Ngày 4/1 là ngày đầu tiên tỷ giá tại Việt Nam được điều chỉnh thông qua tỷ giá trung tâm, thay vì áp mức cố định từng giai đoạn như trước kia. Theo đó, tỷ giá trung tâm sẽ được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày.
Bên cạnh việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng công bố tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với đồng tiền khác, để xác định giá tính thuế.
Việc áp dụng cơ chế tỷ giá mới thay cho cách điều hành cũ dựa trên cơ sở đánh giá sự biến động thực tế của thị trường từ cuối năm 2015. Cụ thể, việc biến động của thị trường quốc tế ngày càng tác động hơn tới thị trường trong nước.
Dự kiến năm 2016, thị trường thế giới tiếp tục có biến động lớn ảnh hưởng tới trong nước, như Fed có khả năng tăng lãi suất 4 lần, đồng nhân dân tệ được đưa vào rổ dự trữ quốc tế và có thể biến động khó lường, trong khi đó Việt Nam sẽ ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới, kỳ vọng TPP, gia nhập AEC… Do đó tỷ giá cần điều hành linh hoạt hơn nhằm thích ứng với những diễn biến trên thị trường.
Diễn biến quốc tế năm 2015 tác động tới 93% biến động trên thị trường ngoại tệ Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, cho biết, tỷ giá trung tâm có thể biến động theo hai chiều lên xuống, được xác định trên cơ sở tỷ giá bình quân gia quyền (lấy giá và khối lượng để tính trọng số) trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay trả nợ, đầu tư với Việt Nam; các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Tỷ giá của Việt Nam có phương thức tính đối với từng yếu tố có công thức đã được Thống đốc ký duyệt. Với tỷ giá bình quân có trọng số trên thị trường liên ngân hàng sẽ là tỷ giá đóng cửa ngày hôm trước. Việc lấy theo bình quân gia quyền sẽ hạn chế làm giá ngoại tệ. Tỷ giá trên thị trường quốc tế sẽ theo giá giao dịch gần nhất lúc 7h sáng của ngày công bố.
Khi tính toán trọng số giữa yếu tố trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng mô hình phân rã để phân tích tỷ giá năm 2015. Theo quan sát định tính, tỷ giá năm 2015 chịu ảnh hưởng rất nhiều vì yếu tố tâm lý, và đặc biệt là yếu tố tâm lý thị trường quốc tế. Nhóm phân tích dự đoán yếu tố tâm lý này sẽ tác động khoảng 50%.
Tuy nhiên, khi thực hiện khảo sát, diễn biến quốc tế lại tác động tới 93%. Vì vậy, phần trọng số cho diễn biến quốc tế được ưu tiên đáng kể trong tính toán tỷ giá trung tâm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cách tính tỷ giá trung tâm sẽ thể hiện được cả biến động trong nước lẫn quốc tế. Do vậy sẽ có trường hợp tỷ giá trong nước tăng cao, nhưng giá quốc tế lại theo xu hướng giảm, khiến tỷ giá trung tâm giảm.
Cách tính tỷ giá tăng giảm trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng, và chia thành 2 trường phái. Trung Quốc điều hành bằng cách dựa vào tỷ giá đóng cửa phiên hôm trước để làm tỷ giá tham chiếu cho phiên hôm sau. Tuy nhiên, cách tính này khiến tỷ giá tham chiếu có thể tăng giảm quá lớn nếu có lực cung cầu mạnh từ các tổ chức tín dụng lớn, gây ra biến động quá mạnh trên thị trường.
Các nước khác, trong đó có Singapore, Kuwait... lại tính tỷ giá tham chiếu dựa vào tỷ giá của một nhóm các đồng tiền trên thị trường tài chính thế giới. Phương pháp này có ưu điểm là phản ứng rất nhanh với thị trường tài chính quốc tế, nhưng lại quá phụ thuộc vào nước ngoài, thay vì phản ánh một phần thị trường trong nước.