Nhắc đến ứng dụng gọi xe, Uber vẫn là cái tên mang tính biểu tượng, nhưng không vì thế mà công ty này "một mình một đường" để phát triển. Tại các thị trường chính của hãng, rất nhiều công ty địa phương với cách thức hoạt động tương tự đang ra sức cân bằng lại cán cân.
1. Mỹ
Tại quê nhà của Uber, đối trọng chính của hãng chính là Lyft. Đây là ứng dụng gọi xe ra đời năm 2012. Với cách thức hoạt động gần như tương tự với Uber, Lyft vẫn có lượng khách hàng thường xuyên đáng kể và cung cấp 18,7 triệu chuyến xe mỗi tháng chủ yếu tại thị trường này.
Năm 2016, doanh thu của Lyft là 700 triệu USD, tuy nhiên hãng lỗ ròng 600 triệu USD.
2. Trung Quốc
Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, Uber đã thử sức và thất bại hoàn toàn trước Didi Chuxing. Dù là công ty có tuổi đời khá trẻ, ra đời sau thương vụ sáp nhập 2 ứng dụng gọi xe lớn nhất Trung Quốc, Didi Chuxing lại có tiềm lực rất lớn và đánh bật Uber chỉ trong một năm.
Didi Chuxing đang đầu tư khắp thế giới và hình thành một liên minh toàn cầu đối trọng với Uber. Ảnh: Didi. |
Uber gia nhập thị trường Trung Quốc vào năm 2013, khi đó Didi còn là một ứng dụng được giới phân tích đánh giá là "tồi tệ, khó dùng". Tuy nhiên, hãng gọi xe Trung Quốc đã lột xác sau thời điểm năm 2015, đến năm 2016, Uber chính thức tuyên bố nhượng lại bộ phận kinh doanh tại Trung Quốc cho Didi Chuxing, đồng nghĩa với một thất bại toàn diện.
Theo định giá của CNN, Didi Chuxing hiện có giá trị khoảng 50 tỷ USD, bám sát Uber với giá trị 68 tỷ USD. Hai hãng gọi xe này đang là hai doanh nghiệp startup có giá trị lớn nhất thế giới.
Didi Chuxing đang nắm vai trò quan trọng trong liên minh chiến lược toàn cầu, bao gồm cả Lyft, Grab, Ola Cabs và Go-jek.
3. Ấn Độ
Tương tự như tại Trung Quốc, Uber đang vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ một ứng dụng địa phương, là Ola Cabs. Đây là công ty được thành lập năm 2010, mô hình hoạt động tương tự Uber.
Ola cabs dù cạnh tranh tốt với Uber về thị phần nhưng vẫn đang hoạt động lỗ. Ảnh: Techcrunch. |
Nếu không có Ola Cabs, gần như Uber sẽ độc chiếm thị trường 1,3 tỷ dân của Ấn Độ. Tuy nhiên, tình thế hiện tại đang là sự giằng co một chín một mười của hai ứng dụng.
Ola Cabs đưa ra mức giá gần như ngang bằng với Uber tại Ấn Độ. Hiện hãng vẫn đang vận hành lỗ, nhưng CEO của hãng khẳng định doanh nghiệp sẽ sinh lời sau hai năm nữa.
4. Đông Nam Á
Đối thủ chính của Uber tại Đông Nam Á là Grab, với tên gọi trước đây là GrabTaxi. Từ một ứng dụng bên thứ ba cung cấp dịch vụ gọi xe taxi thuận tiện, Grab ngày càng mở rộng và hướng tới mô hình kinh doanh gần giống với Uber.
Grab khẳng định đang nắm trong tay hơn 70% thị phần tại Đông Nam Á. Ảnh: Grab. |
Ứng dụng từ Malaysia này hiện đã mở rộng hoạt động sang các nước láng giềng như Singapore, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Hãng cũng công bố đã chiếm lĩnh khoảng 70% thị trường ứng dụng gọi xe tại khu vực Đông Nam Á.
5. Châu Âu
Tại châu Âu, Uber không có một đối thủ lớn thực sự nào. Đáng kể nhất trong số những cái tên hoạt động theo mô hình ứng dụng gọi xe theo nhu cầu là MyTaxi.
Trước nguy cơ bị cấm hoạt động tại London (Anh), có thể châm ngòi cho việc nhiều thành phố khác ban hành lệnh cấm, Uber đang chịu áp lực từ cơ quan chức năng các thành phố châu Âu nhiều hơn là từ các đối thủ cạnh tranh.