Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Bóng đá Malaysia trỗi dậy từ bóng ma bán độ

Cứ mỗi lần nền bóng đá Malaysia rúng động vì những nghi án tiêu cực, họ lại trỗi dậy đầy mạnh mẽ.

Malaysia anh 1Malaysia anh 2

Cứ mỗi lần nền bóng đá Malaysia rúng động vì những nghi án tiêu cực, họ lại trỗi dậy đầy mạnh mẽ.

Suốt một thập niên qua ở khu vực Đông Nam Á, có lẽ không nền bóng đá nào dính nhiều bê bối, tuy nhiên cũng có nhiều vinh quang như Malaysia. Đã vậy, đối thủ này cũng có nhiều duyên nợ với Việt Nam.

Năm 2008, bóng đá Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á với chức vô địch AFF Cup. Nhưng 3 năm sau đó, là quãng thời gian chúng ta đứng dưới cái bóng của người Malaysia. Từ cơn ác mộng thua ở chung kết SEA Games 2009 tại Vientianne (Lào) tới thất bại ở bán kết AFF Cup 2010 tại Mỹ Đình, “Những ngôi sao vàng” đi xuống, còn người Malaysia đi lên.

Malaysia anh 3

Một thập niên qua là giai đoạn bóng đá Malaysia lên đỉnh khu vực với các chức vô địch SEA Games rồi AFF Cup liên tiếp. Nhưng đáng nói, họ đã thống trị bóng đá Đông Nam Á trong bối cảnh những bê bối tiêu cực luôn quẩn quanh và không bao giờ chấm dứt.

Tính từ năm 2009 đến nay, bóng đá Malaysia đã 2 lần lên ngôi ở SEA Games (2009, 2011), một lần đăng quang ở AFF Cup vào năm 2010. Họ còn hai lần khác lọt vào chung kết SEA Games và AFF Cup. Trong bối cảnh Thái Lan vẫn là nền bóng đá ở đẳng cấp khác so với mặt bằng chung khu vực, thành tựu người Malaysia đạt được là rất đáng ghi nhận.

Với nhiều nền bóng đá, sử dụng nhiều tài năng trẻ được coi như một tư duy cấp tiến về mặt chính sách. Nhưng với “Harimau Malaya”, đó cũng là biện pháp "cực chẳng đã".

Malaysia sở hữu nền bóng đá đầy rẫy tiêu cực, từ cầu thủ, bê bối các quan chức cấp cao và bạo lực từ cổ động viên. Ngay sau thời kỳ hoàng kim, bóng đá Malaysia đón nhận những nghi án tiêu cực tràn lan.

Malaysia anh 4

Năm 2012, Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) ra án phạt cấm thi đấu trọn đời với 18 cầu thủ và 1 HLV vì tội dàn xếp tỷ số. Tháng 12/2013, 5 cầu thủ khác cùng 3 quan chức của một CLB tại Malaysia bị cấm thi đấu và hoạt động bóng đá suốt đời.

Một năm sau, vào tháng 2/2014, FAM tiếp tục phạt tiền 17 cầu thủ của CLB Kuala Lumpur FA, mỗi người 5.000 ringgit (tương đương 1.500 USD) cũng vì tội dàn xếp tỷ số.

Những cổ động viên cuồng nhiệt nhất của bóng đá Malaysia có lúc chẳng còn mấy cảm xúc mỗi khi xuất hiện thông tin cầu thủ bị bắt hay chịu án phạt. Xa xôi nhất, từ tận năm 1994, một bê bối chấn động xảy ra khi 84 cầu thủ bị chính phủ Malaysia kỷ luật vì tham gia vào đường dây bán độ. Trong số đó có nhiều tuyển thủ quốc gia.

Gần nhất vào tháng 4/2017, cảnh sát Malaysia bắt giữ HLV và 4 cầu thủ của CLB Mifa để điều tra nghi án dàn xếp tỷ số trong nhiều trận thua của đội ở giải hạng nhì quốc gia (Liga Premier).

Chưa dừng lại ở đó, những bê bối tham nhũng, bạo lực sân cỏ và nền tảng quản trị yếu kém khiến bóng đá Malaysia lâm vào cảnh khốn cùng.

Giai đoạn 2015-2017 chứng kiến bóng đá Malaysia rơi xuống vị trí thứ 169 trên bảng xếp hạng của FIFA, từng chịu trận thua được coi là đáng xấu hổ nhất trong lịch sử khi thất thủ 0-10 trước UAE ở vòng loại World Cup 2018 vào tháng 3/2015.

Bảy tháng sau, tháng 10/2015, hooligan Malaysia gây rối tại vòng loại World Cup 2018 trong trận đấu với Saudi Arabia trên sân nhà, khiến đội nhà bị xử thua 0-3.

Cuối năm 2017, Nelo Vingada, một HLV lão làng của bóng đá Bồ Đào Nha, cũng "bỏ của chạy lấy người" chỉ sau chưa đầy 7 tháng có mặt tại Malaysia.

Cũng thời gian đó, trang Fox Sports Asia gọi Malaysia là nền bóng đá "chạm đáy sự thất vọng". Tháng 3/2018, chủ tịch FAM là Hoàng thân Tunku Ismail Ibrahim tuyên bố từ chức chỉ sau 1 năm tiếp quản từ vị cựu chủ tịch cũng đầy bê bối, Hoàng thân Abdullah Ahmad.

Những bức ảnh sống xa hoa của các quan chức, tình trạng bạo lực trên các khán đài cùng nạn dàn xếp tỷ số khiến bóng đá Malaysia dường như không tìm ra lối thoát.

Malaysia anh 5

Nhưng giống như nhiều lần trong quá khứ, bóng đá Malaysia lại dứng dậy mạnh mẽ. Sự trở lại ngoạn mục tại giải U23 châu Á trên đất Thường Châu (Trung Quốc), rồi màn trình diễn ấn tượng tiếp theo ở ASIAD 2018 tại Indonesia cho thấy sự trở lại, cũng như tiềm lực của nền bóng đá Malaysia.

Khác với Việt Nam, các đội tuyển bóng đá Malaysia không được tạo điều kiện tập trung dài ngày, hay ưu tiên lực lượng cho các giải đấu cấp châu lục và khu vực. Các đội U23 hay đội tuyển quốc gia Malaysia chỉ tập trung ngắn ngày rồi tham dự các giải.

Malaysia anh 6

Ở giải U23 châu Á hồi đầu năm 2018, Malaysia vào đến tứ kết trong lần đầu tiên tham dự dưới sự dẫn dắt của HLV Ong Kim Swee. Đến ASIAD 2018, đội Olympic nước này chỉ chịu thua trước đối thủ Nhật Bản ở vòng knock-out. Trước đó, họ từng gây địa chấn trước Hàn Quốc tại vòng bảng.

Bất chấp những bê bối trong quá khứ, Malaysia vẫn luôn là địa chỉ được các CLB nổi tiếng thế giới “chọn mặt gửi vàng” trong các chuyến du đấu. Giải vô địch quốc gia Malaysia (Malay Premier League) đang là giải đấu có đãi ngộ cho các cầu thủ cao hàng đầu Đông Nam Á.

Theo tiết lộ từ tờ New Strait Times vào đầu năm 2018, các cầu thủ ngôi sao tại giải vô địch Malaysia có thể hưởng lương lên đến 10.000 USD/ tháng, gấp khoảng 4 lần so với V.League.

Nhiều người hâm mộ Việt Nam chắc chưa quên việc CLB Kedah FC của Malaysia từng suýt chiêu mộ thành công Văn Quyết, đương kim đội trưởng tuyển quốc gia Việt Nam và là một trong số các ngôi sao hàng đầu của nền bóng đá Việt Nam.

Malaysia anh 7

Nói như vậy để thấy rằng không chỉ Việt Nam, mà bóng đá Malaysia cũng đang đi lên trong thời gian qua. Đặc biệt ở khía cạnh đào tạo trẻ, người Malaysia cũng phát triển vượt bậc.

Những kết quả vang dội ở giải U23 châu Á hồi đầu năm 2018 (vào đến tứ kết trong lần đầu tiên tham dự) hay đánh bại Olympic Hàn Quốc - đội sau đó đã giành huy chương vàng ASIAD 2018 - ở vòng bảng là minh chứng cho thấy nội lực đáng gờm của bóng đá Malaysia.

Malaysia anh 8

Tháng 7/2018, 10 cầu thủ trẻ Malaysia ở độ tuổi 14-16 của nước này được chọn tham gia chương trình đào tạo cầu thủ trẻ của CLB Bayern Munich. Carsten Lakies, một cựu cầu thủ Bayern, giờ đang làm phát triển bóng đá trẻ cho “Hùm xám”, đánh giá cao tiềm năng của nền bóng đá Malaysia.

Thậm chí Zakri Khir, một nhà làm bóng đá của Malaysia, còn tin tưởng về việc "các tài năng trẻ Malaysia hoàn toàn có thể chơi bóng cho gã khổng lồ nước Đức trong một ngày không xa".

Lim Teong Kim, một cựu cầu thủ người Malaysia, từng có 12 năm làm việc cho các đội trẻ Bayern Munich, cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bóng đá trẻ của Malaysia.

Malaysia anh 9

Cựu cầu thủ 55 tuổi từng được tiền đạo Thomas Mueller coi như "vị HLV đầu tiên trong sự nghiệp, và giúp anh học hỏi rất nhiều". Sau nhiều năm làm việc tại châu Âu và Bayern Munich, ông Lim Teong Kim được lãnh đạo Malaysia mời về làm đào tạo trẻ cho nền bóng đá với một bản hợp đồng 5 năm (tháng 8/2013).

Trao đổi với Zing.vn, nhà báo Cipot người Malaysia đang viết cho tờ Selebriti Online cho biết ông rất tin tưởng vào năng lực của “tài sản vô giá” Lim Teong Kim. Mặc cho những kết quả gần đây của bóng đá trẻ Malaysia không ấn tượng khi đội U16 nước này thất bại trong việc giành vé dự U17 World Cup 2019, sự tín nhiệm vào ông Lim Teong Kim vẫn khá cao.

"Tôi học được rất nhiều từ ông Lim Teong Kim. Ông ấy có nhãn quan chiến thuật rất tốt. Lim Teong Kim là một trong những HLV đầu tiên của tôi, và bản thân học rất nhiều từ con người này", nhà vô địch World Cup Thomas Mueller người Đức nói.

Malaysia anh 10

Bóng đá Malaysia chưa bao giờ là kẻ dễ bị bắt nạt. Màn trình diễn của đội tuyển quốc gia nước này tại AFF Cup 2018 là một minh chứng rõ nét.

"Malaysia luôn là một đội bóng càng đi sâu vào giải đấu, càng chơi hay", nhà báo người Malaysia đang làm việc cho Goal Kin Fai cho biết. Ở giải năm nay, nhà cựu vô địch AFF Cup đang cho thấy đúng con đường như vậy.

Malaysia anh 11

Càng chơi, đội tuyển Malaysia lại cho thấy sự gắn kết trong lối chơi. HLV 49 tuổi Tan Cheng Hoe, đang dẫn dắt ĐTQG Malaysia, được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ khả năng ứng biến và lối chơi bóng đá hiện đại.

Lối chơi của tuyển Malaysia ở giải năm nay được nhiều cổ động viên và truyền thông nước này không ngần ngại so sánh với Barcelona, bởi việc đề cao lối chơi kiểm soát bóng và phối hợp nhịp nhàng từ sân nhà.

Bàn thắng mở tỷ số của tiền đạo Norshahrul Idlan Talaha trong trận gặp Myanmar, hay bàn thắng gỡ hòa của hậu vệ Syahmi Safari trong trận gặp Thái Lan mới đây là minh chứng cho lối chơi đẹp mắt và hiện đại của Malaysia dưới thời HLV Tan Cheng Hoe. Qua hơn chục đường chuyền, bóng được triển khai từ sân nhà, qua nhiều chạm và vào lưới.

Malaysia anh 12

Keeshaanan Sundaresan - một biên tập viên của FOX Sports Malaysia và FourFourTwo phiên bản Malaysia gọi cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Malaysia ở chung kết AFF Cup 2018 là cuộc đối đầu của "hai trường phái bóng đá đối ngược nhau", khi Malaysia thể hiện một lối chơi hoa mỹ, còn Việt Nam chặt chẽ và thực dụng.

Với một HLV mang tư duy hiện đại, và từng là trợ lý cho HLV Rajagobal trong chức vô địch AFF Cup 2010, nhiều người Malaysia đang hy vọng lập lại thời kỳ hoàng kim của họ gần một thập niên trước.

Malaysia - thử thách cuối cùng cho ngôi vương AFF Cup của Việt Nam

Malaysia giờ không còn là đội tuyển từng thua Việt Nam 0-2 ở vòng bảng tại Mỹ Đình. "Harimau Malaya" đã bước những bước dài từ ngày đó để tiến vào trận chung kết AFF Cup.


Vũ Duy

Đồ hoạ: Hà My

Bạn có thể quan tâm