Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyệt chiêu hàng 'độc' ngày Tết

Cùng với hoa kiểng và nhiều loại đặc sản khác, mùa Tết năm nay, nông dân miền Tây cũng giới thiệu ra thị trường không ít loại trái cây được tạo hình độc đáo.

Bản đồ VN trên trái xoài do ông Huỳnh Thanh Khoa (Đồng Tháp) sản xuất.

Trong khi đó, các loại đặc sản khô miền Tây cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng.

Trà Vinh: Bưởi tạo hình

Anh Bùi Chí Linh - Chủ nhiệm CLB bưởi tạo hình xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh - cho biết năm nay 15 thành viên trong CLB chuẩn bị hơn 1.000 trái bưởi hình hồ lô có chữ “Tài”, “Lộc”, bưởi hồ lô có tạo hình thỏi vàng và đồng tiền, bưởi có chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ” để bán dịp Tết.

Theo anh Linh, do năm nay thời tiết không thuận lợi nên lượng bưởi đạt phẩm chất để bán chỉ khoảng 60%, tất cả đều được bao tiêu. “Cả CLB chuẩn bị khoảng 2.000 trái nhưng chỉ đạt trên 1.000 trái. Số còn lại bị sượng hoặc trái nhỏ không thể tạo hình được” - anh Linh nói.

Ngoài ra, anh Linh nhận làm 10 quả bưởi tạo hình bản đồ Việt Nam, nhưng chỉ đạt yêu cầu 4 trái. “Bưởi bản đồ khó nhất là làm chữ. Trái phải đạt, đầy khuôn mới ra bản đồ. Ra hình thì mới bán được, không ra thì bán giá như bưởi thường thôi” - anh Linh cho biết.

Đồng Tháp: Xoài in hình bản đồ VN

Ông Huỳnh Thanh Khoa - một nông dân trồng xoài ở xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - cho biết trái xoài chữ do ông sản xuất không sử dụng hóa chất mà tận dụng ánh sáng mặt trời để “khắc” chữ lên da xoài.

Trên túi bao trái xoài ông Khoa cắt chữ. Sau khi bao lên trái xoài phần chữ tạo thành khoảng trống để ánh sáng xuyên qua sẽ hiện lên màu xanh, còn chỗ không có chữ, bị bịt kín thì da xoài màu vàng.

“Thấy dưa hấu làm chữ được mà trái xoài không được, tui mày mò tìm cách làm ra xoài chữ để phục vụ Tết” - ông Khoa chia sẻ. Vườn xoài của ông Khoa đang sản xuất gần 800 trái xoài chữ cho một doanh nghiệp đặt hàng với giá 300.000 đồng/trái.

Bộ chữ được ông chọn là Phước Lộc Thọ, Xuân mới phát tài và Vạn sự như ý. Sản phẩm độc đáo này đang tạo sức hút khá lớn từ thị trường. Nhiều thương lái đặt hàng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, nhưng ông Khoa cho biết phải từ chối do sản lượng xoài không đủ cung ứng.

Ngoài ra, ông Khoa cũng nói đã thử nghiệm thành công khoảng 30 trái xoài có tạo hình bản đồ Việt Nam, với giá bán ước khoảng 500.000 đồng/trái. “Năm sau, chắc chắn tôi sẽ tung ra số lượng nhiều hơn vì những khuyết điểm cần rút kinh nghiệm sau lần đầu tiên thử nghiệm đã được tôi nghiên cứu kỹ” - ông Khoa khẳng định.

Bến Tre: Dừa “Bính Thân”, “Phát tài”...

Từ một trái dừa xiêm xanh bình thường có giá trung bình khoảng 5.000 đồng, nông dân Bến Tre đã “biến” loại trái cây này thành sản phẩm có giá trị cao gấp 60 lần, với giá khoảng 300.000 đồng/trái, bằng cách tạo khuôn, in các chữ như “Bính Thân”, “Lộc”, “Tài”...

Anh Huỳnh Thanh Tâm (huyện Châu Thành, Bến Tre) cho biết dự kiến sẽ cắt lô dừa “độc” đầu tiên trong số 300 trái để tung ra thị trường, trong đó chủ yếu cho những khách hàng đã đặt trước tại TP HCM và tỉnh Bến Tre để chưng Tết. Theo anh Tâm, trước đó anh đã làm khuôn, tạo hình, chữ nghệ thuật trên khoảng 1.000 trái dừa nhưng tỉ lệ thành công đạt khá thấp, chỉ được khoảng 300 trái.

Khô, mắm đặc sản hút hàng

Trong mùa Tết năm nay, nhiều loại khô, mắm đặc sản của An Giang tiếp tục hút hàng, đặc biệt là khô nhái với tên gọi khá mỹ miều là... “vũ nữ chân dài”, khô rắn...

Một số cơ sở làm khô “vũ nữ chân dài” (Vĩnh Trung, Tịnh Biên) cho biết năm qua thời tiết thay đổi, mưa ít nên lượng nhái bắt được ít đi, chưa kể nguồn nhái trong thiên nhiên giảm đáng kể do nhiều người săn lùng, nhiều đầu mối phải đặt mua nhái còn sống từ Campuchia về nhưng vẫn không đủ nguyên liệu để làm khô nhái cung cấp cho thị trường.

“Thương lái, cơ sở kinh doanh hàng đặc sản ở nhiều tỉnh, TP HCM... đặt làm khô nhái từ hai tháng trước để bán dịp Tết mà sản xuất không đủ cung ứng. Mấy ngày nay nhiều người xuống tận nơi mua số lượng lớn với giá cao hơn nhưng chúng tôi chỉ bán cho mỗi người vài ký” - bà Nguyễn Thị Hai, chuyên làm khô nhái ở đây, cho biết.

Trong khi đó, do mực nước lũ năm nay thấp nên lượng rắn và các loại cá linh, cá chèn, cá nhái nước ngọt... đánh bắt được giảm mạnh, khiến nguồn nguyên liệu làm khô, làm mắm đặc sản bị thiếu hụt. Nguồn cung thiếu hụt trong khi dịp Tết người dân mua sắm để dùng, để làm quà tặng, quà biếu tăng mạnh nên giá bán tăng lên.

Tương tự, làng khô cá sặt bổi ở xã Khánh An (huyện An Phú, An Giang), vốn nổi tiếng nhờ cách tẩm ướp gia vị và chế biến con khô rất vừa ăn, cũng nhộn nhịp hẳn lên trong những ngày giáp Tết.

Ông Nguyễn Huỳnh Long, chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết toàn xã hiện có 5 cơ sở chế biến khô quy mô lớn và 20 hộ làm nhỏ lẻ buôn bán trong dịp tết. “Nếu như bình thường họ làm 6 tấn/ngày thì vào những dịp Tết như hiện nay bà con làm khoảng 10 tấn/ngày. Nhờ làng khô này mà nhiều người có công ăn việc làm ổn định trong dịp tết này” - ông Long nói.

Theo ông Long, đa số cá nguyên liệu lấy từ các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau và Campuchia. Vào những tháng gần Tết, cơ sở phải sản xuất gấp 3 lần ngày thường mới đủ hàng giao cho khách, nhiều nhất là bán cho thị trường TP HCM, miền Đông...

Nhiều người ở làng khô Khánh An còn sản xuất thêm nhiều loại khô khác như: cá lóc, cá trê... “Bà con ở đây sống nhờ làm con khô này” - chị Nguyễn Thị Lý (xã Khánh An) nói.

                                                                                 Đ.VỊNH - BỬU ĐẤU

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160202/tuyet-chieu-hang-doc-ngay-tet/1048174.html

T.Hằng-Ng.Tài-M.Trường-V.Nghi/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm