Yonhap News đưa tin ông Kim Beom-su, người sáng lập tập đoàn công nghệ Kakao Corp bị bắt vào sáng 23/7 với cáo buộc thao túng cổ phiếu.
Các công tố viên cho biết vụ việc liên quan đến thương vụ tiếp quản công ty giải trí hàng đầu Kpop, SM Entertainment vào năm 2023.
Được xem là tỷ phú công nghệ thành công nhất Hàn Quốc, doanh nhân 58 tuổi này vẫn là một game thủ cuồng nhiệt, thích chơi những tựa game như Diablo cùng vợ và hai con trong thời gian rảnh rỗi.
“Trong quá trình chiến đấu với kẻ thù và bảo vệ lâu đài của mình, bạn có thể học các kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách thiết lập các chiến lược sáng tạo và hợp tác với người khác”, ông Kim nói.
Xuất thân hiếm có
Chính niềm đam mê với các tựa game online và ý tưởng về một ứng dụng trò chuyện trực tuyến đã giúp ông trở thành một trong số ít tỷ phú tự thân của Hàn Quốc, thành tích hiếm có ở một đất nước mà nền kinh tế bị chi phối bởi giới chaebol (các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc).
Năm 2021, tài sản của ông Kim đã tăng thêm 6 tỷ USD và đạt mức 13,5 tỷ USD. Điều này đã giúp ông soán ngôi người thừa kế Samsung Lee Jae-yong trên bảng xếp hạng người giàu nhất Hàn Quốc.
Brian Kim cho biết niềm đam mê game thời trẻ là yếu tố quan trọng giúp ông có được thành công. Ảnh: Kakao. |
Khác với phần lớn các tỷ phú ở Hàn Quốc đều có xuất thân từ chaebol, doanh nhân 58 tuổi lớn lên trong một gia đình không khá giả. Ông từng phải ở chung phòng với 7 thành viên trong gia đình. Cha mẹ ông đều không học quá tiểu học.
Kim cũng là người đầu tiên trong nhà theo học Đại học Quốc gia Seoul danh giá. Để trang trải mức học phí đắt đỏ của đại học, ông đã phải đi dạy thêm để giúp gia đình.
Ông Kim cũng là một trong những vị tỷ phú hiếm hoi coi thường các chuẩn mực của Hàn Quốc. Sau khi sáng lập Kakao, Kim buộc các nhân viên của mình gọi ông bằng tên tiếng Anh Brian.
Mọi nhân viên đều sử dụng tên tiếng Anh ở công ty. Ông cho rằng đây là cách để vượt qua cấu trúc cấp bậc khắt khe của Hàn Quốc.
Ông cũng chỉ trích hệ thống giáo dục Hàn Quốc là cứng nhắc và thiếu sáng tạo. "Trường lớp Hàn Quốc chỉ dạy bọn trẻ cách để đỗ đại học, thứ không hề kích thích một chút tính sáng tạo nào", Kim nói.
Tháng 3/2021, Kim đã ký vào một bản cam kết của quỹ Giving Pledge, do các tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates và Melinda Gates tạo ra. Cam kết này buộc người ký quyên góp phần lớn tài sản để giải quyết các vấn đề xã hội.
Theo Korea JoongAng Daily, khoản đóng góp của nhà sáng lập Kakao sẽ đặc biệt chú trọng đến các vấn đề trong giáo dục.
Kim cho rằng sự nghèo khổ thuở còn thơ bé đã giúp ông có được lòng trắc ẩn với những người khó khăn hơn mình.
"Sau khi đạt được sự thành công như bây giờ, tôi cảm thấy trống rỗng và mất phương hướng", vị tỷ phú chia sẻ.
Gầy dựng cơ ngơi
Theo Korea Times, công việc đầu tiên của ông Kim sau khi tốt nghiệp đại học là một nhân viên IT tại công ty dịch vụ Samsung SDS. Tại đây, ông từng làm việc cùng Lee Hae-jin. Ông Lee là nhà sáng lập Naver, cũng là một startup công nghệ nổi tiếng khác của Hàn Quốc. Brian Kim sáng lập Kakao vào năm 2006.
Sau khi rời công việc IT tại Samsung, ông mở một quán cà phê Internet nhỏ và bắt đầu phát triển nền tảng trò chơi casino trực tuyến có tên là Hangame. Đây là cổng trò chơi trực tuyến đầu tiên của Hàn Quốc, sau này được sáp nhập với Naver trở thành NHN.
Hơn 90% điện thoại ở Hàn Quốc có cài đặt ứng dụng của Kakao. Ảnh: Bloomberg. |
Năm 2007, Kim đang ở Mỹ để phát triển thị trường game cho NHN. Đó cũng là năm iPhone được giới thiệu.
Ông ngay lập tức nhận ra tiềm năng của chiếc điện thoại này, và cùng đồng nghiệp tập trung phát triển ứng dụng cho iPhone. Đó là thời điểm 2 năm trước khi iPhone chính thức được phân phối tại Hàn Quốc.
Kim thành lập Kakao vào năm 2006, nhưng 4 năm sau mới ra mắt KakaoTalk. Nền tảng nhắn tin này đã có trên 53 triệu người dùng trên toàn cầu, trong đó 88% là người Hàn Quốc.
Tập đoàn Kakao đã bành trướng từ ứng dụng nhắn tin sang các lĩnh vực như ví điện tử, ngân hàng cho đến trò chơi điện tử hay ứng dụng gọi xe.
Giờ đây, họ là doanh nghiệp lớn thứ 15 của Hàn Quốc. Đến nay, cứ 4 người Hàn Quốc thì 3 người dùng các dịch vụ của Kakao. Hiện tại, tập đoàn có 128 công ty liên kết với tổng tài sản trị giá 35,1 nghìn tỷ won (25,3 tỷ USD).
Đại dịch đã tạo điều kiện cho KakaoTalk tăng trưởng vượt bậc do người dân hạn chế gặp mặt nhau trực tiếp. Lợi nhuận của nền tảng này đã tăng gấp ba lần lên đến mức 209 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2021 so với năm 2020.
Trong vòng chưa đầy 2 năm, 3 công ty con Kakao lần lượt được niêm yết trên sàn chứng khoán, bao gồm Kakao Games, KakaoBank và Kakao Pay.
Bên cạnh đó, một số công ty khác thuộc tập đoàn này gồm Kakao Mobility và đơn vị điều hành nền tảng truyện tranh kỹ thuật số Piccoma cũng sở hữu tiềm năng rất lớn.
Hybe và Kakao là đối thủ trong cuộc chiến thâu tóm SM Entertainment vào năm 2023. Ảnh: Yonhap. |
Tuy nhiên, cuộc chiến thâu tóm SM Entertainment vào năm 2023 lại đang đứng trước nguy cơ trở thành "vết nhơ" của ứng dụng trò chuyện di động lớn nhất Hàn Quốc.
Cụ thể, theo cáo trạng, cổ phiếu SM đã bị “bơm thổi” để tăng lên mức 120.000 won (86 USD) thông qua hành vi thao túng. Công tố viên nghi ngờ Kakao chi 240 tỷ won để thâu tóm cổ phiếu SM cao hơn giá chào mua từ Hybe. Điều này nhằm phá hoại nỗ lực tiếp quản SM của đối thủ.
Trước đó, Hybe đã mua 14,8% quyền sở hữu SM từ người sáng lập Lee Soo-man. Đồng thời, tập đoàn mong muốn thâu tóm cổ phần từ nhóm nhà đầu tư nhỏ ở mức 120.000 won/cổ phiếu.
Tuy nhiên ngay sau khi đề nghị được đưa ra, giá cổ phiếu SM giao dịch trên thị trường tăng mạnh. Hybe buộc phải hủy đề xuất mua lại.
Một tháng sau, Kakao và Kakao Entertainment trở thành cổ đông kiểm soát SM Entertainment nhờ việc mua lại 39,87% quyền sở hữu doanh nghiệp.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.