làm đối tượng kết hôn.
Các website cung cấp nhiều lựa chọn cho đàn ông Trung Quốc. Một số dịch vụ còn hoàn tiền nếu cô dâu không còn trinh. Trong trường hợp cô dâu bỏ trốn trong vòng 1 năm, các ông chồng có thể nhận được một đối tượng thay thế miễn phí.
Tệ nạn quấy rối phụ nữ
Tại bang Haryana, bắc Ấn Độ, tỷ lệ tội phạm nhắm vào phụ nữ tăng 127% trong 10 năm qua. Hiện tại, sự mất cân bằng giới tính ngày càng lớn tại nước này khiến tệ nạn quấy rối trở nên trầm trọng.
Theo nghiên cứu, khu vực lạc hậu phía bắc Ấn Độ có 7.000 ngôi làng thừa 150-200 đàn ông. Nam giới, thiếu thú vui, thiếu việc làm, thường ra đường quấy rối các phụ nữ trẻ.
Nikita Chauhan, Sheetal Chauhan và Jyoti Chauhan, 14 tuổi, đều tham gia vào biểu tình chống quấy rối tình dục. |
Một nhóm học sinh lớp 11 trường ở làng Gothra Tappa Dahina đã tổ chức biểu tình tuyệt thực vì họ không muốn bị quấy rối bởi đàn ông mỗi lần đi bộ trên con đường 2,5 km tới trường ở thị trấn kế bên. Nữ sinh thường bị bao vây bởi nhóm thanh niên đi xe máy chạm vào người họ và gọi họ bằng những từ ngữ khiêu khích.
Hồi tháng 5/2017, các thiếu nữ tập trung tại trung tâm ngôi làng và bắt đầu biểu tình. Trưởng làng và phụ nữ trong làng cũng tham gia cùng.
“Bất kỳ điều gì tôi trải qua trong những ngày tháng đó cũng không đáng được tha thứ”, Sujata Chauhan, 14 tuổi, cho hay.
Những người thừa nhận quấy rối phụ nữ thì nói rằng việc này là vô hại và thỉnh thoảng, các thiếu nữ còn tán tỉnh lại.
Shakti Singh, một sinh viên 20 tuổi, và bạn bè học theo cách cư xử của những người đàn ông trong phim lãng mạn Bollywood, đóng vai "chàng Romeo" tới phá vỡ "bức tường" trong tim người phụ nữ.
“Phim ảnh có ảnh hưởng lớn”, Singh nói. “Kể cả khi cô gái nói không, con trai vẫn sẽ tiếp tục đuổi theo. Cô ấy có thể tiếp tục từ chối, nhưng cuối cùng, anh ta vẫn có được cô gái”.
Thể loại phim này bị lên án vì cổ súy cho hành vi bám đuôi và cưỡng dâm. Gần đây, chính quyền đã điều động thêm cảnh sát tuần tra khu thương mại, trường đại học và các trạm xe bus nơi những kẻ quấy rối hay tụ tập.
Suresh Chauhan, trưởng làng Gothara Tappa Dahina. Ảnh: South China Morning Post. |
Tại làng Gothra, cuộc biểu tình của những thiếu nữ đạt được những thành công nhỏ. Sau 8 ngày, trường học thông báo mở khối 11 và khối 12 trong làng để các nữ sinh không cần phải đi bộ xa.
Suresh Chauhan, trưởng làng Gothara Tappa Dahina, nhận định giáo dục là chìa khóa để xóa bỏ chế độ gia trưởng ở Ấn Độ. “Sự thay đổi nằm ở những thế hệ trẻ”, ông nói. Xã hội có sự chuyển dịch này một phần nhờ TV và điện thoại thông minh đưa người dân ra thế giới rộng lớn, nhưng ông khẳng định “giáo dục là lý do lớn nhất cho sự thay đổi”.