Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đặc sản Tết Campuchia đắt hàng từ cái bánh bò tới con cá khô

Có giá cao gấp 2-3 lần sản phẩm Việt cùng loại nhưng những món ăn có xuất xứ Campuchia vẫn được nhiều người TP HCM săn đón.

Giáp Tết là thời điểm các cửa hàng bán đặc sản Campuchia ở TP HCM chạy đua nhập hàng. Các món ăn dân dã, quen thuộc và… thừa ở Việt Nam như cá khô, trứng vịt, gạo, lạp xưởng, đường thốt nốt… lại là loại được đông đảo khách đặt mua. Mức giá của hàng từ Campuchia không hề rẻ so với hàng trong nước, song hiếm khi thấy khách kỳ kèo trả giá như khi đi chợ mua hàng Việt.

Tại một cửa hàng chuyên đặc sản Campuchia ở quận 8, lạp xưởng, cá khô, bia, gạo… là những mặt hàng được khách đặt mua nhiều nhất.

Theo lời chủ hàng, lạp xưởng là sản phẩm bán rộng rãi tại các cửa hàng, shop online, khu chợ Campuchia ở TP HCM, được khá nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Loại có nguồn gốc đất nước chùa tháp gồm bò và heo, được làm thủ công thành từng viên tròn nhỏ, có vị chua đặc trưng, với giá dao động 270.000-290.000 đồng/kg.   

Các loại cá khô Campuchia là thực phẩm được nhiều người Việt tìm mua và giá loại này cũng luôn cao hơn hàng trong nước. Ảnh: Minh Thanh.

“2 năm gần đây, nhiều khách hàng chuyển sang ăn lạp xưởng Campuchia và đều yêu thích vì sản phẩm có vị lạ. Đây chính là mặt hàng tôi bán chạy nhất kể cả ngày thường lẫn dịp Tết”, chủ cửa hàng nói.

Chủ hàng này còn cho biết, một số khách chọn hầu hết thực phẩm Campuchia cho bữa cơm gia đình với gạo, cá khô, trứng vịt, các loại gia vị. Giá 1 kg cá tra khô tại đây là 290.000 đồng, lóc khô 350.000 đồng, cá kết (trèn) đến 590.000 đồng, trứng vịt muối 80.000 đồng một chục… Riêng các loại gạo Campuchia ở cửa hàng này giá thấp nhất 29.000 đồng và cao nhất đến 59.000 đồng/kg vẫn được khách chuyển tiền trước đặt mua.

Tại TP HCM, khá nhiều cửa hàng, quầy sạp ở các chợ bày bán gạo Campuchia. Đại diện một cửa hàng gạo ở chợ Bình Tây cho biết, hầu hết người mua là khách lẻ, mua về ăn hàng ngày nhưng mỗi tháng chị cũng bán ra trên dưới 1 tấn.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao TP HCM, chia sẻ, gạo Việt Nam đi trước Campuchia hàng chục năm, nhưng nhiều người dân TP HCM lại mua gạo Campuchia về nấu cơm hàng ngày. Campuchia đã thắng Việt Nam về xây dựng thương hiệu gạo.

Hiện gạo Campuchia xuất sang 53 nước, Việt Nam mới chỉ loanh quanh 10 nước. Việt Nam cũng mới chỉ xuất gạo trắng với giá trung bình 650-770 USD/tấn trong khi Campuchia đang xuất gạo thơm, với giá 890 USD/tấn. Và không chỉ thắng Việt Nam ở thị trường xuất khẩu, Campuchia còn đang tấn công vào thị trường nội địa của chính gạo Việt Nam.

Nhiều cửa hàng bán gạo Campuchia liên tục mọc lên ở TP HCM.

Ngoài thực phẩm, các loại trái cây, bánh ngọt có xuất xứ Campuchia cũng là mặt hàng được người dân TP HCM ưa chuộng. Giá 1 kg táo hồng là 110.000 đồng bán tại các cửa hàng đặc sản online được khá nhiều khách đặt hàng. Trong khi đó, loại trái cây này ở Việt Nam chỉ bán dưới 30.000 đồng/kg.

Tại hầu hết các chợ, cửa hàng, thậm chí xe hàng rong ở TP HCM, xoài keo Campuchia đều được bày bán với giá 20.000-30.000 đồng/kg. Theo các đầu mối, xoài keo Campuchia hiện có quanh năm chứ không còn tập trung vào 1 vụ tầm gần Tết như trước đây. So với xoài Việt Nam cùng loại, xoài Campuchia có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp hơn nên được lòng khách Việt.

Bánh bò đường thốt nốt cũng là món ăn luôn được các cửa hàng đặc sản báo “cháy hàng”. Giá bán món ăn này khoảng 80.000-90.000 đồng/10 cái, nhưng khách mua luôn phải đặt trước.

Chợ Lê Hồng Phong ở quận 10 vốn được mệnh danh là chợ Campuchia vì nơi đây bán đầy đủ từ thực phẩm đến các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Mỗi ngày, hàng tấn thực phẩm khô được các đầu mối ở đây nhập về để bán lẻ và phân phối cho các đại lý TP HCM.  

Không chỉ có các loại đường, gạo, cá khô, mắm…, bà nội trợ tìm đến chợ này còn mua cả mì tôm, bia, khăn mặc… Quần áo xuất xứ Campuchia cũng là mặt hàng rất được lòng người dân TP HCM, nhất là quần áo trẻ em.

Còn tại chợ Bình Tây, sản phẩm Campuchia hầu hết đều cao hơn 25-40% so giá hàng Việt cùng phân khúc nhưng lại là mặt hàng được người tìm mua. Như đường thốt nốt Campuchia có giá 80.000 đồng/kg, trong khi loại đường này được làm tại An Giang chỉ có 50.000 đồng/kg.

Các tiểu thương ở chợ này cho biết, cuối năm, các loại đặc sản Campuchia đội giá gần gấp đôi song vẫn có nhiều khách mua. Các đầu mối thường phải liên hệ trước 15-20 ngày với đầu mối ở cửa khẩu để được cung cấp hàng. Nhiều người còn sang tận nước bạn để nhập được nhiều hàng với giá thấp.

TP HCM là điểm đến hấp dẫn của sản phẩm ngoại

Ông Palit Bhirombhakdi, Giám đốc điều hành Singha Asia, tập đoàn Thái Lan vừa chi 1,1 tỷ USD để thâu tóm cổ phần hai công ty con của Masan Group, cho rằng, qua nghiên cứu thị trường, ông nhận thấy TP HCM là điểm đến hấp dẫn nhất để đưa các sản phẩm mới ra thị trường.

Không chỉ có dân số trẻ, nhu cầu mua sắm tăng cao mà người dân TP HCM rất thích trải nghiệm cái mới và dễ thích nghi với cái mới. Điều này lý giải vì sao rất nhiều thương hiệu, sản phẩm mới ít khi quảng bá, chỉ đi bằng con đường truyền miệng vẫn đến được với đông đảo người tiêu dùng. Hàng Campuchia tiêu thụ tốt ở TP HCM là một điển hình.

 

 

H.Linh

Bạn có thể quan tâm