Tới Bệnh viện đa khoa Chân Mây (nay thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ít ai nghĩ rằng nơi đây từng một thời là bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh.
Ông N.C., một nông dân đi bơm nước tưới cho ruộng lúa cạnh bệnh viện, ngán ngẩm: “Cách đây hơn 15 năm, nhiều nông dân trong vùng phải giao lại đất đai sản xuất để giải phóng mặt bằng xây dựng bệnh viện tuyến tỉnh này. Nay thì trên đất ruộng ngày xưa là một bệnh viện hoang phế, đầy cây dại cỏ tranh thay cho cây khoai, cây lúa”.
Hiện tại, dãy nhà chức năng, khắp nơi đều phủ đầy cây dại, cỏ tranh. Cỏ dại len vào tận các lối đi và khu phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh của cơ sở y tế này. Các dãy nhà đại thể, truyền nhiễm, xử lý rác thải… dường như bỏ hoang đã lâu, cửa kính bị phá hỏng, rác rưởi chất đống, cây dại mọc cao lút đầu người.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cách đây hơn 15 năm, thông qua kết nối tài trợ gói trang thiết bị y tế hiện đại từ nước ngoài, tỉnh Thừa Thiên - Huế gấp rút triển khai tại xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) một dự án bệnh viện tuyến tỉnh, tiền thân là Bệnh viện đa khoa Chân Mây sau này.
Đến năm 2011, nơi đây mới hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tổ chức đội ngũ chuyên môn để hình thành nên Bệnh viện đa khoa Chân Mây. Tuy nhiên, do hoạt động kém hiệu quả và thực hiện chủ trương chính sách về tinh giản đội ngũ, kể từ tháng 4/2021, Bệnh viện đa khoa Chân Mây bị “hạ cấp” thành cơ sở 2 trực thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc (bệnh viện hạng 3).
Sau khi sáp nhập, tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc (cơ sở Chân Mây) lộ ra việc nhiều trang thiết bị hiện đại đắt tiền từng được Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư gần 10 năm trước cho Bệnh viện đa khoa Chân Mây, nhưng không được đưa vào vận hành, khai thác. Trong đó, đáng chú ý có 2 máy chạy thận nhân tạo do Đức sản xuất, trị giá mỗi máy hơn 1,2 tỷ đồng.
Từ khi trang bị, 2 máy chạy thận này luôn trong tình trạng “đắp chiếu”, chưa một ngày được đưa vào vận hành phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Theo ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, liên quan máy móc thiết bị y tế tại cơ sở Chân Mây, lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo tổ quản lý tiến hành kiểm tra hiện trạng.
Về tình trạng bệnh viện hoang phế, ông Hảo cho biết Sở đã về làm việc, khảo sát nhiều lần để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở Chân Mây. Ngân sách tỉnh đã có dự chi khoảng hơn 8 tỷ đồng để phục vụ các hoạt động sửa chữa, chỉnh trang tại đây. Các kế hoạch sửa chữa nâng cấp hệ thống cung cấp điện, nước, quét vôi bệnh viện, chỉnh trang cảnh quan… đã được xây dựng.
Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc sẽ chuyển dần các hoạt động chuyên môn của cơ sở 1 về cơ sở Chân Mây, điều động ban giám đốc và bác sĩ điều trị đến cơ sở này.
“Việc chỉnh trang lại bệnh viện cần có thời gian, do phải trình các cơ quan chức năng xem xét phê duyệt kinh phí để thực hiện”, ông Hảo cho hay.