Lực lượng an ninh cố gắng ngăn hàng trăm người nhập cư tìm cách vượt qua biên giới Hy Lạp để tiến vào Macedonia hồi tháng 8. Ảnh: Getty |
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, từ đầu năm tới nay, 300.000 người rời Bắc Phi và Trung Đông để vượt biển Địa Trung Hải trên hành trình tới "miền đất hứa" châu Âu. Con số này tăng 40% so với năm ngoái.
Mỗi ngày, hàng trăm và có thể hàng nghìn người chọn cách tranh nhau lên tàu hoặc bám vào các thuyền nhỏ để vượt biên. Họ có thể trèo qua hàng rào ở Morocco để tới lãnh thổ Tây Ban Nha hay chen chân trong xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lên tàu di chuyển khắp châu Âu.
Trong hai ngày đầu tháng 9, lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp giải cứu 1.000 người tị nạn, gồm cả trẻ em và người già, trên biển Aegean. Những người trung tuổi cõng tư trang và con trên lưng. Họ từ bỏ công việc và rời quê hương khi mọi thứ đều đổ sụp vì chiến tranh và các tổ chức khủng bố hay thánh chiến.
Liên Hợp Quốc cho biết, 15 cuộc xung đột mới nổ ra trong 5 năm qua và phần lớn diễn ra ở Syria. Hơn 11 triệu người dân nước này chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát năm 2011. Sự bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục buộc 3 triệu người phải rời quê hương từ tháng 1/2014.
Chiến tranh hoặc quân nổi dậy cũng đang tàn phá Somalia, Sudan, Nam Sudan, Libya, Nigeria và một số nước khác. Nhiều người cũng đang chạy trốn khỏi Eritrea - một quốc gia không có xung đột nhưng tồn tại dưới một chế độ hà khắc.
Một số người định cư tại quốc gia khác hoặc chuyển tới nơi ở mới ngay trên chính đất nước họ. Nhưng nhiều người không thể chọn một trong hai cách đó. Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon tiếp đón khoảng 3 triệu người tị nạn Syria ở khu vực biên giới chung. Tuy nhiên, cả hai nước đều ban hành bộ luật khắc nghiệt nhằm hạn chế lượng người di cư tới nước họ kiếm sống. Do đó, những người tị nạn buộc rời đến nơi khác.
Hành trình vượt biên đầy rủi ro
Hàng nghìn dân nhập cư ngồi trước nhà ga quốc tế Keleti ở thủ đô Budapest, Hungary hôm 2/9. Ảnh: AFP |
Theo tờ NPR, châu Âu là khu vực giàu có, an toàn và dễ tiếp cận nhất đối với cư dân tới từ Trung Đông và châu Phi. Một số hòn đảo Hy Lạp chỉ cách bở biển Thổ Nhĩ Kỳ vài km. Chúng trở thành đích đến của những con thuyền chở người di cư. Từ đầu năm tới nay, hơn 230.000 người đã tới Hy Lạp và khoảng 100.000 dân tị nạn đã tới Italy.
Trong khi đó, một số nước châu Âu được biết đến với chính sách chào đón người tị nạn. Thậm chí họ còn đưa ra nhiều lợi ích để giúp đỡ dân di cư ổn định cuộc sống tại vùng đất mới. Đó chủ yếu là các quốc gia ở phía Bắc và Tây Âu.
Dân nhập cư có thể đặt chân tới Hy Lạp đầu tiên. Nhưng sau một thời gian, họ di tản tới các quốc gia thịnh vượng hơn, đặc biệt là Đức.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, từ đầu năm tới nay, 2.500 người tị nạn đã thiệt mạng. Họ phải di chuyển qua nhiều tuyến đường nguy hiểm như sa mạc trước khi vượt biển. Thậm chí, những người này chết dưới tay những kẻ bất lương trên trong hành trình tới "miền đất hứa".
Các tuyến đường tới châu Âu chủ yếu do những kẻ buôn người vẽ ra. Chúng chỉ biết thu tiền và không quan tâm tới những chuyện xảy ra sau đó. Những kẻ lái tàu chở hàng trăm người nhập cư rồi thậm chí nhốt họ vào vỏ của các tàu chìm. Gần đây, 70 người nhập cư chết ngạt trong xe tải trên hành trình tới Áo.
Chính phủ các nước châu Âu đổ lỗi cho những kẻ buôn lậu về mối nguy hiểm rình rập người di cư trên hành trình trốn chạy. Tuy nhiên, những người ủng hộ việc nhập cư cho rằng, ngay cả khi nhiều tuyến đường hợp pháp hình thành, dân tị nạn sẽ vẫn chọn cách di chuyển qua những con đường trái pháp luật vốn ẩn chứa nhiều nguy hiểm.
Ngoài ra, sự không thống nhất về luật quản lý tình trạng nhập cư và tiến trình cứu hộ khiến tình hình trở nên rắc rối hơn.
Những người tị nạn cho rằng họ sẽ có cơ hội tốt hơn nếu được giải cứu ở biển. Do đó, họ đánh cược với mạng sống bằng cách cố đánh chìm tàu để lực lượng bảo vệ bờ biển phát hiện và giải cứu.
Hàng trăm người chen chúc trên một con tàu vượt biển Địa Trung Hải để tới châu Âu. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn bất đồng về cách xử lý cuộc khủng hoảng dân nhập cư. Nhiều nước ở phía Nam châu Âu như Hy Lạp và Italy muốn các nước khác làm mẫu để họ thực hiện theo.
Theo quy định của Liên minh châu Âu, chính quyền tại quốc gia đầu tiên mà người di cư đặt chân tới phải giải quyết vấn đề pháp lý cho họ. Nhưng trên thực tế, các quy tắc đang dần trở nên "bất lực".
Một số quốc gia EU mở cửa chào đón dân nhập cư, ví dụ như Thụy Điển. Trong khi đó, chính quyền Đức nói rằng, họ sẽ tiếp nhận 800.000 người hoặc hơn thế trong năm nay. Đây là con số lớn hơn mọi quốc gia châu Âu khác.
Mỹ đã đón 1.500 người Syria kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra. Washington hứa sẽ nâng con số này lên 8.000 người trong năm tới.
Cách duy nhất để ngăn tình trạng di cư là các cuộc xung đột tại tại Syria, Iraq và nhiều quốc gia khác chấm dứt. Hầu hết người tị nạn đều khẳng định họ sẽ trở về nhà nếu có thể.