Thất bại của U23 Việt Nam khiến Thái Lan trở thành đại diện duy nhất sót lại của bóng đá Đông Nam Á ở U23 châu Á. Nằm ở một nhánh đấu thuận lợi, có nhiều lợi thế, đoàn quân của HLV Akira Nishino đang tiến rất gần tới mục tiêu giành vé đi Olympic Tokyo 2020.
U23 Thái Lan là đội Đông Nam Á duy nhất còn lại đang tiến gần tới Olympic Tokyo. Ảnh: Minh Chiến. |
Thua SEA Games thì đã sao?
Cơn bão chỉ trích đã biến mất, dư luận lạc quan, các cầu thủ mỉm cười còn Nishino có thể yên tâm. Thất bại ở SEA Games 30 giờ là điều gì đó rất xa xôi dù giải đấu mới khép lại hơn một tháng trước. U23 Việt Nam, đội đã loại Thái Lan ở SEA Games, vừa cay đắng rời giải. U23 Indonesia, một đối thủ khó chịu khác, còn không được dự giải.
Trong vòng vây của 7 cường quốc châu Á, Thái Lan không phải đội mạnh nhất nhưng vẫn có cơ hội, thậm chí là cơ hội lớn để viết nên lịch sử.
Bóng đá châu Á vài năm trở lại đây đã chứng kiến ưu thế đáng kể của các đội chủ nhà. Năm 2014, Myanmar trở thành đội Đông Nam Á đầu tiên có vé đi U20 World Cup nhờ lợi thế sân nhà. Năm 2016, U19 Bahrain suýt làm được điều tương tự khi vào tới tứ kết. Cũng năm đó, U23 Qatar vào tới bán kết nhưng mất vé đi Olympic vì thua tranh hạng ba.
Vài ví dụ ấy là đủ thấy lợi thế sân nhà có thể mang về trái ngọt không tưởng cho các nền bóng đá. Đấy là lý do Qatar phải đấu với 3 quốc gia khác nhau nhằm giành quyền đăng cai U23 châu Á 2016, Thái Lan phải thắng Australia, Việt Nam, Malaysia để tổ chức giải này.
Đến lúc này, tính toán của người Thái đã cho thấy hiệu quả. Họ rơi vào bảng đấu nhẹ nhất, gặp đội yếu nhất ở trận đầu, nắm nhiều lợi thế tới mức chỉ giành 1 điểm trong 2 trận cuối nhưng vẫn có vé đi tiếp. Tại tứ kết, dù đối đầu Saudi Arabia rất mạnh, Thái vẫn nắm trong tay lợi thế sân nhà, khán giả nhà cùng những “quyền lợi” đặc biệt khác mà mọi nước chủ nhà trong lịch sử đều có.
Thất bại ở SEA Games nhưng Thái Lan của Akira Nishino vẫn đang tiến bước vững chắc. Ảnh: Minh Chiến. |
Bản thân Thái Lan đã định hình lối chơi rõ ràng. Quyết định hy sinh hai cầu thủ quá tuổi ở SEA Games 30 giúp HLV Akira Nishino có tối đa thời gian để ổn định bộ khung cho đội U23. Kết quả là bản sắc được định hình rõ ràng, lối chơi ăn ý, có ít điểm yếu và cho thấy khả năng giải quyết trận đấu bằng nhiều phương án.
Trận gặp U23 Iraq, ông Nishino mạnh dạn cất số 10 Supachok Sarachat và số 9 Supachai Jaided nhưng U23 Thái Lan vẫn là đội mở tỷ số. Còn khi phải tung bộ đôi này vào sân, người Thái tạo ra hàng loạt cơ hội, lấn lướt đại diện Tây Á.
Trong khi tiền vệ công trở thành điểm yếu chí tử của U23 Việt Nam ở giải năm nay, Thái Lan có quyền tự hào vì đang sở hữu dàn sao trẻ Supachok, Suphanat Mueanta, Worachit Kanitsribampen. Họ đều rất trẻ, kỹ thuật, tốc độ, nhanh nhẹn, đầy đột biến. Cả 3 người đều có khả năng chơi cả hai biên, đột phá độc lập tốt, phối hợp nhóm ấn tượng. Nhìn họ, người hâm mộ hẳn sẽ thấy nhớ Phan Văn Đức và Nguyễn Công Phượng rất nhiều.
Những cầu thủ “mũi kim” kiểu ấy cũng chính là sát tinh của các đội bóng Tây Á, vốn không được đánh giá cao về tính tổ chức và cự ly đội hình (so với vùng Đông Á).
U23 Thái Lan đã loại hai đội Tây Á là Bahrain và Iraq (áo xanh) trước khi tiến tới gặp Saudi Arabia chiều tối 18/1. Ảnh: Minh Chiến. |
Saudi Arabia - đội tuyển Tây Á mạnh nhất
Trong bộ truyện tranh bóng đá nổi tiếng Nhật Bản Captain Tsubasa, Saudi Arabia luôn được xem là đối trọng lớn nhất của các tuyển trẻ Nhật Bản ở châu lục. Với đất nước quê hương của HLV Nishino, đối đầu Saudi Arabia giống như cuộc chiến Đông - Tây, là trận cầu quyết định ngai vàng châu Á. Người Nhật tự gọi họ là “Những Samurai xanh”, còn Saudi Arabia là “Vua sa mạc”.
Sau khi Iran, Iraq, Qatar dừng bước, U23 Saudi Arabia cũng xứng đáng là ngọn cờ đầu của bóng đá Tây Á trên đất Thái Lan. Họ là đội tuyển Tây Á giành nhiều điểm nhất (7), là tên tuổi hiếm hoi vẫn bất bại. Ba trận tại bảng B, họ thắng chủ nhà Olympic Nhật Bản, cầm chân đội hạng ba năm 2018 Qatar trước khi giật ngôi đầu bảng khỏi tay Syria.
Chỉ tính từ tháng 10/2019 tới nay, U23 Saudi Arabia đã chơi 12 trận giao hữu, dự 2 giải quốc tế với hàng loạt đối thủ mạnh như Hàn Quốc, UAE, Uzbekistan, Trung Quốc, Jordan, Ai Cập... Họ là đội có quá trình chuẩn bị cẩn thận bậc nhất vòng chung kết U23 châu Á 2020.
Trận giao hữu cuối cùng trước giải, họ thắng chính U23 Thái Lan của Akira Nishino 1-0.
Ba trận với Nhật Bản, Qatar và Syria, U23 Saudi Arabia đều tạo ra nhiều cơ hội hơn. Hai trận gặp Qatar và Syria, tỷ lệ kiểm soát bóng của đại diện Tây Á lần lượt là 64,6% và 71,8%, hoàn toàn vượt trội. U23 Saudi Arabia có 6 tuyển thủ quốc gia trong đội hình. Và hãy nhớ rằng đội tuyển của họ ở đẳng cấp World Cup, vừa dự kỳ gần nhất cách đây 2 năm.
Đó rõ ràng là một đối thủ khó chịu ngay cả khi U23 Thái Lan và HLV Akira Nishino có lợi thế sân nhà. Đương nhiên, đã muốn tới Olympic thì không thể hy vọng đối thủ yếu.
Với thầy trò HLV Nishino, vinh quang vẫn đang ở phía trước.
1 - Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người Thái vượt qua vòng bảng U23 châu Á. Họ cũng là đội Đông Nam Á duy nhất còn sót lại ở tứ kết.
2 - Do U23 Nhật Bản đã bị loại, các đội muốn giành vé đi Olympic sẽ phải chơi tối thiểu 2 trận nữa ở giai đoạn knock-out. Nếu thua ở bán kết, họ phải thắng trận tranh hạng ba để có vé tới Tokyo mùa Hè này.
7 - Thái Lan là hàng công mạnh nhất sau vòng bảng U23 châu Á. Tuy nhiên, 5 trong số 7 bàn của họ được ghi vào lưới đội tân binh Bahrain.