Hậu vệ Tấn Tài là cái tên đầu tiên của U23 Việt Nam nói lời chia tay SEA Games 28. Chấn thương rạn xương mác anh gặp phải trong trận đấu với U23 Brunei cần 4 tuần để hồi phục.
Nhưng nếu tính từ thời điểm U23 Việt Nam tập trung hồi đầu tháng 5, cầu thủ thuộc biên chế CLB ĐTLA ít nhất cũng là trường hợp thứ 10 dính chấn thương khi làm việc với HLV Miura.
Tấn Tài nói lời chia tay khi cuộc chơi mới bắt đầu. Ảnh: Tùng Lê |
Trong cả 3 trận đấu của U23 Việt Nam từ thời điểm nêu trên đến lúc này, trận nào đội bóng của nhà cầm quân người Nhật cũng có trường hợp chấn thương nặng.
Ở cuộc đọ sức với U23 Hàn Quốc ngày 9/5, tiền vệ trụ cột Hoàng Thịnh bị gãy 2 xương sườn và nói lời tạm biệt, còn Phi Sơn sau đó phải ngồi ngoài gần hết quá trình chuẩn bị của U23 Việt Nam. Hình ảnh vẫn đọng lại đến bây giờ là 4-5 ca bị đau của các học trò HLV Miura đều phải rời sân bằng cáng.
Đến trận giao hữu với U23 Myanmar ngày 22/5, tiền đạo Văn Toàn suýt mất SEA Games và lúc này, chưa thể trở lại thi đấu. Có nghĩa cứ trung bình sau mỗi trận, HLV Miura mất một cầu thủ vì chấn thương.
Nếu tất cả đối thủ đều mạnh như U23 Hàn Quốc, lý do sẽ phần nào được châm chước khi các học trò của nhà cầm quân người Nhật phải gồng mình lên đá, dùng tinh thần để bù đắp cho những khiếm khuyết của họ. Nhưng với một đối thủ xoàng như U23 Brunei, U23 Việt Nam cũng mất người vì chấn thương.
Vết đau khiến hậu vệ Tấn Tài chia tay SEA Games 28 là một tai nạn. Nhưng những dạng tổn thương về thể chất liên tiếp xảy ra ở các đội bóng của HLV Miura khó có thể được xem là sự tình cờ.
Sau trận giao hữu với U23 Hàn Quốc, chuyên gia Trịnh Minh Huế lên tiếng cảnh báo: “Nếu cứ đá như vậy, U23 Việt Nam sẽ trả giá đắt”. Theo ông Huế, điều nguy hại trong cách chơi của các học trò HLV Miura là sự lạm dụng khả năng tranh chấp vượt ngưỡng. Và chấn thương là hệ quả tất yếu khi thể trạng cầu thủ Việt Nam không thể sánh được với Nhật Bản, Hàn Quốc, song lại “quăng quật” như những Samurai.
Tiền vệ Minh Châu (số 6) lĩnh thẻ đỏ trong trận Việt Nam - Thái Lan. Ảnh: Tùng Lê |
Nhưng tác hại của “sự lạm dụng khả năng tranh chấp vượt ngưỡng” chưa dừng lại ở đó. Chuyên gia Trịnh Minh Huế còn chỉ ra một nguy cơ khác là thẻ phạt. Gần như ngay lập tức, điều này đã được kiểm chứng trong trận đấu của đội tuyển Việt Nam với Thái Lan, thuộc khuôn khổ Vòng loại kép World Cup 2018 - Asian Cup 2019. Tấm thẻ đỏ của Minh Châu khiến ĐT Việt Nam phải trả giá bằng kết quả trắng tay trước người Thái.
Đấy là chưa kể 2 trung vệ Huy Cường và Tiến Thành cũng dính chấn thương khá nặng. Thống kê được rút ra sau 4 trận đấu gần nhất của HLV Miura là nếu không mất quân vì chấn thương, lực lượng trong tay nhà cầm quân người Nhật cũng tổn thất vì thẻ phạt.
“Thầy luôn yêu cầu chúng tôi phải hết mình trong luyện tập và thi đấu” là câu cửa miệng của tất cả cầu thủ U23 Việt Nam khi nói về phương pháp huấn luyện của HLV Miura.
Tất nhiên, chính ông Miura cũng không muốn đối diện với một cuộc khủng hoảng lực lượng. Nhưng nếu không nhìn nhận ca chấn thương mới nhất của Tấn Tài như dấu hiệu của nguy cơ dẫn đến điều đó và đưa ra biện pháp chấn chỉnh, hiểm họa hết mình - hết người là hiện hữu khi U23 Việt Nam mới chỉ trải qua trận đấu đầu tiên.