"Cho tới khi chúng tôi nhận được đầy đủ vũ khí (từ phương Tây) và củng cố các vị trí của mình, cho đến khi chúng tôi đẩy lùi lực lượng Nga càng xa càng tốt về phía biên giới, không có lý do gì để tổ chức các cuộc đàm phán", Reuters dẫn lời cố vấn tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột và kêu gọi phương Tây không nên "làm Nga bị mất mặt", để giữ cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã bác bỏ tuyên bố của ông Macron một cách dứt khoát trên Twitter.
Các quan chức Nga và Ukraine gặp nhau trong cuộc đàm phán tại Gomel, Belarus vào ngày 28/2. Ảnh: BelTA. |
Các nhà chức trách Ukraine cho hay Nga hiện kiểm soát 20% lãnh thổ nước này, trong bối cảnh Kyiv đang nhận được nhiều vũ khí uy lực hơn từ phương Tây.
"Các lực lượng vũ trang của chúng tôi đã sẵn sàng sử dụng (vũ khí mới) và sau đó tôi cho rằng chúng tôi có thể bắt đầu một vòng đàm phán mới từ một vị thế được củng cố (trên bàn thương lượng)", nghị sĩ David Arakhamia, thành viên của đoàn đàm phán, tuyên bố.
“Cho đến nay, tôi không thấy có lý do gì để bắt đầu các cuộc đàm phán tiếp theo cho tới khi thực sự có một số thay đổi lớn”, CNN dẫn lời ông David Arakhamia.
Ông cho biết tình hình hiện tại là "tiến một bước, lùi hai bước" khi Ukraine cố gắng phản công, đẩy lùi lực lượng Nga khỏi các nơi bị chiếm đóng, giữa lúc Nga tiếp tục giành quyền kiểm soát khu vực mới.
Vừa qua, Mỹ đã thông báo cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), cho phép nước này tấn công các mục tiêu của lực lượng Nga trong một phạm vi xa hơn.