Theo Ngân hàng Nhà nước, việc công bố tỷ giá trung tâm sẽ là cơ sở để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định giá mua, bán giữa đồng Việt Nam với đôla Mỹ.
Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam. Cụ thể là 8 đồng tiền: đôla Mỹ, bath Thái Lan, eur, nhân dân tệ, đôla Singapore, đồng yen Nhật, đồng won Hàn Quốc, đồng tiền của Đài Loan. Ngoài ra còn dựa trên các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đôla Mỹ do Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày; tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác để xác định trị giá tính thuế được công bố vào các ngày thứ năm hàng tuần hoặc ngày làm việc liền trước ngày thứ năm, trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ.
Cách thức điều hành mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới.
Tại buổi thông báo biện pháp điều hành tỷ giá mới chiều 4/1, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và chính sách tiền tệ. Cơ quan này sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết, để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Việc công bố tỷ giá trung tâm là bước đi tiếp theo trong các biện pháp đồng bộ được Ngân hàng Nhà nước thực hiện, nhằm mục tiêu xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài tỷ giá trung tâm, các tổ chức tín dụng vẫn được áp dụng biên độ cộng trừ 3% cho khách hàng.