Một dịch vụ gọi xe đến từ Estonia đã bắt đầu hoạt động tại Paris, Pháp vào ngày 5/10. Taxify, hiện có 3 triệu người dùng ở 19 quốc gia, sẽ thách thức Uber bằng sự hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc, phần chia nhiều hơn dành cho tài xế và đặc biệt là một CEO tuổi 23.
"Về bản chất, Paris đang bị một công ty Mỹ thống trị", CEO Markus Villig nói với AFP.
"Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng một công ty châu Âu có thể đến và kiếm được thị phần đáng kể, tạo ra sự cạnh tranh", CEO của Taxify cho biết. Ông thành lập công ty này khi đang là sinh viên 19 tuổi.
Ứng dụng gọi xe Taxify. Ảnh: Taxify. |
Villig nói rằng ở một số quốc gia, Taxify đã giành được từ 20 - 30% thị phần trong năm đầu tiên vận hành và "chúng tôi hy vọng làm được điều tương tự ở Pháp".
"Tôi tự hào nói rằng chúng tôi là nền tảng chia sẻ phương tiện lớn nhất tại châu Âu hiện này, sau Uber, và là công ty châu Âu lớn nhất có trụ sở thật sự tại châu Âu".
Tương tự Uber, Taxify là một ứng dụng cho phép người dùng đặt xe và trả tiền mà không cần tiền mặt. Taxify nói rằng họ sẽ chỉ lấy 15% phí chuyến xe từ tài xế, trong khi đó con số này với Uber là 25%. Giá đặt xe của Taxify cũng sẽ thấp hơn Uber 10%.
Villig cũng tự tin thông báo rằng Taxify đã ăn nên làm ra trong khi Uber báo lỗ 2,8 tỷ USD vào năm 2016.
Markus Villig, người sáng lập và CEO của Taxify. Ảnh: AFP. |
Ứng dụng này cũng có sự hỗ trợ từ Didi Chuxing, một "gã khổng lồ" trong ngành dịch vụ chia sẻ phương tiện ở Trung Quốc. Vào năm 2016, Didi Chuxing đã thống trị thị trường tại Trung Quốc và đẩy Uber ra khỏi nước này.
Hồi tháng 8, Didi Chuxing cho biết hãng này đã thiết lập quan hệ "đối tác chiến lược" với Taxify dù không nêu rõ chi tiết hợp đồng. Dù vậy, CEO Villig cho biết qua mùa hè vừa rồi, Didi Chuxing vẫn nắm không tới 20% cổ phần của Taxify.