Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Quán ăn truyền thống bắt nhịp chuyển đổi số

Tiếp nối thành công 2 mùa “Để không ai bị bỏ lại phía sau”, Gojek Việt Nam triển khai chương trình “Quán nhỏ vượt sóng to” để hỗ trợ sinh kế cho hộ kinh doanh vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Quan nho vuot song to anh 1

Xuất hiện lần đầu năm 2020, quá trình đồng hành cùng các chủ quán vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Gojek tại Việt Nam đã bước sang năm thứ 3. Xuyên suốt từ khi triển khai, ứng dụng xe công nghệ này đã tạo sinh kế cho hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn TP.HCM. “Để không ai bị bỏ lại phía sau” hay “Quán nhỏ vượt sóng to” không chỉ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua thách thức của dịch bệnh, mà còn hỗ trợ họ phục hồi kinh tế trong giai đoạn “bình thường mới”.

Tìm kế sinh nhai từ những quán nước ép, lẩu cá nhỏ

Từ khi các ứng dụng gọi xe công nghệ và thương mại điện tử gia nhập thị trường Việt Nam, nhiều gia đình có thêm lựa chọn giúp cải thiện thu nhập. Không ít gia đình chồng chạy xe, vợ bán hàng trực tuyến, cả hai đều dựa vào một ứng dụng công nghệ như Gojek với các dịch vụ gọi xe GoRide (2 bánh), GoCar (4 bánh), giao hàng GoSend và giao nhận thực phẩm GoFood.

Anh Hùng - chị Phượng (quận 10, TP.HCM) là một trong những gia đình kiếm sống nhờ ứng dụng công nghệ. Anh Hùng chạy xe cho Gojek và trở thành trụ cột thu nhập. Chị Phượng trước đây ở nhà thu vén gia đình, kết hợp kinh doanh khẩu trang, găng tay… tại chợ Lê Hồng Phong. Song, dịch Covid-19 bùng phát khiến công việc ở chợ của người phụ nữ 42 tuổi lao đao. Khi không cầm cự được, chị buộc phải nghỉ bán, khiến gánh nặng kinh tế đặt hết lên vai anh Hùng. Chị Phượng thương chồng một mình xoay xở, nhưng loay hoay mãi chưa tìm ra cách hỗ trợ.

Tháng 5/2021, chương trình “Để không ai bỏ lại phía sau” mùa hai của Gojek xuất hiện như chiếc “phao cứu sinh” của gia đình chị Phượng. Cuối tháng 4 năm đó, anh Hùng nhắn tin báo Gojek đang có chương trình đào tạo nghề và kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho người thân của các đối tác tài xế.

Suốt gần một tháng, tuần nào chị Phượng cũng “cắp sách” dự khóa đào tạo do Gojek kết hợp Nhà văn hoá Phụ nữ TP.HCM tổ chức. Lần đầu tiếp cận kiến thức kinh doanh một cách bài bản, chị thấy lạ lẫm nhưng rất phấn chấn với cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ. Sau đó vài tuần, với sự ủng hộ, đồng hành của anh Hùng, chị nhanh chóng cho ra đời thương hiệu “Nước ép Hùng”.

“Khóa học của Gojek vừa dạy kỹ năng nấu ăn, pha chế, vừa hướng dẫn cách vận hành cửa hàng trực tuyến và quản lý thu chi. Từ đó, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi bước chân vào công việc buôn bán mới mẻ này. Gojek đã hỗ trợ đưa quán tôi lên GoFood, bán cả trực tiếp lẫn online. Tôi thường bán đến nửa đêm vì ngày nào cũng đông khách, trong đó lượng đơn hàng trên GoFood chiếm phần lớn”, chị Phượng chia sẻ.

Kinh tế ổn định, cuộc sống gia đình cũng thêm phần hạnh phúc. Hàng ngày, bất kể công việc tất bật thế nào, cả nhà vẫn có thời gian quây quần bên mâm cơm. Quan trọng hơn, từ khi mở quán tại nhà, chị Phượng có nhiều thời gian chăm lo cho chồng con hơn.

“Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn” cũng là điều vợ chồng anh Long - chị Thu (quận 12, TP.HCM) đã chứng minh qua “Tiệm lẩu Bé Nâu”. Hơn cả nguồn thu nhập, cửa hàng lẩu ra đời trên nền tảng GoFood của Gojek như “hải đăng soi sáng” giữa giai đoạn gia đình gặp khó khăn kinh tế.

Từng là nhân viên kinh doanh, năm 2020, chị Thu quyết định nghỉ việc vì muốn có nhiều thời gian chăm sóc con hơn. Thời điểm đó, anh Long cũng rời tiệm sửa xe đã gắn bó nhiều năm để chuyển sang làm tài xế Gojek. Đúng lúc này, dịch Covid-19 bùng phát, cặp vợ chồng vừa thay đổi công việc phải đối diện áp lực lớn về tài chính.

Được một người bạn “truyền nghề”, chị Thu mở cửa hàng kinh doanh lẩu cá, nhưng hầu như không có khách do quán mới, lại nằm trong hẻm. Chị lọ mọ tìm hiểu cách bán hàng trên các trang mạng xã hội, nhưng mỗi ngày cũng chỉ được vài đơn.

Công việc kinh doanh của chị Thu dần thay đổi khi bén duyên với dự án “Để không ai bị bỏ lại phía sau” mùa hai của Gojek. Với sự hỗ trợ từ chương trình, sau khi lên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood, “Tiệm lẩu bé Nâu” đã nhanh chóng trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình.

“Gojek hỗ trợ đưa quán của tôi lên GoFood đúng thời điểm vợ chồng hoang mang nhất. Nhờ vậy, quán được nhiều khách biết tới và bán ổn định. Càng nhiều khách, tôi càng hiểu rõ nhu cầu và phục vụ tốt hơn. Gia đình chúng tôi biết ơn Gojek nhiều”, chị Thu cho biết.

“Đi theo lối cũ sẽ không đạt kết quả mới”

Thành công của 2 mùa “Để không ai bị bỏ lại phía sau” năm 2020-2021 đã thúc đẩy Gojek tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình trong giai đoạn “bình thường mới” với tên gọi “Quán nhỏ vượt sóng to”.

“Quán nhỏ vượt sóng to” có nhiều đổi mới khi ra mắt thư viện online, cung cấp hướng dẫn cụ thể về các bước xây dựng và vận hành một cửa hàng kinh doanh trên nền tảng số: Tạo cửa hàng, đặt tên, định giá bán, tiếp thị, quản lý đơn, nguyên vật liệu, vận hành...

Bên cạnh đó, Gojek cũng phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM, Nhà văn hoá Phụ nữ TP.HCM tổ chức các buổi đào tạo cho nhóm 200 cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ, trước khi hỗ trợ đưa lên nền tảng GoFood.

Hơn 20 năm nuôi các con khôn lớn bằng quán nhỏ bán đồ ăn vặt và nước giải khát, đây là lần đầu tiên cô Yến (quận Tân Bình, TP.HCM) biết cách kinh doanh online, chụp hình thế nào để cho ra một bức ảnh “ngon mắt”.

“Các bạn chỉ dẫn rất tận tình và rõ ràng, đến người lớn tuổi như tôi cũng hiểu. Tại đây, tôi học được cách ghi chép, tính toán chi phí sao cho hiệu quả. Lớp học thực sự bổ ích với người lớn tuổi và kinh doanh nhỏ lẻ như tôi. Tôi mong quán sẽ được nhiều người biết đến hơn sau khi lên GoFood”, cô Yến chia sẻ.

Hợp tác Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM là cách Gojek tạo sinh kế cho các hộ kinh doanh, “trao quyền” cho phụ nữ trong thời đại mới, thúc đẩy họ làm kinh tế, bắt nhịp chuyển đổi số. Sự hợp tác này đồng thời phù hợp định hướng đề án “Hỗ trợ phụ nữ giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ.

Chị Vân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - chủ quán nước giải khát và đồ ăn vặt - là một học viên khác của chương trình “Quán nhỏ vượt sóng to”. Chị khẳng định: “Thời buổi này, khi nhu cầu của người dân thay đổi mỗi ngày, đi theo lối cũ sẽ không đạt kết quả mới. Mình phải trau dồi và phát triển để không bị thụt lùi. Những kiến thức từ khóa học này đã hỗ trợ tôi trong việc sắp xếp quán online, quản lý tài chính, lên thực đơn… Trước đây cũng có biết sơ, nhưng qua lớp học, tôi hiểu rõ hơn về cách kinh doanh, buôn bán sao cho hiệu quả”.

Quan nho vuot song to anh 9

Gojek ký kết hợp tác Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM.

Bên cạnh đó, chị Vân cũng cho rằng phụ nữ hiện đại không còn gắn liền củi lửa hay góc bếp, mà nên có một công việc để tự chủ tài chính, như vậy mới cân bằng hạnh phúc gia đình. Theo chị, “Quán nhỏ vượt sóng to” là chương trình thiết thực, đặc biệt phù hợp các cửa hàng nhỏ và siêu nhỏ có vị trí trong hẻm, vốn đầu tư ít. Chương trình trang bị nhiều kỹ năng giúp các cửa hàng tăng số lượng đơn hàng, từ đó cải thiện nguồn thu.

Theo số liệu từ Gojek, doanh thu trung bình 6 tháng đầu năm 2022 của các nhà bán hàng trên GoFood tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021. Cùng giai đoạn, số lượng nhà bán hàng tham gia GoFood cũng nhiều hơn gần gấp đôi và có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2022. Những con số biết nói đó là thành quả của Gojek trên con đường theo đuổi sứ mệnh “tạo ra tác động xã hội, trao quyền cho các đơn vị, cá nhân kinh doanh vừa, nhỏ và rất nhỏ”.

Giang Tuyết Mai

Bạn có thể quan tâm