Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ukraine bế tắc ở miền Đông

Gần 4 tháng sau khi chiến sự nổ ra, quân Ukraine có thể gặp bất lợi khi họ cạn kiệt đạn dược dùng cho các loại pháo từ thời Liên Xô và cũng không nhận đủ nguồn cung từ phương Tây.

tinh hinh chien su ukraine anh 1

Sau gần 4 tháng chiến sự ở Ukraine nổ ra, phương Tây vẫn đang viện trợ vũ khí cho nước này. Tuy nhiên, các lô hàng tới chậm hoặc không có đủ số lượng để bù vào kho vũ khí đang ngày càng cạn kiệt của Ukraine.

Hơn nữa, Ukraine cần thời gian để triển khai và huấn luyện binh sĩ sử dụng các loại vũ khí của phương Tây như pháo hạng nặng tầm xa và hệ thống tên lửa phóng loạt có độ chính xác, tính cơ động cao hơn. Trong khi đó, nước này cũng cạn kiệt dần đạn dược cho những loại vũ khí cũ.

Theo New York Times, việc thiếu hụt vũ khí đang đẩy quân đội Ukraine rơi vào tình thế ngày càng bất lợi trong chiến trận cần dùng nhiều pháo binh ở miền Đông. Trên tiền tuyến Donbas, các binh sĩ Ukraine buộc phải tiết kiệm đạn pháo, và thường không thể bắn trả từng phát một.

"Ukraine bắn một thì Nga bắn mười"

Tại một vị trí pháo binh của Ukraine hôm 10/6, khi một số quả đạn của Nga vừa bay qua, rơi xuống cánh đồng, lính Ukraine đã sẵn sàng khai hỏa. Máy bay không người lái của họ phát hiện ra nhóm lựu pháo của Nga cách đó vài dặm.

Họ nhanh chóng hất những cành cây ra khỏi khẩu pháo tự hành 122 mm ngụy trang bên rìa một khu vực nhiều cây cối. Nòng súng hướng lên trời và chỉ bắn 2 phát, khiến bụi và lá bay mù trong không trung.

Một vài tuần trước, những người lính nói họ sẽ bắn khẩu pháo liên tục. Giờ đây, họ chỉ có thể tấn công vào các mục tiêu cụ thể, ví dụ như các loại lựu pháo của Nga.

“Chúng tôi sắp hết đạn”, Oleg - một trong những người lính, mặc chiếc quần lấm bẩn và giày trượt ván - nói. "Chúng tôi không được cung cấp đạn đủ nhanh vì phải sử dụng quá thường xuyên".

Mariana Bezugla - thành viên quốc hội Ukraine, phó chủ nhiệm Ủy ban An ninh, Quốc phòng và Tình báo Quốc gia - cho biết tình trạng thiếu đạn dược tương thích với các loại vũ khí từ thời Liên Xô đang diễn ra khắp khu vực phía đông - nơi lực lượng Ukraine và Nga đang giao tranh để nắm giữ Donbas (gồm Luhansk và Donetsk).

“Họ có rất nhiều nguồn lực, rất nhiều đạn dược. Chúng tôi không thể so với họ được”, bà Bezugla nói về quân Nga.

tinh hinh chien su ukraine anh 2

Quân đội Ukraine ẩn nấp khi một số quả đạn pháo bay ngang qua, rơi xuống trận địa phía sau vị trí pháo binh của họ. Ảnh: New York Times.

Bà Bezugla nói rằng mặc dù Ukraine đã nhận được đạn cho các loại pháo hiện đại hơn của NATO, nước này vẫn chưa có đủ số vũ khí để thay thế các thiết bị cũ hơn.

“Chúng tôi có loại đạn mới, nhưng vẫn thiếu thiết bị để sử dụng chúng”, bà nói.

Lầu Năm Góc nói họ đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm các loại vũ khí và đạn dược từ thời Liên Xô cho quân đội Ukraine sử dụng, sau nhiều tháng trao đổi với các đồng minh. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ thừa nhận nguồn cung đã cạn và nói rằng Ukraine có thể cần phụ thuộc vào hệ thống vũ khí của phương Tây trong "điểm nóng" ở miền Đông.

Tuy nhiên, quan chức này nói điều đó đồng nghĩa với việc đẩy nhanh quá trình huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng hệ thống mới, và có thể mất thời gian. Các quan chức Lầu Năm Góc đã rút ngắn khá nhiều thời gian huấn luyện quân Ukraine, so với thời gian lính Mỹ bỏ ra để được chứng nhận thành thạo một số hệ thống vũ khí.

Hôm 10/6, Phó cục trưởng Cục Tình báo quân sự Ukraine, Vadym Skibitsky, nói Ukraine đang yếu thế trong trận đấu với Nga trên tiền tuyến vì thiếu đạn pháo cho các loại vũ khí cũ. Ông cho biết Ukraine bắn 5.000-6.000 viên/ngày và “gần như đã sử dụng hết số đạn”.

Ngược lại, Nga bắn khoảng 60.000 quả đạn pháo và rocket mỗi ngày trong chiến trận Donbas, theo một cố vấn cấp cao giấu tên thuộc Bộ chỉ huy quân đội Ukraine.

Michael Kofman - Giám đốc nghiên cứu về Nga tại CNA, viện nghiên cứu ở Mỹ - cho biết nguồn cung đạn dược rất quan trọng đối với kết quả trong trận chiến ở miền Đông Ukraine.

“Cuộc xung đột này nghiêng nhiều về tiêu hao bằng pháo hơn là cơ động, có nghĩa một trong những yếu tố quyết định là bên nào có nhiều đạn hơn”, ông nói.

Việc Ukraine sắp hết đạn là điều dường như ai cũng biết. Các quan chức Ukraine đã chỉ ra vấn đề này từ nhiều tháng trước. Trên tiền tuyến, các chỉ huy theo dõi và cảnh báo khi lượng dự trữ giảm dần. Các binh sĩ cho biết yêu cầu hỗ trợ pháo binh không được đáp ứng vì thiếu đạn.

Vadym Mischuk - 32 tuổi, một binh sĩ Ukraine - vừa luân chuyển ra ngoài chiến tuyến gần thành phố Bakhmut ở miền Đông cho biết rằng Nga bắn nhiều pháo tới mức “chúng tôi thậm chí còn không nghe thấy tiếng của nhau”.

Một binh sĩ giấu tên khác ước tính cứ Ukraine cứ bắn một phát thì Nga đã bắn tới 10 phát.

Thay đổi chiến thuật

Việc quân đội Ukraine thừa nhận thiếu hụt vũ khí - điều mà các bên thường giấu đối phương trong giao tranh - có thể là muốn thúc giục phương Tây viện trợ thêm các loại vũ khí hạng nặng.

“Từ đầu tháng 3, chúng tôi đã nhận thức rõ trong cuộc chiến này, nguồn lực của chúng tôi đã cạn kiệt”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksiy Reznikov, viết trên Facebook hôm 9/6. Ông nói thêm rằng "chỉ dựa vào vũ khí thời Liên Xô chắc chắn sẽ thua cuộc".

Các nước NATO tăng cường cung cấp đạn dược cho Ukraine, nhưng việc chuyển giao không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ. Các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw cũ và các nước NATO sử dụng các cỡ đạn khác nhau. Do đó, khi phần lớn kho vũ khí của Ukraine là sản phẩm chế tạo từ nhiều thập niên trước, họ không thể sử dụng đạn dược của phương Tây.

tinh hinh chien su ukraine anh 3

Khói bốc lên từ một ngôi làng ở chiến tuyến vùng Donetsk. Ảnh: New York Times.

Ông Reznikov cho biết kho dự trữ đạn pháo 155 mm mới được viện trợ hiện lớn hơn toàn bộ kho đạn pháo của Ukraine trước khi chiến sự bắt đầu. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine có quá ít vũ khí để sử dụng và đang đối mặt với thách thức lớn về hậu cần.

Các quan chức Liên minh châu Âu cho biết một số quốc gia đã vận chuyển quá nhiều lượng đạn dược dự trữ, có khi tới 30%, đến mức họ ngày càng lo lắng về việc bổ sung kho.

Các quan chức cho biết mặc dù vẫn có một lượng thiết bị quân sự tương đối ổn định từ EU và các đồng minh, Ukraine không nhận được nhiều pháo hạng nặng như họ cần.

Với nguồn cung cấp đạn pháo thiếu hụt, Ukraine đã điều chỉnh chiến thuật. Chẳng hạn, vào hôm 10/6, một đơn vị ở Donbas đã sử dụng xe tăng T-64BV giống một khẩu pháo hơn là xe tăng chiến đấu chủ lực.

Thay vì tấn công trực tiếp mục tiêu, lính Ukraine lái xe chiếc xe tăng vài km về phía trước, định vị và nã vào các vị trí của quân Nga, trong khi một sĩ quan khác điều chỉnh mục tiêu qua radio và sử dụng máy bay không người lái. Đây là quy trình thường được áp dụng với súng cối hoặc lựu pháo.

“Chúng tôi đã sử dụng xe tăng vì không có đủ pháo", một chỉ huy giấu tên nói. Đơn vị pháo tự hành 122 mm của ông đã hết đạn và hiện sử dụng đạn pháo do Czech cung cấp.

Tuy nhiên, đạn cũ có tuổi đời hàng chục năm có thể hỏng nếu không được bảo quản đúng cách. Một binh sĩ giấu tên khác nói rằng một lô hàng rocket do Czech cung cấp đã bị lỗi, chỉ có 3/40 chiếc sử dụng được.

Video tên lửa phóng loạt Uragan xé toạc trời đêm Ukraine Bộ Quốc phòng Nga hôm 9/6 công bố video hệ thống tên lửa bắn loạt Uragan của quân khu miền Tây hoạt động ban đêm trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Xu hướng đảo ngược của châu Âu sau xung đột Ukraine

Việc Nga phát động "chiến dịch quân sự" ở Ukraine khiến châu Âu tăng chi tiêu an ninh quốc phòng. Động thái này đi ngược lại xu hướng mà phương Tây theo đuổi suốt 3 thập niên qua.

Sau hơn 100 ngày chiến sự, Ukraine nhận những vũ khí gì từ phương Tây?

Phương Tây liên tục viện trợ các loại vũ khí hiện đại cho Ukraine để hỗ trợ nước này phòng thủ trước Nga. Tuy nhiên, Kyiv chưa hài lòng và yêu cầu được nhận thêm vũ khí hạng nặng.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm