Bình luận
U23 Việt Nam không phải là đội chơi bùng nổ nhất, thăng hoa nhất kỳ SEA Games lần này, nhưng chắc chắn, chúng ta là đội chơi hiệu quả nhất, lỳ lợm nhất. Đấy là những phẩm chất mà huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo và các trụ cột của đội bóng đã được trui rèn từ những chuyến du đấu ngoài châu lục.
Khi sở trường trở lại
Đá chung kết với U23 Thái Lan là thách thức khó, nhưng lại dễ cho thầy Park. Trước đối thủ được tổ chức tốt, lối chơi đa dạng, nhiều cá nhân đột biến, nhà cầm quân người Hàn Quốc có lý do để từ bỏ thế trận tấn công mà ông miễn cưỡng áp dụng một cách chật vật suốt từ đầu giải.
Huấn luyện viên Park sẵn sàng chấp nhận nhường sân cho Mano Polking dù ông biết, chơi thế thủ trên sân Mỹ Đình trước hàng triệu người Việt ao ước đòi món nợ huy chương vàng 19 năm là sức ép. Nhưng thực tế, khi sở trường trở lại, ông vận hành đội bóng nhẹ nhàng hơn.
U23 Việt Nam gần như nhập cuộc mà không có tiền đạo thực thụ. Trên danh nghĩa, Nguyễn Tiến Linh - Nguyễn Văn Tùng đá cao nhất trong sơ đồ 5-3-2, nhưng 2 cầu thủ này thường xuyên lùi về rất sâu, tranh chấp trực tiếp với các trung vệ Thái Lan.
Hàng tiền vệ vẫn có Đỗ Hùng Dũng - Nguyễn Hoàng Đức làm nhiệm vụ thu hồi bóng, nhưng khi lắp thêm Huỳnh Công Đến, chúng ta hiểu ông Park muốn giữ an toàn ngay từ khu vực giữa sân.
Đấy là bài học mà ông đã nhận được từ sự nửa vời khi đối mặt với Mano Polking ở AFF Cup diễn ra vào năm ngoái. Tuyển Việt Nam khi đó nhùng nhằng giữa công và thủ, để rồi thua chóng vánh 0-2 ở trận bán kết lượt đi và coi như hết cơ hội ở lượt về.
Những toan tính thận trọng của HLV Park Hang-seo giúp U23 Việt Nam thành công trong việc chia cắt lối chơi, kéo đối phương vào các cuộc ganh đua trong từng mét đất và không cho người Thái tìm thấy nhau ở các đường chuyền lợi hại. Hiệp một kết thúc mà không có những dấu ấn đặc biệt cho cả 2, nhưng với ông Park, đó là mục đích.
Thầy Park tiếp tục gặt hái thành công cùng bóng đá Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng. |
Hơn ai hết, ông Park hiểu nếu để người Thái ghi bàn sớm, U23 Việt Nam vốn không có nhiều phương án tấn công sẽ rơi vào tuyệt vọng. Khi đã khóa chân đối thủ, ông mới có đất diễn cho những điều chỉnh của mình.
Hiệp 2 đánh dấu sự mạo hiểm hơn từ ông Park, khi nhân sự tấn công hoặc phản công của chúng ta bắt đầu được tăng cường. Nhâm Mạnh Dũng, Lý Công Hoàng Anh lần lượt vào sân, và ở 2 cánh, Lê Văn Đô, Phan Tuấn Tài cũng xuất hiện thường xuyên hơn trong những đợt chồng biên.
Điều đó phải đánh đổi bằng những phút sóng gió liên tục trước cầu môn Nguyễn Văn Toản, nhưng đáp lại, chúng ta cũng có những pha hãm thành khiến Kawin Thamsatchanan phải âu lo. Suốt 82 phút, ông Park duy trì được tương quan ăn miếng trả miếng trước U23 Thái Lan, dù đối phương nhỉnh hơn về số lượng cũng như độ nguy hiểm của các cơ hội tạo ra.
Nhưng cuộc chơi được định đoạt ở phút 83, khi Nhâm Mạnh Dũng đánh đầu lái bóng vào góc cao. Bàn thắng hiếm gặp ở khu vực Đông Nam Á. U23 Việt Nam kết liễu người Thái cũng đúng bằng thứ vũ khí đã hạ gục U23 Malaysia ở bán kết (Tiến Linh đánh đầu ngược ghi bàn trong hiệp phụ thứ 2).
Xua tan ám ảnh
Từ bao giờ không chiến đã trở thành đòn đánh lợi hại của các đội tuyển Việt Nam? Xưa nay chúng ta luôn bị coi là các chú lùn và mỗi khi đối phương cần bàn thắng, họ thường nghĩ đến rót bóng bổng trước tiên. Không cần ở tầm cỡ Saudi Arabia, Hàn Quốc, Australia, ngay cả Singapore, Indonesia, Thái Lan cũng luôn uy hiếp chúng ta bằng thứ bóng đá “đo chiều cao”.
Nhưng tại SEA Games 31, hàng thủ với Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Vũ Tiến Long… đã không thua bất cứ một bàn nào. Những phút cuối, U23 Indonesia hay Thái Lan đều chạy đua với thời gian bằng cách nhồi bóng bổng, nhưng điều đó là vô hại.
Chúng ta hãy quay lại khoảnh khắc cách đây chưa xa lắm, ngày 29/3, Nguyễn Thanh Bình bật cao hơn tất cả hàng phòng ngự trứ danh Nhật Bản, đánh đầu mở tỷ số ngay tại Saitama. Cũng như Mạnh Dũng, Tiến Linh, cả Thanh Bình, Việt Anh đang là trụ cột của U23 Việt Nam, đem những trải nghiệm từ sân chơi châu lục về SEA Games 31.
Nói về những trải nghiệm đó là nói về những được mất và đánh đổi. Rất ngọt ngào nhưng cũng đầy nghiệt ngã. Vinh quang tột cùng nhưng cũng thật nhiều mặn đắng nuốt vào trong.
Khi lập kỳ tích đưa tuyển Việt Nam vào vòng loại cuối cùng World Cup, HLV Park Hang-seo cũng đồng thời đối mặt với cơn bão chấn thương, cơn mưa thất bại và những luồng chỉ trích, phê phán như lốc xoáy. Từ vị thế một người hùng, chuyên viết những trang sử mới, ông bị ví giống tội đồ khi tuyển Việt Nam bị loại từ bán kết AFF Cup 2020.
Thái Lan không còn là đối thủ khiến các đội tuyển Việt Nam run sợ. Ảnh: Thuận Thắng. |
Cú vấp ấy đau hơn gấp bội, vì nó lại đến từ tuyển Thái Lan. Ông Park mất chuỗi bất bại huyền diệu, mất thế thượng phong trước Mano Polking, còn người hâm mộ Việt Nam mất sự tự tôn vừa mới nhen nhóm trước người Thái sau những cuộc đua không trực diện.
Vì vậy, vô tình, ở lần tái ngộ Polking này, trên vai ông Park chồng chất thêm cả món nợ 19 năm cho một giấc mơ huy chương vàng.
Năm 2003, U23 chủ nhà của cố HLV Alfred Rield đã gục ngã trước U23 Thái. Người ta phân tích lỗi lớn nhất của ông Rield là thiếu chuẩn bị các phương án dự phòng. Khi đó, Lê Văn Trương (mang áo số 2) bị treo giò, người đá thay là Lê Đức Tuấn mắc lỗi trực tiếp dẫn đến bàn thua chung cuộc.
Năm nay, cũng lại một số 2 khác không thể ra sân (Lê Văn Xuân bị đứt dây chằng). Nhưng kịch bản hoàn toàn đảo ngược, khi người đóng thế Phan Tuấn Tài lại có đường kiến tạo để Mạnh Dũng ghi bàn quyết định.
Nỗi ám ảnh Mỹ Đình đã được xua tan, một trong nhiều món nợ với người Thái đã được xóa sổ, tấm HCV SEA Games thì được giữ lại khi bóng đá Việt Nam đã có vị thế hoàn toàn khác trong khu vực.
Đấy là vị thế của nền bóng đá đã vượt khỏi sự chật chội của ao làng, để liên tục có cơ hội được vươn ra biển lớn, được hít thở, được va chạm, được thất bại trước những ông lớn của châu Á.
Những tích lũy ấy dù thô ráp, đớn đau nhưng nó giúp chúng ta trở nên cứng cỏi, bản lĩnh hơn. Nó tạo ra thứ năng lượng khiến U23 Việt Nam chỉ là tập thể không có ngôi sao và chất lượng ở mức trung bình khá, lại chịu nhiều gánh nặng nhưng vẫn chạm vào danh hiệu nhờ những bước đi chậm chạp mà vững chãi.