Hệ thống phòng không IRIS-T SLM. Ảnh: Diehl Defense. |
Một ngày trước đó, Bộ Quốc phòng Đức cho biết lô đầu tiên trong tổng số 4 hệ thống phòng không IRIS-T SLM đang được Berlin chuyển giao cho Kyiv.
"Các vụ tấn công bằng tên lửa vào Kyiv và các thành phố khác cho thấy tầm quan trọng của năng lực phòng không đối với khả năng tự vệ của Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht tuyên bố.
IRIS-T SLM là hệ thống phòng thủ đất đối không do tập đoàn công nghiệp quốc phòng Diehl Defense của Đức chế tạo, được trang bị bằng các loại tên lửa tầm ngắn.
IRIS-T SLM là vũ khí lợi hại, có khả năng đánh chặn các loại tiêm kích, trực thăng, tên lửa hành trình, pháo phản lực, máy bay không người lái, tên lửa và bom phản radar. IRIS-T SLM có thể bắn hạ các loại phương tiện ở độ cao 20 km, tầm xa 40 km.
Giới chức Đức khẳng định IRIS-T SLM có khả năng bảo vệ toàn bộ các thành phố lớn của Ukraine khỏi các cuộc tấn công tầm xa.
Hôm 10/10, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố Berlin sẽ làm "mọi thứ có thể" để nhanh chóng củng cố năng lực phòng không của Ukraine.
Trong ngày 11/10, Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho biết hơn 50 quốc gia thuộc Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine sẽ nhóm họp bên lề hội nghị bộ trưởng NATO, diễn ra từ 12-13/10, để thảo luận phương án viện trợ thêm cho Ukraine các vũ khí phòng không, theo Reuters.
Các diễn biến trên xảy ra sau khi nhiều thành phố của Ukraine, bao gồm Kyiv, trúng các đợt tên lửa từ Nga. Giới lãnh đạo Nga cho biết những cuộc không kích này nhằm đáp trả các hành vi gây ấn của Ukraine, mà Moscow nói liên quan đến vụ nổ bồn chở nhiên liệu trên cây cầu nối Crimea với lãnh thổ Nga, theo Tass.