Năm 2016, dư luận chứng kiến cuộc rút lui ồn ào của Uber khỏi thị trường đông dân nhất thế giới Trung Quốc. Hãng đã buộc phải bán lại mảng kinh doanh của mình cho Didi, ứng dụng địa phương thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma, với giá 35 tỷ USD. Điều này giúp Didi chiếm giữ 90% thị phần trên thị trường đặt xe qua ứng dụng điện thoại thông minh ở Trung Quốc.
Gần 3 tháng trước, vào tháng 7, Uber cũng tiếp tục rút khỏi Nga sau khi ký thỏa thuận với Yandex.
Và xu thế ký thỏa thuận bán lại cho đối thủ địa phương có vẻ không dừng lại ở đó. Theo TechinAsia, các nhà đầu tư đang muốn Uber làm điều tương tự tại thị trường Đông Nam Á.
Hụt hơi
Tại thị trường Đông Nam Á, hai đối thủ lớn của Uber là Grab và Go-Jek đã rất đa dạng hóa hình thức, nhằm nắm bắt tần suất giao dịch cao cũng như tăng doanh thu.
Không chỉ vậy, hai doanh nghiệp này đã chuyển từ mô hình đặt xe sang mô hình thanh toán và thương mại.
Uber không đi theo hướng đó. Các dịch vụ khác như ứng dụng giao thức ăn UberEats đã không được giới thiệu rộng rãi trong khu vực.
Theo TechinAsia, trong khi Grab và Go-Jek dần thu hút được nhiều người tham gia sử dụng dịch vụ của mình, thì Uber lại bị tụt lại phía sau, dù đã dùng nhiều biện pháp.
Năm 2016, Uber bám sát hai công ty trên, nhưng hiện giờ khoảng cách có thể đang nới rộng hơn một lần nữa.
Theo Andrew Macdonald, Tổng giám đốc Uber tại Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương, Uber sẽ rời thị trường Đông Nam Á một cách dễ dàng và nhanh chóng. Hãng sẽ lên kế hoạch tiến vào một thị trường mới trong khu vực, đó là Campuchia. Tháng 5 vừa qua, Uber cũng vừa ra mắt tại Myanmar.
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, theo TechAsia, việc Uber rời khỏi thị trường Đông Nam Á là điều có thể xảy ra.
Một đánh giá ngẫu nhiên về số người dùng hoạt động hàng tháng (MAU) trong tháng 6, Grab dẫn đầu ở hầu hết nước thành viên Đông Nam Á, trừ quốc gia lớn nhất - Indonesia.
Căn cứ vào dữ liệu của App Annie, đơn vị chuyên cung cấp các ứng dụng đo lường, Uber không giành được bất cứ thị trường nào theo số lượng người dùng hàng tháng (MAU).
Các thị trường Myanmar, Campuchia, Lào và Đông Timor không được tính đến, do Uber không có hoặc chỉ mới ra mắt tại các quốc gia này.
Go-Jek vươn ra khu vực
Tại Indonesia, Go-Jek - công ty khởi nghiệp trị giá 1,8 tỷ USD đầu tiên của quốc gia này đã đánh bại Uber, Grab ở sân nhà. Doanh nghiệp này đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia.
"Chúng tôi luôn ở trong thế phòng thủ, đã đến lúc cạnh tranh ở sân nhà đối thủ", CEO của Go-Jek. Ảnh: Techcrunch. |
Theo Bloomberg, ứng dụng của Indonesia tự tin tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động sang các nước Đông Nam Á, sau khi nhận được “cái gật đầu” của công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD.com tham gia vào vòng huy động vốn lên tới 1,2 tỷ USD vừa qua.
"Chúng tôi luôn ở trong thế phòng thủ, đã đến lúc cạnh tranh ở sân nhà đối thủ", CEO của Go-Jek chia sẻ. Tuy nhiên, vị này không cho biết thời điểm chính xác Go-Jek sẽ mở rộng sang thị trường mới.
Bloomberg thông tin hãng có kế hoạch mở rộng ra 3-4 nước khác trong khu vực, khả năng cao có Việt Nam.
Grab vượt mặt Uber trong số lượng tải về
Năm 2016, Uber đã có sự vươn lên mạnh mẽ ở các nước như Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Philipines. Ứng dụng này đã đuổi kịp về số lượt tải về. Dữ liệu được thu thập từ cả iOS Store của Apple và Play Store của Android.
Tuy nhiên, Grab vẫn là ứng dụng được tải về nhiều nhất trong năm qua, nhưng chỉ được tải xuống thường xuyên hơn 40% so với Uber.
Năm 2015, Grab dẫn đầu với 175% và 170% trong năm 2014, theo dữ liệu của App Annie. Đến nửa đầu năm 2017, xu thế này đã đảo ngược, Grab chỉ có 80% dẫn đầu .
TechinAsia cũng so sánh xếp hạng ứng dụng của Uber trong từng quốc gia cụ thể kể từ 2015 với Grab và đối thủ từ Indonesia, Go-Jek.
Theo đó, năm 2016, thứ hạng của Uber nhanh chóng đuổi kịp Grab và Go-Jek. Tuy nhiên, sau đó, thứ hạng của Uber đã giảm ở hầu hết quốc gia, thay vào đó là sự chiếm lĩnh của 2 đối thủ địa phương Grab và Go-Jek.