Nhiều người dùng không khỏi bất ngờ khi Uber vừa rút khỏi thị trường Việt Nam chưa lâu thì xuất hiện một ứng dụng gọi xe có tên Didi, tương tự với tên hãng gọi xe nổi tiếng đang đứng đầu thị trường Trung Quốc là Didi Chuxing.
Ứng dụng này được thiết kế với giao diện gần như tương đồng 100% với giao diện của Uber và thuộc sở hữu của pháp nhân Công ty cổ phần công nghệ Didi Việt Nam, người đại diện có tên Nguyễn Đình Hòa.
Trang chủ của ứng dụng Didi. Ảnh: didivietnam.vn. |
Ngành nghề hoạt động chính được pháp nhân này đăng ký là Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải, gồm có: gửi hàng, sắp xếp hoặc tổ chức các hoạt động vận tải đường sắt, đường bộ, đường biển hoặc đường hàng không, giao nhận hàng hóa, hoạt động liên quan khác như: bao gói hàng hóa nhằm mục đích bảo vệ hàng hóa trên đường vận chuyển, dỡ hàng hóa, lấy mẫu, cân hàng hoá, đại lý bán vé máy bay.
Ngay sau khi Uber rời khỏi thị trường Việt Nam, Didi Việt Nam liên tục quảng bá ứng dụng qua nhiều kênh nhằm thu hút người dùng và tài xế mới. Tuy nhiên khi người dùng đặt nghi vấn về việc liệu Didi Việt Nam có phải thuộc Didi Chuxing hay không thì doanh nghiệp này trả lời lập lờ, không rõ ràng.
"Dù chủ là ai, miễn cơ chế tốt cho tài xế, quảng cáo rầm rộ mang lại khách hàng cho tài xế thì tài xế liệu có cần biết chủ là ai?", trang fanpage của Didi Việt Nam trả lời thắc mắc của người dùng.
Đặc biệt, các chương trình quảng cáo của Didi Việt Nam trực tiếp hướng tới lượng tài xế mà Uber đã bỏ lại khi bán mình cho Grab. Trong các bài đăng quảng cáo, Didi Việt Nam nhận định "Uber đã rời khỏi Việt Nam, các bác tài cứ để Didi lo".
Trao đổi với Zing.vn, đại diện của Didi Chuxing khẳng định doanh nghiệp không có bất kỳ liên hệ nào với pháp nhân Công ty cổ phần công nghệ Didi Việt Nam.
Ứng dụng Didi trả lời lập lờ về quan hệ với Didi Chuxing. |
Cũng theo doanh nghiệp, thời điểm tháng 9/2016, Didi Chuxing đã một lần khẳng định pháp nhân Công ty cổ phần công nghệ Didi Việt Nam không phải là công ty con của Didi Chuxing và không có bất kỳ liên hệ nào với Didi Chuxing.
Hãng gọi xe lớn nhất Trung Quốc cho rằng đây là hành vi cố tình gây hiểu lầm và đã làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để điều tra về hành vi của pháp nhân trên.
Tại thời điểm đó, Didi Chuxing cũng khẳng định không có cơ quan đại diện tại Việt Nam cũng như không có kế hoạch đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Theo một chuyên gia kinh tế chia sẻ với Zing.vn, khả năng Didi Chuxing gia nhập thi trường Việt Nam là gần như không có vì hãng này và Grab vừa có chung nhà đầu tư là SoftBank, vừa nằm trong liên minh các hãng gọi xe. Việc gia nhập thị trường Việt Nam để cạnh tranh đối đầu với Grab là điều không có khả năng xảy ra.
Didi Chuxing là hãng cung cấp ứng dụng gọi xe lớn nhất Trung Quốc, thường được biết tới với cái tên Didi. Hãng hiện có 450 triệu người dùng tại 400 thành phố khắp Trung Quốc. Tháng 8/2016, hãng đã mua lại mảng hoạt động tại Trung Quốc của Uber, đánh bại gã khổng lồ gọi xe đến từ Mỹ tại thị trường hơn 1 tỷ dân.