"Hello Việt Nam, hãy chuẩn bị cho cơn ác mộng tồi tệ nhất", hơn 24 giờ trước trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 trên sân Bukit Jalil, trang Twitter chính thức của nhóm Ultras Malaya đưa ra thông điệp, kèm một đoạn video rùng rợn theo đúng kiểu phim kinh dị.
Mảng tối của nhóm CĐV Malaysia
Những cổ động viên Việt Nam năm 2014 hẳn chưa quên được cơn ác mộng tồi tệ trên sân Shah Alam ở lượt đi bán kết AFF Cup, khi nhiều cổ động viên đội khách bị nhóm CĐV chủ nhà Malaysia, trong đó thành phần chủ yếu được cho từ nhóm Ultras Malaya - tấn công chảy máu.
Một cảnh sát Malaysia chỉ biết đứng nhìn các CĐV Malaysia làm loạn cách đây 3 năm. |
Ở Malaysia, bóng đá rất được ưa chuộng. Nhóm Ultras Malaya cũng được sinh ra từ đó. Có lúc, nhóm cổ động viên này trở thành nỗi ghen tỵ với nhiều quốc gia lân cận, vì tình yêu của họ cho đội tuyển quốc gia rất mãnh liệt. Hình ảnh sân Bukit Jalil hay Shah Alam không còn chỗ trống nói lên điều đó.
Nhưng đồng xu nào cũng có hai mặt. Tồn tại với nét đẹp của hình ảnh CĐV Malaysia là tông màu tối tăm với những hành động đáng bị lên án mà nhóm Ultras Malya tạo ra. Năm 2015, cây bút T Avineshwaran viết trên tờ The Star: "Đó là ngày tôi không còn tôn trọng Ultras Malaya".
Thử hỏi làm sao có thể tôn trọng khi những người Malaysia ấy hành xử côn đồ. Họ đốt pháo sáng và ném xuống sân gây rối. Đã vậy, nhiều kẻ còn hung hãn tấn công CĐV đội khách. Không chỉ người Việt Nam, những người Arab từng trở thành nạn nhân của nhóm Ultras Malaya.
Anh T Avineshwaran đã có mặt trong trận UAE thắng Malaysia 10-0 ở vòng loại World Cup 2018. Những gì tác giả trải qua thật sự rất kinh hoàng. Một CĐV bị thương ở chân đã bám vào vai người viết, và thốt lên: "Họ có phải người Malaysia không vậy?". Tác giả bài báo chỉ biết im lặng.
Tiêu chí của bóng đá tôn vinh những giá trị cao đẹp và hoa mỹ. Từ dưới sân lẫn trên khán đài, ai cũng muốn nhìn thấy tính nhân văn. Người Malaysia lại đi ngược điều đó, vì nhóm Ultras Malaya. Dĩ nhiên, không phải ai cũng côn đồ. Có điều, tiếng dữ đồn xa và chẳng thể gột rửa.
CĐV Malaysia gây náo loạn trong trận đấu tại vòng loại World Cup 2018. |
Ultras Malaya là ai?
Nhưng với nhiều người yêu bóng đá Malaysia, Ultras Malaya là một thành tố quan trọng trong đời sống bóng đá nước nhà. Được thành lập từ năm 2007, bắt nguồn từ vài cổ động viên địa phương, Ultras Malaya ban đầu chỉ có 20 thành viên trung thành với cơ chế hoạt động dựa trên một thủ lĩnh - phó thủ lĩnh- và những thành viên tác chiến khác.
Tuy nhiên phải tới giai đoạn 2009-2010, sau thành công của nền bóng đá Malaysia ở ba kỳ SEA Games và AFF Cup liên tiếp, nhóm Ultras này mới thật sự bùng nổ.
Khác với các nhóm Ultras nổi tiếng khác trên thế giới - những người cực kỳ cuồng tín và là tín đồ của các câu lạc bộ bóng đá (ở Nam Mỹ và châu Âu), Ultras Malaya chỉ ủng hộ một thực thể duy nhất, đó là đội tuyển quốc gia Malaysia.
Dù mục đích chính của Ultras Malaya là cổ vũ đội tuyển quốc gia, nhưng để tận dụng tối đa nguồn lực, các nhà lãnh đạo của nhóm này đã kêu gọi thành viên từ các nhóm Ultras khác trong màu áo CLB. Mười bốn thành viên của 14 nhóm Ultras nổi tiếng nhất từ các CLB trong nước, được coi là thành viên danh dự của tổ chức này.
Ultras Malaya không phải ai cũng xấu. |
Ở trận đấu thuộc vòng bảng AFF Cup 2018, vài trăm CĐV Malaysia đã náo loạn đường phố Hà Nội, phần đông trong số đó đều đến từ nhóm Ultras Malaya.
Dĩ nhiên, sự quá khích của nhóm Ultras này mang lại nhiều tiêu cực. Trang tin điện tử MStar của Malaysia trong một bài viết hồi tháng 8/2017 đã gọi những hành động quá khích của Ultras Malaya đem lại những hình ảnh xấu về các CĐV bóng đá nước nhà.
Một nguyên tắc bất thành văn của tổ chức này, đó là việc phụ nữ và trẻ em không được tham gia vào các hoạt động cổ vũ, vì lý do an toàn.
Nhiều năm qua, Ultras Malaya cùng hai chảo lửa Shah Alam và Bukit Jalil được xem là nhân tố quan trọng cho thành công của bóng đá Malaysia. Ngay cả khi họ sử dụng khá nhiều trò bẩn. Đơn cử như việc chiếu tia laser vào mắt các cầu thủ Việt Nam và Indonesia, hay ném pháo sáng xuống sân khiến trận đấu phải dừng lại ở AFF Cup 2010.
Trong một bài viết ngay trước thềm bán kết, trang Goal phiên bản Malaysia đã gọi nhóm Ultras Malaya đích thực là "cầu thủ thứ 12 của đội tuyển".
"Không chỉ đội tuyển quốc gia Malaysia gây ấn tượng tại AFF Cup 2018, mà các CĐV của đội nhà, đứng đầu là nhóm Ultras Malaya cũng làm được như thế."
Giống như những nhóm Ultras khác trên thế giới, Ultras Malaya cũng nổi tiếng với đặc sản "đứng trên sân và hò hét trong suốt 90 phút". Cây viết bản địa Kin Fai của Goal so sánh họ với "bức tường vàng" nổi tiếng trên sân Signa Iduna Park của Dortmund. Với người Malaysia, đó là bức tường vàng-đen rực lửa của họ.