Đối đầu Nhật Bản tại bảng D Asian Cup 2023 tối nay (14/1), HLV Philippe Troussier sẽ đương đầu thử thách lớn nhất từ khi tới Việt Nam. Nhà cầm quân người Pháp đã luôn nói về giấc mơ World Cup. Để hướng tới đó, ông thay đổi triệt để tuyển Việt Nam cả về phương diện con người và lối chơi.
Những cách tân của ông đã loại bỏ hàng loạt ngôi sao, đặt ra nhiều câu hỏi về lối chơi và khơi mào cho những tranh cãi dữ dội suốt gần năm trời. Gặp Nhật Bản là cơ hội để ông Troussier chấm dứt những tranh cãi, khẳng định triết lý đúng đắn của mình, là nơi ông chứng minh sự phù hợp với tuyển Việt Nam.
Đối đầu Nhật Bản lúc 18h30 trên sân Al Thumama Stadium (Doha, Qatar) là trận mở màn của tuyển Việt Nam, cũng là mở màn bảng D Asian Cup 2023. Ảnh: Minh Chiến. |
Nhật Bản giờ đã khác
Nhật Bản ấy là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cực đại.
So với Asian Cup 2019, bóng đá Nhật có nhiều bước tiến mạnh mẽ. Đội hình Nhật Bản ngày ấy chỉ có 13 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài thì nay tăng lên 21. Đặc biệt, trong 5 cầu thủ đá quốc nội, có tới 3 người thuộc lứa U23. Điều đó cho thấy với các tuyển thủ Nhật Bản trưởng thành, sang châu Âu gần như là điều kiện bắt buộc.
Thử so với Hàn Quốc vẫn còn tới 11 người đang chơi trong nước, ta sẽ thấy bóng đá Nhật Bản đã đạt tới trình độ nào và yêu cầu đầu vào cho tuyển Nhật là cao tới đâu.
Không chỉ số lượng, chất lượng con người của Nhật cũng là khác biệt. Asian Cup trước, đội trưởng tuyển Nhật Maya Yoshida còn không phải lựa chọn số một tại CLB tầm trung Southampton (chỉ đá 17 trên 38 trận mùa 2018/19). Takehiro Tomiyasu hay Wataru Endo chưa tới Ngoại hạng Anh còn Kaoru Mitoma vẫn đang chơi ở trong nước.
5 năm sau, Endo liên tiếp đá chính tại Liverpool còn Mitoma thành hiện tượng từ đầu mùa giải. Ở Liga, một ngôi sao Nhật cũng rực sáng là Takefusa Kubo. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, các ngôi sao Nhật đổ bộ hàng loạt tới hai giải quốc nội hàng đầu thế giới là Anh và Tây Ban Nha, đá chính, tỏa sáng ở các CLB lớn. Nhật Bản giờ dư thừa ngôi sao tới nỗi sẵn sàng gạt Kyogo Furuhashi (34 bàn cho Celtic mùa trước) khỏi danh sách đăng ký.
Với thực lực hùng hậu ấy, người Nhật thăng hoa ở World Cup là điều dễ hiểu. World Cup 2022 là lần thứ hai liên tiếp tuyển Nhật vượt qua vòng bảng. Họ đứng đầu “Bảng tử thần”, quật ngã cả Đức lẫn Tây Ban Nha và lẽ ra phải tiến sâu hơn nếu không thua Croatia trên chấm luân lưu.
Trên bảng xếp hạng FIFA năm 2018, Nhật chỉ xếp hạng 50 thì tới hết năm 2023 đã leo lên thứ 17. Từ năm 2017 tới nay, họ chưa năm nào tụt hạng. Lì lợm và vững chãi như những chiến binh samurai, tuyển Nhật đang tiếp cận rất gần top 10 thế giới.
10 cũng là số chiến thắng liên tiếp của họ từ năm ngoái tới giờ. Trong chuỗi trận ấy, đỉnh cao là màn hủy diệt tuyển Đức 4-1 ở Wolfsburg, trận cầu đã khiến Hansi Flick bị sa thải. Có cảm giác tuyển Nhật giờ phải chơi với các đội trong top 10 thế giới. Phần còn lại đều bị họ đè bẹp như Thổ Nhĩ Kỳ, Canada hay mới đây là Thái Lan, Jordan (đều thua cách biệt 5 bàn).
Đề án Nhật Bản vô địch World Cup 2050 xem ra không phải chuyện nói cho vui.
Dài dòng thế để thấy kỳ vọng tuyển Việt Nam làm nên bất ngờ trước Nhật Bản chiều nay là phi thực tế. Điều quan trọng là thầy trò Troussier có được tỷ số thế nào, tinh thần ra sao và hơn cả là thể hiện được lối chơi đặc trưng đã xây dựng suốt một năm qua. Nếu thứ bóng đá của ông Troussier hoạt động được trước người Nhật, tuyển Việt Nam có thể tự tin mang nó tới mọi đối thủ khác tại Asian Cup.
So với Asian Cup 2019, tuyển Nhật giờ đáng sợ hơn rất nhiều. Ảnh: Minh Chiến. |
Tuyển Việt Nam tổn thất nhưng chưa đáng lo
Trước tuyển Nhật Bản cực mạnh ấy, thật may khi HLV Troussier vẫn có trong tay phần lớn quân số như ý. Từ khi Quang Hải và đồng đội hành quân tới Qatar, bão chấn thương dường như buông tha tuyển Việt Nam. Khủng hoảng lực lượng ở giai đoạn trước tuy nghiêm trọng, nhưng nó thực tế chỉ tác động chính tới nhóm dự bị ở đội tuyển. Ba tổn thất lớn nhất mà ông Troussier phải chịu nằm ở vị trí của Quế Ngọc Hải, Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Tiến Linh.
Phần còn lại đều là những lựa chọn ưng ý với ông thầy người Pháp.
Trong khung gỗ, Đặng Văn Lâm không chấn thương cũng khó có cửa cạnh tranh cùng tân binh Nguyễn Filip.
Tương tự, Phan Tuấn Tài, Nguyễn Thanh Bình và Vũ Văn Thanh đều là những cái tên ưa thích của ông Troussier. Nỗi lo ở hàng thủ chỉ nằm ở vị trí trung tâm của Bùi Hoàng Việt Anh và chạy cánh trái của Võ Minh Trọng. Tuy nhiên, cả hai đều được thi đấu khá nhiều, tích lũy không ít kinh nghiệm đỉnh cao thời gian gần đây.
Ở vòng tròn trung tâm, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Tuấn Anh đều đạt thể trạng tốt và là lựa chọn ưa thích của ông Troussier. Phía trên họ, hai suất mặc định được trao cho song sát mang tên Hải. Người còn lại là Nguyễn Văn Toàn.
Phía sau họ, tuyển Việt Nam vẫn còn những tên tuổi chất lượng trên băng ghế dự bị như Đỗ Hùng Dũng, Đỗ Duy Mạnh, Hồ Tấn Tài. Cả ba đều là những cựu binh của Asian Cup trước, những người đã có mặt khi tuyển Việt Nam thua sát nút Nhật Bản 0-1 ở vòng tứ kết tại UAE.
Gặp lại Nhật Bản chiều nay, tỷ số tương tự cũng là thành công cho tuyển Việt Nam.
Đội hình dự kiến Việt Nam - Nhật Bản. |
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.