TV màn hình lớn, độ phân giải 4K là tiêu chuẩn khi chọn TV của người Việt. Ảnh: Xuân Sang. |
Năm 2022 là giai đoạn tăng trưởng tích cực của thị trường TV tại Việt Nam. Ngành hàng này có động lực phát triển sau giai đoạn đóng băng bởi dịch bệnh. Đồng thời, trong năm diễn ra nhiều giải đấu thể thao lớn như World Cup, SEA Games, AFF Cup… giúp kích cầu mua sắm TV.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo năm nay sẽ khó khăn với ngành hàng này, khi không có giải đấu thể thao lớn. Đồng thời, người dùng cũng cẩn trọng hơn trong quyết định chi tiêu. MWG cho biết doanh thu mảng TV và ICT trong 2 tháng đầu năm của chuỗi Điện Máy Xanh đã giảm khoảng 42% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, được nhãn hàng Samsung chia sẻ, người dùng tại Việt Nam hiện ưa chuộng các mẫu TV có kích thước màn hình lớn. Trong đó, kích cỡ 55 inch được lựa chọn nhiều nhất, với khoảng 32% thị phần. Đồng thời, khoảng kích thước trên 65 inch có mức tăng hơn 24% so với cùng kỳ, đạt 30% thị phần.
TV 8K vẫn là thiết bị mang tính tương lai, có giá bán cao và ít nội dung hỗ trợ. Ảnh: Xuân Sang. |
Như vậy, hơn 60% TV bán ra trong nước vào năm 2022 là sản phẩm có kích thước trên 55 inch. Điều này cho thấy thị hiếu khách hàng có sự thay đổi, người dùng sẵn sàng nâng cấp lên sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Hiện tại, các TV từ mức 55 inch có giá bán dễ tiếp cận. Bỏ ra 7-9 triệu đồng, người dùng đã có các lựa chọn từ Cooca, TCL, Casper với tấm nền LCD. Những sản phẩm của Samsung, Sony hay LG cũng có giá khởi điểm 10-12 triệu đồng cho mức kích thước này.
Ngoài ra, sự phổ biến của TV trên 55 inch cũng kéo theo độ phân giải cao. Mức Full HD không phù hợp với kích thước màn hình quá lớn, để lộ điểm ảnh. Hiện tại, độ phân giải 4K (Ultra HD) trở thành tiêu chuẩn của các mẫu TV mới. Khoảng 66% trên tổng số thiết bị được bán ra tại Việt Nam trong năm 2022 có độ phân giải này. Phần còn lại thuộc về HD, Full HD và 8K.
“Sự tăng trưởng của phân khúc TV 4K cho thấy bước chuyển dịch của thị trường, khi người dùng có nhu cầu xem cao hơn. Từ mức dưới 5% của vài năm trước, hiện 4K đã trở nên phổ biến”, đại diện Samsung Việt Nam cho biết.
Một thay đổi quan trọng khiến TV 4K trở nên phổ cập là giá bán. Từ phân khúc high-end (rất cao cấp), giá trung bình trên 3.000 USD, người dùng hiện có thể tiếp cận TV 4K ở giá 7-10 triệu đồng.
So với giai đoạn phát triển của UHD, các mẫu TV 8K chưa trở nên phổ biến. Ngoài Samsung, các thương hiệu khác đang không mặn mà với giải pháp này. Vấn đề của công nghệ nói trên là giá thành còn cao, nguồn cấp nội dung thiếu đa dạng.
Để giải quyết vấn đề này trên mẫu TV 8K vừa ra mắt tại Việt Nam, Samsung dùng bộ xử lý AI, up-scale (nâng cấp) chất lượng hình ảnh từ Full HD, 4K lên mức 8K. Hãng cũng làm việc với đối tác trong, ngoài nước để sản xuất phim, chương trình truyền hình ở độ phân giải này.
OLED cũng là phân khúc cạnh tranh mới của các hãng TV trong nước. Samsung gia nhập đường đua với mẫu 3 mẫu S95 B, S95 C và S90 C. Sony, LG và Casper cũng phân phối dòng TV dùng công nghệ này tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, Samsung là công ty dẫn đầu ở mảng TV với gần 40% thị phần. Sony và LG ở hai vị trí tiếp theo với lần lượt 20,3% và 16,6%. Hai vị trí còn lại trong nhóm 5 thương hiệu có doanh số lớn nhất thuộc về TCL và Casper.
Samsung là thương hiệu có có nhiều model nhất, trải dài từ QLED, Neo QLED đến OLED. Những dòng TV Life Style như The Frame, The Sero… cũng được nhiều người dùng ưa chuộng. Sony và LG tập trung nhiều hơn vào công nghệ OLED. Hai thương hiệu này có các model như X80J, A80K, A2, C2 giúp dạng màn hình nói trên tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, ở phân khúc giá dưới 30 triệu đồng. Ngoài ra, thương hiệu Casper cũng gia nhập cuộc đua OLED với các mẫu 55 inch, 65 inch giá từ 29 triệu đồng.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.