Do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động đang chứng kiến những chuyển biến chưa từng có. Nhiều công việc dần biến mất, nhường chỗ cho máy móc. Vòng đời trung bình của kỹ năng dần ngắn lại, các kỹ năng “cứng” hay kỹ năng chuyên môn trở nên lỗi thời nhanh hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn ở tình trạng thiếu hụt nhân sự với kỹ năng cần thiết vì trình độ đào tạo chung chưa thể theo kịp tốc độ thay đổi của nhu cầu về kỹ năng.
Nhằm khắc phục vấn đề thiếu hụt kỹ năng, đào tạo nội bộ là một giải pháp được sử dụng phổ biến bởi các doanh nghiệp. Theo báo cáo “Workplace Learning Report 2018” do LinkedIn thực hiện trên phạm vi toàn cầu, hình thức đào tạo phổ biến hiện nay vẫn là các chương trình đào tạo thực hiện bởi giảng viên nội bộ, chiếm 85%, giảm 2% so với năm 2017.
Đáng chú ý, năm nay đánh dấu sự lên ngôi của đào tạo trực tuyến, 71% công ty sử dụng hình thức đào tạo online với những bài học do nội bộ công ty tự sản xuất, tăng 12% so với năm 2017 (58%). Bên cạnh đó, 67% doanh nghiệp cũng đang đào tạo thông qua các khóa online do tổ chức khác cung cấp, tăng 18% so với năm 2017 (49%). Với tốc độ tăng trưởng này, đào tạo trực tuyến sẽ nhanh chóng trở thành hình thức đào tạo doanh nghiệp phổ biến nhất trong 1-2 năm tới.
Đào tạo trực tuyến nhanh chóng trở thành hình thức đào tạo doanh nghiệp phổ biến. |
Cũng theo báo cáo trên, đối với các công ty có quy mô từ 10.000 người trở lên, ngân sách dành cho đào tạo trực tuyến hiện ngang với ngân sách dành cho đào tạo trên lớp. Xét đến khía cạnh chi phí, các chương trình đào tạo trực tuyến thường có chi phí thấp hơn nhiều lần so với đào tạo trên lớp. Như vậy, với ngân sách tương đương, phương pháp e-learning giúp doanh nghiệp đào tạo được số lượng nhân sự lớn hơn nhiều lần.
E-learning hay đào tạo trực tuyến là sản phẩm của kỷ nguyên số, hứa hẹn là giải pháp cho những vấn đề về nguồn nhân lực mà kỷ nguyên số gây ra. Khi các kỹ năng xuất hiện và biến mất ngày càng nhanh, đào tạo theo đó cũng phải đáp ứng được yêu cầu về tốc độ.
Với đào tạo trực tuyến, học viên có thể học những kỹ năng họ muốn ngay thời điểm họ cần. Đây là điểm quan trọng làm nên sự khác biệt giữa đào tạo trực tuyến và đào tạo truyền thống. Nhờ đó, thời gian trống từ lúc nảy sinh nhu cầu đào tạo đến lúc kỹ năng được cập nhật được rút ngắn đáng kể. Nền tảng trực tuyến cũng cho phép các doanh nghiệp cập nhật nội dung bài học liên tục theo những xu hướng mới nhất, hạn chế trường hợp nội dung đào tạo vừa xây dựng xong đã lỗi thời.
Với sự phổ biến của điện thoại thông minh, nhân viên có thể học mọi lúc mọi nơi. E-learning xóa bỏ nhiều rào cản về địa lý, giúp việc học tập diễn ra suôn sẻ dù người học và người dạy ở cách xa nhau.
Báo cáo của LinkedIn cũng nêu lên ý kiến của người lao động về việc đào tạo trong doanh nghiệp, cụ thể, 68% nhân viên ưa thích học tập ngay tại nơi làm việc, 58% ưa thích học tập theo tiến độ riêng của họ và 49% ưa thích học tập khi họ cần. Những con số này cho thấy người lao động mong muốn sự tự do trong việc học tập và đào tạo trực tuyến là phương thức đào tạo đáp ứng được những yêu cầu này.
Đào tạo trực tuyến mang đến những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Trên hết, nó cung cấp những điều mà người học thực sự cần. Những doanh nghiệp vẫn chưa nghĩ đến việc ứng dụng e-learning trong đào tạo nên tìm hiểu thêm về giải pháp này.
Nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) triển khai chương trình đào tạo trực tuyến với 15 bài giảng hoàn toàn miễn phí. Độc giả tìm hiểu thêm về các khóa học và đăng ký tham dự tại đây.