Theo MacRumors, ứng dụng tên Privacy Assitant: StringVPN, lợi dụng hệ thống mua hàng trong ứng dụng của Apple để dụ dỗ người dùng trả tiền cho dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) không có thật.
Được phát hành trên App Store, mô tả của Privacy Assitant: StringVPN là "mang đến trải nghiệm VPN đầy đủ và an toàn". Ứng dụng có 104 đánh giá, số sao trung bình là 3,5/5. Theo Elefherious, những đánh giá tích cực thực chất là giả, được nhà phát triển đăng để đánh lừa thuật toán của Apple, đẩy ứng dụng lên vị trí cao khi tìm kiếm.
Ứng dụng lừa đảo dùng đánh giá giả trên App Store, nội dung website chỉ có một dòng chữ. Ảnh: Kosta Elefherious/Twitter. |
Những đánh giá thực sự từ người dùng khẳng định đây là ứng dụng lừa đảo. Một tài khoản cho biết đã bị ứng dụng lừa 90 USD để đăng ký gói thuê bao năm.
"Họ không hiện các tùy chọn trả tiền cho gói tuần hay tháng. Tôi đang báo cáo với Apple để được hoàn tiền", người dùng này cho biết.
Một bình luận khác trên App Store cũng khẳng định đây là ứng dụng lừa đảo. "Tôi bị trừ tiền sau khi nhấn vào pop-up của chúng trên Safari. Không tìm thấy thông tin liên hệ để được hoàn tiền. Tôi đã phản ánh và nhờ Apple xử lý".
Những đánh giá một sao khẳng định đây là ứng dụng lừa đảo. Ảnh: Kosta Elefherious/Twitter. |
Theo Elefherious, phần liên hệ trên App Store của ứng dụng dẫn đến địa chỉ email giả mạo, có tên miền gmail.ru. Nội dung website của ứng dụng chỉ có dòng chữ "String vpn". Theo kiểm tra, ứng dụng này đã thu về 1 triệu USD chỉ trong một tháng nhờ dụ dỗ người dùng trả tiền.
Kho ứng dụng App Store đang có hàng triệu ứng dụng. Trong tuyên bố trước đây, Táo khuyết khẳng định "không dung thứ cho hoạt động gian lận trên App Store". Dù khẳng định quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt, Apple vẫn bị chỉ trích vì để lọt ứng dụng lừa đảo, một số còn thu về hàng triệu USD từ người dùng.
Hệ thống mua hàng trong ứng dụng của Apple, trọng tâm để ứng dụng này khai thác đang bị kiểm soát chặt chẽ. Năm ngoái, Apple nhận nhiều chỉ trích vì chính sách thu phí 30% giá trị cho mỗi giao dịch trong ứng dụng. Trong trường hợp của ứng dụng lừa đảo này, Apple vẫn hưởng 30% từ các giao dịch.
Trước đó vào tháng 2, Elefherious đã cảnh báo một số ứng dụng của anh bị giả mạo trên App Store. Chúng có thể mua đánh giá tích cực để đánh lừa thuật toán, được xuất hiện trên vị trí cao trong kết quả tìm kiếm.