"Doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào vị trí nào đó nhưng giao thông không có. Chúng ta không thể xây nhà cao tầng trên một tuyến đường nhỏ", ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT), nói về các bất cập trong quy hoạch ở TP.HCM tại hội nghị ngày 4/8, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và đưa ra giải pháp phát triển những tháng cuối năm.
Theo Giám đốc Sở QHKT TP.HCM, trên thực tế, người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thường yêu cầu xem xét lại chức năng các khu đất, mong muốn nâng chỉ tiêu quy hoạch cao hơn quy định. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư tương xứng.
Ông Nhã đề nghị các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, để tăng thêm đường sá, công viên, không gian công cộng. Chỉ khi được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật liên quan, thành phố mới có thể nâng chỉ tiêu quy hoạch và tăng phát triển đô thị.
Bất cập tiếp theo được ông Nhã nhắc đến là quan điểm phát triển đô thị lúc hình thành quy hoạch chung so với hiện nay.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM. Ảnh: HCMC. |
Phân tích vấn đề, theo ông Nguyễn Thanh Nhã, quy hoạch của thành phố được phủ kín từ những năm 2012-2013, dựa trên quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt năm 2010. Việc quy hoạch 1/2.000 được phủ kín là cơ sở pháp lý để thành phố thực hiện công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, thu hồi đất; tuy nhiên, quy hoạch này bắt đầu cho thấy sự khác biệt về hoàn cảnh, nhận thức, trình độ phát triển ở hiện tại khi đã xây dựng cách đây 10 năm.
"Dựa trên quy hoạch, chúng ta vẫn vận hành thành phố, triển khai đầu tư, quản lý. Tuy nhiên, những bất cập đã được chỉ rõ qua phản ánh của người dân, giới chuyên gia, các doanh nghiệp thời gian qua", lãnh đạo Sở QHKT TP.HCM nói.
Lãnh đạo ngành quy hoạch thành phố cũng cho biết trong số đó, bất cập về chức năng sử dụng đất là điều người dân than phiền nhiều nhất.
Ông Nhã cho biết ở thời điểm đó, TP.HCM phát triển đô thị theo hướng thận trọng, chưa dám bung tỏa, đầu tư mạnh hay có dự án đột phá ra khu vực ven thành phố. Việc lập quy hoạch vẫn dựa vào ranh từng quận, huyện, mang tính co cụm từng địa phương, cục bộ, phân bố hạ tầng kỹ thuật theo chỉ tiêu.
"Do đó, các quận nội thành tập trung phát triển đô thị, các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ vẫn là mảng xanh, chưa có sự đầu tư phát triển dựa vào thế mạnh", ông Nguyễn Thanh Nhã phân tích.
Nguyên nhân là đất công không thể đủ cho tất cả chức năng đô thị như công viên, trường học, không gian công cộng, một số công trình buộc phải quy hoạch vào phần đất của người dân.