Hiện tượng nhồi nhét chung cư cao tầng vào những khu đất "vàng" tại đường Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã kéo dài suốt nhiều năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Xuất phát từ mong muốn "an cư, lạc nghiệp", nhiều cư dân chung cư tại đây đã than thở về không gian sống ngột ngạt, thường xuyên ùn tắc vì đường sá quá nhỏ hẹp.
Khi hệ lụy của việc "băm nát" quy hoạch đô thị được phơi bày, các chuyên gia đánh giá trách nhiệm đầu tiên không phải của cư dân hay nhà đầu tư cao ốc mà của chính các cơ quan quản lý quy hoạch của thủ đô.
Nguy cơ nhiều người đã biết, nhưng chấp nhận
Người dân sống tại các tòa chung cư trên đường Nguyễn Tuân, Lê Văn Thiêm nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với tình trạng chung cư dày đặc gây ùn tắc giao thông, thiếu thốn không gian công cộng... Nhưng rất ít người tỏ ra hối tiếc.
"Thời điểm ấy, mức giá ấy và điều kiện tài chính lúc ấy thì không có lựa chọn. Các dự án chung cư có không gian công cộng rộng rãi thì hoặc là giá cao hơn, hoặc là không ở vị trí đắc địa như phường Thanh Xuân Trung", anh Nguyễn Huy Hiếu, cư dân tại chung cư 90 Nguyễn Tuân, chia sẻ.
Mật độ chung cư cao tầng dày đặc tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tân. |
Theo đánh giá của kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, quần thể chung cư tại phường Thanh Xuân Trung mọc lên nhanh chóng vì 2 yếu tố. Thứ nhất là vị trí đắc địa, nằm ở trung tâm của đô thị mới Hà Nội, tiếp giáp các trục giao thông lớn như đường Nguyễn Trãi, Vành đai 3. Thứ 2 là các nhà đầu tư đã lợi dụng quá trình di dời các nhà máy, xí nghiệp cũ ra khỏi phường Thanh Xuân Trung để làm nhà ở thương mại và bán.
"TP Hà Nội có 2 sở quan trọng nhất là Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Xây dựng để quản lý xây dựng và quản lý mật độ dân cư. Đúng ra trong một khu vực ấy phải tính được mật độ 1 ha là bao nhiêu dân, mật độ xây dựng như thế nào... nhưng chúng ta đã buông lỏng quản lý", ông Chính nhận định.
Theo vị KTS, việc không quan tâm đến mật độ xây dựng và quản lý xây dựng đã gây ra tình trạng "chất tải" dân số lên một khu vực. Chủ đầu tư thì chỉ tính toán lợi ích của họ. Nhưng chính quyền phải đồng ý thì họ mới có thể làm.
Đồng quan điểm với KTS Trần Ngọc Chính, thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn nhận định trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý. Đó là những cơ quan cố tình cấp phép xây dựng với mật độ dày đặc khi đã biết rõ hậu quả về mật độ dân số và ùn tắc giao thông. Còn về phía chủ đầu tư, chẳng có ai không mong muốn tối ưu hóa diện tích để bán được nhiều căn hộ.
Ở đây, đối tượng bị ảnh hưởng không chỉ là cư dân ở các chung cư mà cả những người ở nơi khác đi lại qua khu vực phường Thanh Xuân Trung mỗi ngày. Họ cũng phải chịu cảnh ùn tắc, ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn do một khu vực tập trung quá đông dân cư gây ra.
"Có lẽ ví dụ dễ hiểu nhất cho tình trạng giao thông ùn tắc ở Hà Nội là coi các điểm dân cư đông đúc như các mạch máu bị tắc. Một điểm bị tắc mạch, máu không lưu thông thì hậu quả không chỉ là tắc mạch cục bộ mà còn lan rộng ra các nơi khác, ảnh hưởng toàn cơ thể", ông Tuấn nhận định.
Cách làm của TP.HCM, Bình Dương
Là một chuyên gia sinh sống tại Hà Nội, thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn đánh giá việc góp ý cho thành phố có những khó khăn do cơ chế. Nhưng vừa qua, 2 địa phương TP.HCM và Bình Dương đã tiếp thu những góp ý của ông Tuấn để xây dựng "quy trình đánh giá tác động giao thông" - công cụ được kỳ vọng sẽ giúp chặn đứng tình trạng nhồi nhét chung cư mà không quan tâm đến hạ tầng giao thông.
Xưa nay, các công trình hạ tầng lớn phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước khi được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, yêu cầu đánh giá tác động giao thông lại ít được quan tâm. Điều này đã dẫn đến hậu quả chung cư cao tầng mọc lên dày đặc, tạo ra mật độ dân số và nhu cầu đi lại lớn, trong khi đường sá nhỏ hẹp không thể đáp ứng.
"Nhìn rộng cả Hà Nội, thật khó tìm được một khi đô thị kiểu mẫu nơi nhà cửa không tác động xấu đến giao thông. Ngay cả khu Ecopark được coi là kiểu mẫu vì có diện tích giao thông nội khu tương đối rộng rãi, nhưng đấy chỉ là nội khu. Thực tế trên các nút giao thông kết nối khu đô thị với bên ngoài chắc chắn sẽ ùn tắc khi dân số tăng lên", ông Tuấn phân tích.
Tại TP.HCM và Bình Dương, chính quyền địa phương đang có những bước đi chủ động trong việc ngăn ngừa chung cư phát triển ồ ạt làm tắc nghẽn đường sá. Trong đó, Sở GTVT Bình Dương đã trình đề tài đánh giá tác động giao thông của công trình hạ tầng lên UBND tỉnh và được phê duyệt. Sở GTVT TP.HCM cũng đã trình dự thảo và chờ phê duyệt.
"Họ yêu cầu tất cả công trình xây dựng mới trong đô thị mà làm phát sinh nhu cầu đi lại đủ lớn thì buộc phải làm đánh giá tác động giao thông", ông Tuấn chia sẻ.
Theo chuyên gia, đánh giá tác động giao thông là quy trình cần áp dụng ngay cho Hà Nội để tránh tái diễn cảnh băm nát quy hoạch như tại phường Thanh Xuân Trung.
"Ở đây có trách nhiệm quản lý của 3 sở. Thứ nhất, sở GTVT phải chủ trì, phê duyệt đánh giá tác động giao thông. Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải phê duyệt công trình chung cư đó trên cơ sở tiếp thu ý kiến của sở GTVT. Sở thứ 3 là sở xây dựng, có trách nhiệm cấp phép xây dựng và giám sát chủ đầu tư xây đúng theo thiết kế được cấp phép".