Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ứng dụng Jingo gọi vốn thành công nhờ khả năng quảng bá

Mô hình kinh doanh độc đáo của Jingo đã giúp startup này có mặt trong top 10 cuộc thi gọi vốn quốc gia do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Điều khiến startup Jingo gây chú ý tại cuộc thi Startup Funding Camp (SFC) 2018 là các thành viên trong đội ngũ sáng tạo thuộc lứa 9X, từng học thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Anh và một số nước châu Âu.

Founder kiêm CEO Trần Bá Duy Linh của Jingo từng giành học bổng 50% chương trình thạc sĩ chuyên ngành quảng cáo thương hiệu tại ĐH Nottingham Trent, Vương quốc Anh. Anh nảy ra ý tưởng triển khai ứng dụng Jingo theo mô hình sàn đấu trí tuệ từ cuối năm 2017.

Thay vì sản xuất gameshow tương tác thông thường, Duy Linh muốn nâng cấp nội dung thành bảng khảo sát, nghiên cứu thị trường, phục vụ cho cả doanh nghiệp và người dùng.

Startup chưa đến 20 người đã dành 6 tháng hoàn thiện sản phẩm và ra mắt Jingo vào tháng 5. Đến nay, ứng dụng này có 2.000 lượt tải về, lượng người dùng thường xuyên tương tác hàng ngày chiếm 30%. Mỗi buổi phát sóng có khoảng 300-500 người chơi cùng lúc.

Jingo anh 1
CEO Trần Bá Duy Linh trình bày về Jingo.

“Vào 20h30 mỗi thứ hai, thứ tư và thứ sáu hàng tuần, Jingo sẽ phát sóng gameshow chính trong vòng 15 phút, với nội dung gồm 12 câu hỏi thường thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Người chơi sẽ trả lời theo hình thức trắc nghiệm, sai sẽ bị loại. Ai chinh phục được câu hỏi cuối cùng của buổi phát sóng sẽ nhận phần thưởng từ chương trình thông qua hình thức chuyển khoản. 15 phút cuối ngày không nhiều nhưng có thể giúp mọi người giải tỏa căng thẳng, áp lực để tập trung vào trò chơi vừa giúp bổ sung kiến thức, vừa vui mà có thưởng", Duy Linh nói.

Jingo không đơn thuần là gameshow trên thiết bị di động. Sau các buổi phát sóng vui nhộn là giá trị quảng bá thương hiệu cho các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu thị trường. Ứng dụng lồng ghép những câu hỏi mang tính khảo sát thị trường vào chương trình, dựa vào đó để thu thập thông tin về mức độ nhận diện thương hiệu.

Hiện startup tập trung xây dựng nội dung với nhiều câu hỏi chất lượng cao hơn, mang đậm tính bổ trợ kiến thức nhưng vẫn giữ được không khí sôi nổi. Jingo nhắm đến mục tiêu thu 2 triệu USD doanh thu, chiếm 10% thị phần ngành quảng cáo dành cho gameshow truyền hình, 5% doanh thu của ngành nghiên cứu thị trường.

Để thực hiện mục tiêu này, đội ngũ trẻ của Jingo tới tìm kiếm cơ hội gọi vốn ở SFC 2018 với chủ đề “Jumping to 4.0 - Tự động hóa và dữ liệu thông minh". Vượt qua hơn 100 hồ sơ và nhiều vòng thi, dự án sàn đấu trí tuệ tương tác Jingo có mặt trong top 10 startup xuất sắc nhất tham dự ngày hội gọi vốn tại Đà Nẵng vào ngày 27/11.

Trước đó, Jingo giành giải nhì cuộc thi đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp "Swiss Innovation Challenge Việt Nam" do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ; vào top 25 cuộc thi "Startup Việt 2018".

Trước những ý tưởng và phần trình bày thuyết phục của các đội tại ngày hội gọi vốn, ông Hemant Patel - Tổng giám đốc Công ty ALMA, đại diện BTC - nói: “Tôi ấn tượng với các đội đã trình bày và phản biện ngày hôm nay. Các bạn thể hiện rõ đam mê khởi nghiệp, am hiểu về thị trường, lĩnh vực các bạn theo đuổi, từ đối tượng mục tiêu, cách thức vận hành đến tầm nhìn phát triển. Tôi thấy các ý tưởng đều tốt và có tiềm năng phát triển lâu dài”.

Ông cũng đánh giá rất cao chủ đề của chương trình gọi vốn khởi nghiệp SFC 2018 và cho rằng trước tốc độ phát triển của công nghiệp 4.0 trên thế giới, startup nào có thể nắm bắt lợi thế của công nghệ vào sản phẩm sẽ dễ dàng tăng trưởng và được đón nhận.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân - Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, đại diện BTC - cho biết Startup Funding Camp 2018 lần đầu tiên được tổ chức đã thu hút sự quan tâm từ hơn 10.000 thanh niên Việt Nam, cùng nhiều quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước, như Vinacapital, CyberAgent Ventures Southeast Asia, ESP Capital.

Jingo anh 2
Đại diện BTC Startup Funding Camp 2018 trao phần thưởng là chuyến đi tới “quốc gia khởi nghiệp” Israel cho 3 đội xuất sắc nhất (bTaskee, Top CV và CyHome).

Bà Thu Vân nói thêm, SFC 2018 mong muốn khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, sát cánh phát triển những startup mang tầm cỡ quốc gia. SFC cũng hy vọng trở thành sự kiện đầu tư thường niên được cộng đồng khởi nghiệp mong đợi, với quy mô, chất lượng chuyên môn hàng đầu và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

Phần thưởng dành cho 3 đội xuất sắc nhất - ứng dụng giúp việc theo giờ bTaskee, nền tảng kết nối cơ hội việc làm thông qua hồ sơ xin việc TopCV và hệ thống quản lý và vận hành chung cư thông minh CyHome - là cơ hội gọi vốn trực tiếp với các quỹ đầu tư quốc tế tại "quốc gia khởi nghiệp" Israel.

Đồng thời, các đội thắng cuộc cũng có cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các startup công nghệ khởi nghiệp thành công tại quốc gia Trung Đông này.

Diệp Trà

Bạn có thể quan tâm