Tỷ phú Naguib Sawiris. Ảnh: AP |
“Hy Lạp hoặc Italy nên bán cho tôi một hòn đảo. Tôi sẽ tuyên bố độc lập cho nó, tiếp nhận những người di cư rồi cung cấp việc làm cho họ để xây dựng một quốc gia mới”, ông Naguib Sawiris, tỷ phú ngành truyền hình và viễn thông ở Ai Cập, nêu đề xuất trên mạng xã hội Twitter.
Theo RT, đề nghị của Sawiris không phải là lời nói suông bởi vị tỷ phú khẳng định ông sẵn sàng soạn thảo những đề xuất cụ thể để gửi tới Rome và Athens.
“Các vị có hàng chục đảo hoang và chúng có thể tiếp nhận hàng trăm ngàn người”, ông nói với hãng AFP và khẳng định ý tưởng rất khả thi. Trùm truyền thông dự tính rằng ông sẽ xây khu vực trú ẩn tạm thời cho họ trước khi thuê công nhân xây dựng nhà, trường học và bệnh viện.
“Nếu tình hình khá hơn, những người muốn trở lại quê hương có thể quay về”, người sở hữu khu du lịch El Gouna nổi tiếng trên bờ Biển Đỏ của Ai Cập nói.
Mặc dù vậy, Sawiris cũng thừa nhận những thách thức đối với dự án của ông, gồm các vấn đề về pháp lý và hải quan. Theo ước tính của vị tỷ phú, giá của một đảo dao động từ 10 đến 100 triệu USD, nhưng trước khi biến dự án thành hiện thực, ông cần thêm vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp để phục vụ cuộc sống của những người sống trên đảo
Đảo Kastelorizo của Hy Lạp. Ảnh: Reuters |
Sawiris là giám đốc điều hành của Orascom TMT - mạng điện thoại di động tại một số quốc gia Trung Đông, châu Phi và Hàn Quốc cùng hệ thống mạng thông tin liên lạc dưới nước. Ông cũng sở hữu một kênh truyền hình tại Ai Cập.
Vị tỷ phú Ai Cập đưa ra đề xuất mua đảo cho người tị nạn trong bối cảnh dư luận quốc tế bất bình trước hàng loạt cái chết gần đây của dân nhập cư – những người liều mạng vượt Địa Trung Hải để tới “miền đất hứa” châu Âu.
Cộng đồng mạng tỏ ra ủng hộ ý tưởng của Sawiris. Nhiều người tuyên bố họ sẵn sàng góp sức để cùng ông Sawiris thực hiện dự án. Tuy nhiên, một số người cho rằng ông nên mua đảo ở châu Phi để giảm chi phí.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, từ đầu năm tới nay, 300.000 người rời Bắc Phi và Trung Đông để vượt biển Địa Trung Hải trên hành trình tới châu Âu. Con số này tăng 40% so với năm ngoái.
Mỗi ngày, hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn người di cư tranh nhau lên tàu hoặc bám vào các thuyền nhỏ để vượt biên. Họ có thể trèo qua hàng rào ở Morocco để tới lãnh thổ Tây Ban Nha, chen chúc trong xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lên tàu để di chuyển khắp châu Âu.