Mỗi khi đội tuyển Việt Nam thi đấu trên sân nhà, các thành viên đội có thêm "nhiệm vụ" mới là lo mua vé giúp người thân. Khi đối thủ là Thái Lan, áp lực từ việc này càng thêm nặng. Để học trò tập trung tối đa cho trận đấu, HLV Park yêu cầu toàn bộ thành viên đội phải hoàn thành trước trận đấu ba ngày.
Trường hợp hai trận đấu gần nhau như lần này, cầu thủ phải chốt trước trận đấu UAE ba ngày. Điều này có nghĩa là những nhờ vả mua vé trận Thái Lan phải hoàn thành trước ngày diễn ra trận đấu 8 ngày.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tạo điều kiện cho toàn đội "bình ổn hậu phương" khi ngoài số vé được phát theo quy định còn được đăng ký mua thêm một lượng vé nhất định. Số lượng đăng ký thêm tùy theo mỗi người.
Thị trường vé chợ đen trận Việt Nam gặp Thái Lan đang lên đỉnh điểm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Riêng trận đấu gặp Thái Lan, nhiều cầu thủ phải bỏ ra thêm tới 10 triệu, gồm cả việc mua vé chợ đen do vượt quá số vé được phép mua. Đây mới là con số ở mức trung bình. Các cầu thủ còn nhờ đồng đội mua hộ khi nhu cầu của người này cao hơn người kia.
Tuấn Mạnh, thủ thành đang sinh sống tại Khánh Hòa, nhận mua hộ nhiều người, với điều kiện không hứa trước và anh chỉ mua hộ chứ không cho, tặng.
"Tôi biếu gia đình hai bên nội ngoại số lượng nhỏ thôi. Còn bạn bè, người thân nhờ mua tôi vẫn giúp trong khả năng. Họ gửi lại tiền khi nhận vé. Nếu không được, tôi sẽ từ chối", Mạnh cho hay.
Thủ môn này cũng chia sẻ rằng do nhà anh ở xa, không nhiều người thân ở khu vực lân cận Hà Nội nên áp lực về vé cũng giảm hơn hẳn so với nhiều đồng đội. "Anh em hầu hết đều tránh nhắc đến việc mua vé trong giai đoạn này. Nếu tôi ở Hà Nội, có lẽ cũng tốn cả chục đến vài chục triệu đồng", thủ thành này đồng cảm.
Việc các tuyển thủ chịu áp lực và tốn tiền mua vé cho, tặng người thân không còn là chuyện hiếm. Cựu tuyển thủ Thành Lương từng phải chi tới 50 triệu đồng để mua vé hồi AFF Cup 2014.
Trên thị trường vé chợ đen, trước trận đấu một ngày, dân phe đẩy giá gấp 7-10 lần so với niêm yết, tùy vị trí và sự mặc cả của người mua.