Điểm tích cực cựu HLV Thể Công nhìn thấy trong trận giao hữu U23 Việt Nam - U23 Hàn Quốc là kết quả hòa 0-0 của thầy trò HLV Miura trước đội bóng mạnh nhất nhì châu lục. Sau đó là tinh thần thi đấu của các cầu thủ đã đáp ứng được mong mỏi của khán giả.
“Kể từ khi bắt tay vào công việc tại Việt Nam, HLV Miura đã mang tới diện mạo mới cho cả 2 đội tuyển. Chúng ta luôn nhập cuộc bằng sự quyết tâm cao, thể lực sung mãn”, chuyên gia Trịnh Minh Huế nhận xét.
Ông Trịnh Minh Huế từng là cựu cầu thủ và HLV Thể Công. Ảnh: NVCC |
Tuy vậy, ông Huế đưa ra một số vấn đề thuộc về nguyên tắc huấn luyện để chỉ ra những nhược điểm trong cách chuẩn bị của U23 Việt Nam hướng đến SEA Games 28.
Thứ nhất, tính chất của một trận giao hữu liệu có cần thiết phải đá quyết liệt như các học trò HLV Miura thể hiện? Cựu HLV Thể Công chia sẻ: “Chúng ta yếu hơn họ nên đương nhiên phải gồng lên đá. Nhưng như thế không có nghĩa là bằng mọi giá ăn thua. U23 Việt Nam đã chơi một trận đấu như thể họ lọt vào chung kết SEA Games”.
Hậu quả nhãn tiền của lối chơi này là bản danh sách chấn thương đã dài thêm. Trong đó, việc tiền vệ Hoàng Thịnh phải chia tay vì gãy xương sườn là tổn thất nghiêm trọng với đội bóng của HLV Miura.
“Khi còn làm HLV, tôi luôn yêu cầu các cầu thủ phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc tránh chấn thương khi đá giao hữu. Điều tai hại trong trận đá với U23 Hàn Quốc là các cầu thủ U23 Việt Nam đã lạm dụng sức mạnh tranh chấp quá ngưỡng và tự gây ra chấn thương cho mình. Nếu mỗi trận có 3-4 cầu thủ chấn thương như thế, lấy đâu ra quân để đá SEA Games”, chuyên gia Trịnh Minh Huế tâm sự.
Nhận xét của ông Huế hoàn toàn chính xác. Trong trận đấu nêu trên, tất cả trường hợp rời sân bằng cáng đều thuộc về U23 Việt Nam. Lối chơi quyết liệt trên mức cần thiết của các học trò HLV Miura cũng bị HLV Shin Tae-yong của U23 Hàn Quốc phàn nàn.
Rất nhiều cầu thủ U23 Việt Nam phải rời sân vì chấn thương trong trận giao hữu với U23 Hàn Quốc. Ảnh: Lê Hiếu |
Vấn đề thứ hai chuyên gia Trịnh Minh Huế phân tích là kết quả thử nghiệm về nhân sự và lối chơi của U23 Việt Nam. Ông nói: “Chúng ta thay người một cách bị động sau những ca chấn thương phải rời sân, chứ không phải có ý đồ thay đổi cục diện trận đấu. Về chiến thuật, ngoài chuyện tranh chấp với 200% sức, U23 Việt Nam không cho thấy đường nét rõ ràng của các mảng miếng phối hợp”.
Thế nên, cựu HLV Thể Công cho rằng, HLV Miura đã không đạt được mục tiêu thực hành chiến thuật. Đây là điểm thất bại thứ hai của nhà cầm quân người Nhật, sau khi ông bất thành với mục tiêu bảo toàn lực lượng trước thềm SEA Games 28.
Vấn đề thứ ba, chuyên gia Trịnh Minh Huế trăn trở về ý thức luật bóng đá còn hạn chế của các cầu thủ U23 Việt Nam. Theo ông, những pha vào bóng bằng gầm giày, phi 2 chân… của các học trò HLV Miura là sự thể hiện của lối chơi thô bạo chứ không phải tinh thần thi đấu quyết liệt.
Theo cựu HLV Thể Công, ý nghĩa của một trận giao hữu đã khiến trọng tài có phần nương tay với rất nhiều pha phạm lỗi của cầu thủ U23 Việt Nam. Nếu bước vào thi đấu chính thức, đá như vậy không chỉ tiềm ẩn nguy cơ chấn thương mà còn thiệt thòi quân số vì thẻ phạt.
Một pha tranh chấp quyết liệt trong trận U23 Việt Nam - U23 Hàn Quốc. Ảnh: Lê Hiếu |
"Đặt mình vào cương vị HLV Miura, tôi sẽ nhắc nhở cầu thủ chơi hết mình nhưng phải đúng luật. Việc ông phát biểu mức độ quyết liệt của trận đấu còn thua xa V.League khiến cầu thủ U23 Việt Nam có thể hiểu rằng, những hành vi như vậy được bật đèn xanh", chuyên gia Trịnh Minh Huế bày tỏ sự lo ngại.
Tựu trung lại, cựu HLV Thể Công nhận xét: "Quá trình chuẩn bị cho SEA Games 28 của thầy trò HLV Miura phải thay đổi. Nếu không, họ sẽ trả giá đắt khi bước vào thi đấu chính thức".