Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tỷ lệ giải ngân nhiều dự án ở TP.HCM bằng 0

Nguyên nhân khiến nhiều dự án tại TP.HCM có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí chưa giải ngân được xác định là thẩm định giá và chính sách bồi thường, tái định cư.

Tính đến hết tháng 7, TP.HCM vẫn còn nhiều dự án chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân bằng 0). Trong đó, dự án xây mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (bố trí vốn 1.000 tỷ đồng), Bệnh viện Đa khoa Phạm Ngọc Thạch, dự án Cụm y tế Tân Kiên (bố trí vốn 277 tỷ đồng),Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM (bố trí vốn 350 tỷ đồng)...

Nội dung do ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc nhà nước TP.HCM báo cáo tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội và đưa ra giải pháp phát triển những tháng cuối năm, ngày 4/8.

Ngoài ra, một số công trình cũng có tỷ lệ giải ngân dưới 10% như Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ được bố trí vốn 200 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân 9 tỷ đồng; dự án nút giao An Phú được bố trí 375 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân 15 tỷ đồng; dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2 bố trí 1.990 tỷ đồng, chỉ giải ngân 3 tỷ đồng (đạt 4%); dự án Kênh Tham lương - Bến Cát bố trí 1.039 tỷ đồng, chỉ giải ngân được 237 triệu đồng…

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM, cho biết có nhiều dự án trên địa bàn đáp ứng đủ các tiêu chí bố trí vốn lại không đủ điều kiện triển khai thực hiện.

Phân tích vấn đề, ông Hiếu cho hay qua giám sát, các dự án được HĐND 16 quận thông qua trước tháng 6/2021 đến nay đều trong tình trạng ách tắc.

"Trong khi những dự án này đều là dự án quy mô không lớn nhưng sát với thực tiễn và nhu cầu người dân. Phải chăng nên rà soát lại”, ông Hiếu nói về đề nghị các quận rà soát lại, báo cáo TP.HCM để ưu tiên bố trí vốn từ nguồn kết dư.

Ty le giai ngan nhieu du an xay benh vien o TP.HCM bang 0 anh 1

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM. Ảnh: HCMC.

Ông Lê Trương Hải Hiếu cho biết TP.HCM mong muốn thực hiện nhiều công trình, tuy nhiên kết quả giải ngân lại quá chậm. "Hôm qua chúng tôi đi giám sát có 100 dự án tỷ lệ giải ngân bằng 0”, ông Hiếu nói

Ông cũng cho biết tỷ lệ giải ngân của các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp gần như thất bại, với 12 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.

Ông đề nghị các sở ngành và UBND TP phải làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng, thủ tục, tài chính, quyết toán…

Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, nhìn nhận trong lĩnh vực của ngành TN&MT, có hai nguyên nhân ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công. Một là công tác thẩm định giá và hai là chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Theo ông Bảy, trong báo cáo đầu tư công trước đây, nguyên nhân chậm trễ giải ngân thường được đề cập là do sự chậm trễ trong công tác thẩm định giá bồi thường.

Ty le giai ngan nhieu du an xay benh vien o TP.HCM bang 0 anh 2

Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Sở TN&MT đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết thẩm định giá. “Đến nay Sở TN&MT đã giải quyết dứt điểm tất cả các hồ sơ thẩm định giá của quận, huyện. 7 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã thông qua 52 dự án về giá bồi thường, không còn hồ sơ tồn đọng”, ông Bảy khẳng định và cho biết khâu bị tắc, chậm trễ là nằm ở quận, huyện; thẩm định giá phía TP.HCM không ách tắc.

Ông Bảy nhận định pháp lý dự án hoàn thiện rất chậm, chưa kể khâu quận, huyện thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá có nhiều vướng mắc. Ông cho biết các đơn vị tư vấn trên địa bàn nhiều nhưng chất lượng không đồng đều và họ ngại tham gia thẩm định các dự án bồi thường bởi thù lao không nhiều nhưng chất lượng rất lớn.

Trong khi đó TP.HCM không có chế tài ép buộc các công ty này phải thực hiện. Do đó, quận, huyện loay hoay tìm đơn vị tư vấn.

Phó giám đốc Sở TN&MT TP cũng nhìn nhận sau khi TP.HCM có quyết định phê duyệt dự án thì quận, huyện phải chuẩn bị các khâu cần thiết để đưa vào phương án bồi thường, tái định cư và tiến hành.

"Nhiều trường hợp quận huyện chậm trễ đến nửa năm, một năm khiến người dân phản ứng với giá bồi thường", ông Bảy nói.

Bên cạnh đó, ông Bảy cho biết một số địa phương còn nhầm giữa giá bồi thường và chính sách bồi thường. Có những khu đất nông nghiệp ở ngoại thành xác minh nguồn gốc gặp khó khăn, gây kéo dài thời gian thực hiện.

Bệnh viện trăm tỷ ở Huế bị bỏ hoang

Bệnh viện đa khoa Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) có trị giá đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng sau khi "hạ cấp” sáp nhập vào trung tâm y tế huyện, nơi đây trở nên hoang tàn.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm