Tai nghe có dây từng là giải pháp duy nhất để nghe nhạc trên điện thoại. Tuy nhiên, công nghệ Bluetooth dần phát triển với tốc độ cao và hoạt động ổn định. Kể từ đó, tai nghe Bluetooth dần phổ biến trên thị trường thiết bị nghe nhạc.
Hiện nay, tai nghe Bluetooth trang bị nhiều bộ giải mã (codec) để tăng chất lượng âm thanh. Sub-Band Codec (SBC) là tiêu chuẩn cơ bản nhất trên mỗi tai nghe Bluetooth. Tiếp theo là một số codec độc quyền như Qualcomm aptX, hay Ultra-Resolution Lossless Codec (URLC) của Oppo để phát nhạc lossless.
Nhìn chung, tai nghe Bluetooth hiện nay có thể phát nhạc với chất lượng tương đương đĩa CD (bitrate 1,41 Mbps). Với chất lượng phát nhạc ngày càng cao của tai nghe Bluetooth, nhiều người đặt câu hỏi liệu smartphone với cổng tai nghe 3,5 mm còn hữu ích tại thời điểm này hay không.
Lý do chọn tai nghe có dây
Theo Android Authority, vẫn có một số lợi ích khi chọn cổng tai nghe 3,5 mm, quan trọng là chất lượng và độ ổn định. Tuy Bluetooth hỗ trợ một số codec phát nhạc chất lượng cao như aptX Lossless, LDHC hay URLC, việc tìm kiếm sản phẩm tương thích (cả thiết bị phát và nghe) không hề đơn giản.
Những codec phát nhạc lossless trên Bluetooth thường tự động thay đổi bitrate để đảm bảo tín hiệu kết nối ổn định. Trong một số trường hợp, phát nhạc với bitrate cao sẽ khiến điện thoại mất kết nối với tai nghe Bluetooth, do sóng vô tuyến bị nhiễu nếu đặt gần router Wi-Fi hay lò vi sóng.
Một mẫu tai nghe có dây thương hiệu AKG. Ảnh: Soundguys. |
Ngoài ra, người dùng tai nghe dây không cần lo việc phụ kiện hết pin. Hầu hết tai nghe có dây sử dụng năng lượng thụ động từ điện thoại. Ngược lại, tai nghe không dây cần pin để cấp nguồn cho driver, bộ phát Bluetooth và chip xử lý dữ liệu.
Điều đó khiến tai nghe không dây dạng nhét tai (in-ear) chỉ có thể hoạt động trong 5-6 giờ trước khi phải sạc. Nếu dùng loại trùm đầu (headphone), thời lượng pin có thể lâu hơn (15-20 giờ). Sau nhiều năm sử dụng, pin trên tai nghe sẽ xuống cấp, khiến thời lượng sử dụng bị rút ngắn rất nhiều.
Độ trễ cũng là yếu tố quan trọng. Trên tai nghe Bluetooth, độ trễ thường rơi vào 34-200 ms, có thể ảnh hưởng đến việc gọi điện hay trò chuyện với đồng đội khi chơi game.
Nếu muốn độ trễ thấp nhất có thể, chọn smartphone trang bị cổng 3,5 mm và tai nghe có dây là giải pháp tốt nhất.
Cuối cùng, tai nghe không dây có thể rơi khỏi tai trong trường hợp người dùng vận động mạnh hoặc di chuyển nhanh. Khi bỏ vào balo hoặc giỏ xách, việc tìm kiếm tai nghe cũng khó khăn. Nếu chọn tai nghe có dây, khả năng thất lạc sẽ khó xảy ra hơn.
Lợi ích của tai nghe Bluetooth
Ưu điểm đầu tiên của tai nghe không dây là sự thuận tiện. Với tai nghe có dây, nhiều người phải giấu dây dưới áo, hoặc gỡ rối dây sau khi cất giữ. Những lo lắng trên sẽ bị xóa bỏ nếu sử dụng tai nghe không dây.
Các thế hệ Bluetooth gần đây có phạm vi kết nối xa hơn đáng kể, do đó người dùng có thể đi vệ sinh hoặc lấy hàng từ shipper trong khi vẫn nghe nhạc mà không cần cầm điện thoại theo.
Tai nghe không dây của Sony. Ảnh: GSMArena. |
Hiện tại, không còn nhiều smartphone trang bị cổng 3,5 mm. Ngay cả những model tầm trung giá rẻ cũng dần loại bỏ cổng kết nối này. Nếu chọn tai nghe có dây, người dùng chỉ có thể cân nhắc một số model như Sony Xperia 5 Mark IV, Asus ZenFone 9 hoặc các mẫu ROG Phone.
Tiếp theo, nhiều công nghệ âm thanh hiện đại trên Bluetooth như chống ồn chủ động, kết nối nhiều thiết bị cùng lúc (Bluetooth Multipoint), giả lập âm thanh 360 độ (Spatial Audio)... Ngoài ra, codec LC3/LE thay thế SBC hứa hẹn cho chất lượng âm thanh cao và tiết kiệm năng lượng hơn.
Tai nghe Bluetooth cũng đại diện kỷ nguyên tiêu thụ âm nhạc trên Internet. Các dịch vụ như Amazon Music, Spotify, Deezer, Tidal hay Qobuz đều hỗ trợ nghe nhạc lossless.
Kết hợp dịch vụ nghe nhạc với điện thoại và tai nghe trang bị codec phù hợp, vấn đề tìm kiếm file nhạc và nguồn phát không dây chất lượng cao được giải quyết.
DAC có phải lựa chọn tốt?
Giải pháp nếu muốn dùng tai nghe có dây trên smartphone bỏ cổng 3,5 mm là adapter chuyển từ kỹ thuật số sang analog (DAC).
Với thiết bị này, người dùng có thể kết nối tai nghe dây với smartphone không có cổng 3,5 mm bằng cách chuyển tín hiệu số từ cổng USB-C sang analog, sau đó qua ampli để phát qua tai nghe.
Các mẫu DAC cao cấp có thể mang đến chất lượng âm thanh vượt trội, thậm chí đủ sức "kéo" những chiếc tai nghe chuyên nghiệp. Tuy nhiên, DAC chất lượng cao thường khá đắt. Nếu chọn DAC giá rẻ hoặc kém chất lượng, âm thanh có thể bị méo và giảm trải nghiệm đáng kể.
Cổng tai nghe 3,5 mm trên Samsung Galaxy A23 5G. Ảnh: Android Authority. |
Nhược điểm khi dùng DAC là cổng USB-C trên điện thoại bị chiếm mất, người dùng không thể vừa sạc pin vừa nghe nhạc.
Tóm lại, tai nghe dây hoặc không dây có ưu và nhược điểm riêng. Tai nghe dây có thể mang đến chất lượng âm thanh cao, tuy nhiên một số tai nghe Bluetooth cũng có thể làm được điều này.
Tiếp theo, tai nghe dây thiếu nhiều công nghệ như chống ồn chủ động hay âm thanh 360 độ, tuy nhiên sự ổn định khi kết nối luôn được đánh giá cao.
Ngoài ra, lựa chọn điện thoại với cổng 3,5 mm có thể khiến người dùng đắn đo, đặc biệt khi các hãng Apple, Google và Samsung không chú trọng vào cổng tai nghe. Nếu không thể chọn model điện thoại phù hợp, người dùng chỉ có thể mua máy nghe nhạc chuyên dụng.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.