Liên kết với ứng dụng đặt đồ ăn được xem là giải pháp giúp quán nhỏ và siêu nhỏ cải thiện tình hình kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng online tăng cao.
Hưởng lợi từ nguồn khách dồi dào
Khi xuất hiện trên các ứng dụng đặt món phổ biến, quán ăn có thể được biết đến nhiều hơn, ngay cả khi cửa hàng không nằm ở các tuyến đường đông đúc hay khu phố náo nhiệt.
Vào tháng 12/2021, công ty nghiên cứu Q&Me từng thực hiện khảo sát với nhóm đối tượng nam, nữ 18-40 tuổi ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng về nhu cầu sử dụng dịch vụ giao đồ ăn. Kết quả cho thấy có đến 83% người được hỏi có sử dụng dịch vụ giao hàng ăn uống, tăng 62% so với năm 2020. Trong số này, có 77% người dùng ứng dụng giao đồ ăn trên điện thoại.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ nền tảng đặt đồ ăn GoFood của Gojek, vào quý I/2022, người dùng đặt món trên nền tảng này đã tăng đến 220% so với năm 2021. Lượng người dùng mới tăng mạnh ở cả 2 thành phố lớn, đạt hơn 160% ở Hà Nội và 80% tại TP.HCM. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Gojek tiếp tục ghi nhận lượng người dùng tăng với tần suất đặt món trực tuyến trên GoFood tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp cận nguồn khách hàng lớn là thế mạnh từ việc liên kết ứng dụng đặt món. |
Chị Lê Thị Thu (34 tuổi), chủ quán lẩu Bé Nâu (quận 12, TP.HCM), cho biết trong những ngày đầu khởi nghiệp, cửa tiệm của chị nằm sâu trong hẻm nên hầu như không có khách. Chị thử giới thiệu quán lẩu lên các trang mạng xã hội nhưng tình hình cũng không khả quan hơn. Quyết định đưa quán lên nền tảng đặt đồ ăn GoFood của Gojek đã giúp chị Thu “xoay chuyển tình thế” với số lượng đơn hàng tăng đáng kể.
“Nhờ lên app mà quán được nhiều khách biết tới, bán ổn định hơn, giao lưu tiếp xúc với nhiều tài xế và khách hàng cũng giúp tôi hiểu rõ nhu cầu của người dùng. Nói thật, nếu chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng chắc tôi dẹp tiệm luôn rồi. Thu nhập từ việc bán online hiện chiếm khoảng 80% tổng doanh thu của quán”, chị Thu cho biết.
Tận dụng công nghệ để marketing, tăng lượng khách hàng
Dù sở hữu sản phẩm chất lượng cùng mức giá cạnh tranh, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn chưa thể giới thiệu món ăn đến nhiều khách hàng do thiếu nguồn lực cũng như không biết bắt đầu từ đâu. Việc “lên app” là một trong các giải pháp có thể giúp quán ăn tận dụng chương trình truyền thông, tiếp thị bài bản, chuyên nghiệp của những “ông lớn" trong ngành.
Đồng thời, các quán ăn có thể chuẩn hóa quy trình bán hàng online, tối ưu công đoạn chuẩn bị và giao đồ ăn, quản lý nguyên vật liệu, doanh thu thông qua ứng dụng dành riêng cho đối tác nhà hàng như GoBiz của Gojek. Nhờ đó, khách hàng được đáp ứng nhu cầu với trải nghiệm tốt hơn, mong muốn quay trở lại sử dụng dịch vụ thường xuyên, góp phần thúc đẩy doanh số cho nhà hàng.
Ứng dụng đặt món giúp quán ăn vừa và nhỏ nâng cao trải nghiệm khách hàng. |
Anh Vĩnh Huy (30 tuổi) - chủ cửa hàng bánh mì nem nướng lò Siêu, đối tác bán hàng trên GoFood của Gojek - chia sẻ: “Xe bánh mì của tôi trước đây chủ yếu phục vụ các em học sinh, thường rất đông khách vào khoảng 7-8h, nhưng phần còn lại của ngày thì cả con đường vắng hoe, không có khách. Quyết định lên app đã giúp tôi có thêm đơn hàng phân bổ đều ở các khung giờ trong ngày, không chỉ riêng buổi sáng”.
Ngoài ra, anh Vĩnh Huy cho biết khách hàng ghé quán cũng đa dạng hơn, không chỉ gồm học sinh, sinh viên. Nhờ đó, xe bánh mì của anh bận rộn cả ngày, đơn hàng tăng đáng kể.
Quán nhỏ vượt sóng to
Vốn nhiều năm kinh doanh theo mô hình truyền thống và tự phát, việc làm quen ứng dụng đặt món, giao hàng vẫn là thử thách lớn với nhiều chủ quán ăn, đặc biệt các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ. Bà Lê Nguyễn Ngọc Dung - Giám đốc Phát triển Đối tác GoFood, Gojek Việt Nam - cho biết: “Khi tiếp xúc với các anh chị khởi nghiệp kinh doanh ẩm thực, hai yếu tố ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số mà chúng tôi được nghe chia sẻ nhiều: Thiếu thông tin về những nền tảng công nghệ và không biết phải làm gì, bắt đầu từ đâu, nhờ ai hỗ trợ”.
Để giúp hộ kinh doanh vượt rào cản này, cuối năm 2022, Gojek triển khai dự án "Quán nhỏ vượt sóng to" với mục tiêu hỗ trợ các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ cải thiện sinh kế thông qua chuyển đổi số.
”Quán nhỏ vượt sóng to" là sự tiếp nối của dự án “Để không ai bị bỏ lại phía sau" mà Gojek đã triển khai trong 2 năm 2020 và 2021. Trong dự án năm 2022, Gojek đã ra mắt một thư viện online miễn phí hướng dẫn xây dựng và vận hành một cửa hàng kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số.
Các chủ quán có thể truy cập thư viện này để học hỏi nhiều kiến thức hữu ích, từ những bước cơ bản như mở một cửa hàng, đặt tên, định giá bán... đến giải pháp hỗ trợ tiếp thị, xử lý đơn đặt hàng, thanh toán, vận chuyển và quản trị. Qua đó, chủ cửa hàng tận dụng sức mạnh của số hóa để hòa nhịp xu hướng thị trường, nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu người tiêu dùng.
Dự án "Quán nhỏ vượt sóng to" của Gojek hỗ trợ chủ quán ăn nhỏ khởi nghiệp và ổn định kinh doanh. |
Gojek cũng hợp tác Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM để trao quyền và nâng cao kỹ năng cho 200 phụ nữ. Chương trình tổ chức khóa đào tạo giúp phụ nữ tự tin làm chủ, tận dụng thương mại điện tử để tăng thu nhập, giảm rào cản liên quan đến tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Cụ thể, học viên của chương trình được đào tạo kỹ năng kinh doanh tập trung vào các chủ đề lập kế hoạch tài chính, quản lý và vận hành cửa hàng trực tuyến. Kết thúc khóa đào tạo, học viên có thể tự xây dựng cửa hàng kinh doanh ẩm thực riêng trên GoFood. Gojek cũng áp dụng các chương trình hỗ trợ dành riêng cho từng cửa hàng như truyền thông tiếp thị, đãi ngộ về phí dịch vụ.
Chia sẻ về dự án này, đại diện Gojek Việt Nam khẳng định hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là một trong những hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, Gojek tạo điều kiện để hàng chục nghìn đối tác kinh doanh - trong đó có tới 90% doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - tăng trưởng thông qua việc kết nối hàng triệu người dùng trên ứng dụng.