Bình luận
Một trận thua nữa nhưng có thể nói là đội tuyển Việt Nam đã có diện mạo tốt hơn so với chuỗi trận vừa rồi. Thứ khiến chúng ta thua trước đội bạn vẫn chỉ là trình độ và thêm nữa là một phần thái độ.
Thua về trình độ
Phút 81, Mohamed Kanno (số 23) của Saudi Arabia nhận bóng ở giữa sân và khởi đầu pha phản công cho đội bạn. Khi ấy tương quan quân số ở bên phần sân tuyển Việt Nam đang nghiêng về phía chúng ta. Tuy nhiên, chỉ cần cú dừng bóng đột ngột, nhứ một nhịp, kéo một nhịp, Kanno loại bỏ dễ dàng 2 cầu thủ Việt Nam lao vào áp sát mình từ phía sau và phía trước.
Một pha tấn công của Saudi Arabia đã được tổ chức nhanh gọn sau đó, kéo theo thẻ vàng của Thành Chung và dẫn đến pha đá phạt nguy hiểm với điểm đến của quả bóng uy hiếp cột 2 khung thành Tấn Trường.
Những pha bóng kiểu như kể trên trong trận Việt Nam - Saudi Arabia là không hiếm. Và song song với nó là những cú áp sát luôn thắng thế của các cầu thủ Saudi Arabia khi học trò ông Park đang cầm bóng, cố giữ nó để chờ đồng đội di chuyển vào vị trí phối hợp thoáng hơn. Cái thua này chính là cái thua về trình độ. Có thể nói, trình độ của chúng ta không ở cùng đẳng cấp với đội bạn và thất bại cũng là điều dễ hiểu.
Pha mở tỷ số của Al-Shehri cũng đến từ sự vượt trội về trình độ. Từ cú khoét xuống đáy biên của Muwallad cho tới cú đánh đầu ở tư thế khó của Al-Shehri đều thể hiện trình độ vượt trội ấy.
Tuy nhiên, Saudi Arabia không chỉ ở đẳng cấp khác trong so sánh năng lực cá nhân. Ở khía cạnh tập thể, tuyển Việt Nam cũng thể hiện sự thua kém dù chúng ta có huấn luyện viên đến từ nền bóng đá trình độ World Cup.
Vị trí của Thành Chung để lại nhiều nỗi lo. Ảnh: Việt Linh. |
Tuyển Việt Nam ra sân với sơ đồ 5-3-2 có thể linh hoạt thay đổi thành 3-5-2 hoặc 3-4-2-1 khi cầm bóng tấn công. Đây là lựa chọn đúng của HLV Park Hang-seo, nhất là khi ông sử dụng Công Phượng như cầu nối kéo bóng giữa tuyến tiền vệ và Tiến Linh, trong khi đó Quang Hải lùi sâu hơn để hỗ trợ hàng tiền vệ.
Phải thừa nhận, cách tổ chức này đã khiến chúng ta vận hành mạch lạc hơn những trận trước đó trong các dịp ít ỏi cầm bóng tổ chức tấn công. Những đường chuyền của Quang Hải, cách giữ bóng của Công Phượng cho thấy sự sắp xếp này hoàn toàn hợp lý trước đối thủ mạnh.
Nhưng cơ bản, chúng ta vẫn xuất trận trong tâm thế phòng ngự phản công. Tuyển Việt Nam được xem là có cách tổ chức phòng ngự cực tốt dưới bàn tay HLV Park Hang-seo nhưng có lẽ, cái cực tốt ấy chỉ mới là kết quả của các phép thử nhẹ ký hơn chứ không phải là ở những phép thử như vòng loại thứ ba World Cup này. Và ở trận thua Saudi Arabia, cách tổ chức phòng ngự của chúng ta có vấn đề, ít ra là cho tới khi Bùi Tiến Dũng được đưa vào sân.
Trước khi trung vệ của Viettel vào sân, cánh trái của tuyển Việt Nam là nơi thường xuyên bị Saudi Arabia khai thác. Câu hỏi lớn đặt ra ở đây là với hàng thủ 5 người, tức là đủ quân số để bao quát cả chiều ngang sân, nhưng không hiểu sao những cầu thủ như Kanno hay Muwallad của Saudi Arabia luôn có không gian thoải mái ở biên trái để tung những cú tạt hiểm hóc vào vòng cấm? Và câu trả lời là rất đơn giản. Đó chính là vị trí và cự ly giữa Hồng Duy với Thành Chung luôn có vấn đề.
Việc ông Park để Thành Chung quen đá trung vệ lệch phải sang đá lệch trái đã khiến tương tác giữa Thành Chung và Hồng Duy không tốt.
Vẫn biết trong bóng đá, hình khối đội hình luôn có xu hướng xô về phía bên phần sân đang tranh chấp bóng, nhưng việc để Saudi Arabia luôn có ít nhất 2 cầu thủ rình rập một cách trống trải ở biên trái của chúng ta không phải do sự xô lệch đội hình có chủ đích này. Cơ bản, nó đến từ những di chuyển của Thành Chung, từ đó kéo theo dịch chuyển bó vào của Hồng Duy và đó là nguyên nhân Saudi Arabia luôn thoải mái bên hành lang trái.
Chỉ đến khi Bùi Tiến Dũng, trung vệ lệch trái vào sân, cánh của Hồng Duy mới an toàn hơn, giúp Hồng Duy cũng an tâm hơn khi hỗ trợ tấn công nhờ vào cách di chuyển quen thuộc của cầu thủ Viettel. Cũng sau điều chỉnh này, rõ ràng Saudi Arabia đã không còn những pha đánh nguy hiểm ở bên cánh trái nữa.
Thua về thái độ
Thực sự khá tiếc cho tuyển Việt Nam khi chúng ta có những phản ứng lại rất đáng ghi nhận trước đội thủ mạnh chứ không thúc thủ một cách bất lực. Bàn thua duy nhất sẽ càng khiến người hâm mộ tiếc nuối hơn, nhất là khi có cả nguyên nhân thiếu tập trung của Tấn Trường trong pha bóng mà đẳng cấp của cầu thủ Saudi Arabia đã lên tiếng.
Nhưng nếu nói về thái độ thi đấu, tất nhiên chúng ta cũng cần bàn đến những thẻ vàng. Trước sự khiêu khích rất quái của Saudi Arabia, rõ ràng nhiều tuyển thủ Việt Nam đã mất bình tĩnh, có phản ứng không đáng để dẫn tới những thẻ phạt.
Saudi Arabia thể hiện trình độ vượt trội. Ảnh: Việt Linh. |
Có một pha va chạm ở hiệp 1 mà Quang Hải chỉ nhoẻn miệng cười trước đối thủ có vẻ “gấu ó”. Chúng ta cần nhiều nụ cười ấy hơn. Nó thể hiện sự bình tĩnh, bản lĩnh và thái độ của những người chơi thể thao thượng mã.
Tuy nhiên, đó lại là nụ cười hiếm hoi, trong khi có vô số phản ứng quá gay gắt của những tuyển thủ khác. Thậm chí, trong pha tranh cãi với Al-Shehri, tuyển thủ Việt Nam còn thể hiện rõ sự gay gắt ngay trước mặt trọng tài. Ở thái độ này, chúng ta đã thua họ hoàn toàn.
Cần phải hiểu, càng bước vào những đấu trường khắt khe và gay gắt như thế này, càng cần học được một kinh nghiệm là đối thủ rất tinh quái. Đối đầu sự tinh quái không thể bằng cái bộc trực, nóng nảy, thậm chí là giận dữ.
Chúng ta cần nhiều Quang Hải hơn, ai cũng nghĩ như vậy về năng lực cầu thủ, nhưng có lẽ nên cần nhiều nụ cười kiểu Quang Hải, bởi nó thể hiến sự điềm tĩnh cần có ở môi trường cạnh tranh áp lực.
Phía trước, thực tế, đường của tuyển Việt Nam còn rất dài.