Phía sau tỷ số bàn thắng, tỷ số dứt điểm là 24-1 nghiêng về phía Nhật Bản. Đó là thông số cho thấy khác biệt thực sự giữa tuyển Việt Nam và đối thủ, thứ mà tỷ số trên bảng điện tử đã không thể hiện một cách rõ ràng.
Tuyển Việt Nam có thể hài lòng với một điểm ở Saitama, nhưng cách biệt giữa chúng ta và nhóm đầu châu Á vẫn là cực lớn.
Bàn thắng của Thanh Bình đã mở ra thế trận dễ thở hơn rất nhiều cho Việt Nam trước Nhật Bản. |
Phá hỏng kế hoạch A của tuyển Nhật Bản
Bước ngoặt của trận đấu đã tới ở phút 19 với bàn thắng của Nguyễn Thanh Bình. Đây mới là bàn thắng bằng đầu thứ 2 của tuyển Việt Nam tại vòng loại ba World Cup, nhưng đã là bàn đánh đầu thứ 2 trong 3 trận gần đây. Điều đó cho thấy tuyển Việt Nam cải thiện đáng kể trong khả năng chơi bóng bổng trước các đội hàng đầu khu vực.
Bàn thắng ấy có 2 tác động. Thứ nhất, nó mang tới sự tự tin lớn cho những hậu vệ trẻ như Thanh Bình và cả Bùi Hoàng Việt Anh trong bối cảnh họ phải gánh vác hàng thủ khi tuyển Việt Nam đang khủng hoảng nhân sự. Nó chứng minh họ đủ năng lực chơi bóng trước những đội hàng đầu và chính là liều “doping” tinh thần quan trọng trong hơn 70 phút cực kỳ căng thẳng phía trước.
Thứ hai, nó là cú đấm choáng váng vào niềm tự hào Nhật Bản, buộc chủ nhà phải thay đổi cách tiếp cận trận đấu trước Việt Nam.
19 phút trước bàn thua, tuyển Nhật Bản có 2 cú dứt điểm. Phần còn lại của hiệp một, họ có 10 cú dứt điểm. Nhật Bản vào trận từ tốn, nhưng bàn thắng của Việt Nam buộc họ phải đẩy nhanh tốc độ chơi. Thầy trò ông Park nhờ bàn thắng sớm đã được phép chơi phòng ngự phản công theo đúng sở trường và thành công sau 45 phút.
Chiều ngược lại, thất bại trong hiệp một buộc HLV Hajime Moriyasu phải thay đổi phương án ban đầu khi đội hình B của tuyển Nhật là không đủ để đánh bại Việt Nam.
4 quyền thay người được sử dụng trong hiệp 2 của người Nhật đều dành cho các cầu thủ tấn công. Cả 4 người được vào sân đều đang chơi ở châu Âu. Bàn thắng sau đó của tuyển Nhật cũng được ghi bởi cầu thủ đang đá tại Serie A (Maya Yoshida). HLV Moriyasu phải tung những gì tốt nhất vào sân để giữ lại một điểm trước 60.000 khán giả. Và đó là thành công lớn của tuyển Việt Nam.
Tuyển Việt Nam cầm hòa đối thủ mạnh, nhưng chưa thể hài lòng về phương diện lối chơi khi chúng ta bị ép toàn bộ. Bản đồ nhiệt cho thấy học trò ông Park gần như không lên bóng được tới 1/3 sân đối thủ. Đồ họa: AFC. |
May mắn nhưng có tiến bộ
Những người chứng kiến 90 phút của tuyển Việt Nam đều phải thừa nhận chúng ta đã gặp may. Nhưng đó chẳng phải thứ may mắn từ trên trời rơi xuống. Bởi chẳng vận may nào là đủ để đội bóng đứng trước 24 cú dứt điểm mà chỉ thua một bàn.
Trước tuyển Việt Nam, Nhật Bản cho thấy khả năng đánh biên và tạt bóng cực kỳ ấn tượng. Không phải những quả tạt cầu âu vào vùng cấm, Nhật Bản tấn công biên có bài bản dựa trên nền tảng kỹ thuật vượt trội từ các cầu thủ chạy cánh. 37 quả tạt đã được Nhật Bản thực hiện trong trận so với 4 của Việt Nam.
Hầu hết đưa bóng cắt thẳng vùng trên dưới vạch 5,5 m như được lập trình, nơi cầu thủ Nhật chỉ cầm chạm nhẹ đầu là có bàn thắng. Ngay cả khi cầu thủ đánh đầu không thể chạm bóng, luôn có tiền vệ công ở cánh đối diện sẵn sàng nhận bóng bật ra và tái khởi động tình huống nguy hiểm. Điều đó khiến các đường tạt bóng của Nhật Bản đều trở thành cơ hội kép, nơi hàng thủ Việt Nam phải 2 lần chống đỡ.
Áp lực đó trong hiệp 2 còn dữ dội hơn khi Nhật Bản tung Takumi Minamino và nhất là Junya Ito vào sân. Ito là người đang dẫn đầu danh sách vua phá lưới vòng loại ba và là chủ nhân bàn duy nhất vào lưới Việt Nam ở Mỹ Đình hồi năm ngoái.
Đó là lúc tuyển Việt Nam phải cần nhiều may mắn. Hai lần Nhật Bản đưa bóng vào lưới ở phút 70 và 78, trọng tài đều xác định cầu thủ của họ việt vị. Một lần nữa là khi Yoshida sút ra ngoài từ cự ly chỉ khoảng 5 m.
Chất lượng tạt bóng của Nhật Bản là cực cao khi hầu hết đường tạt đưa được bóng vào khu vực trên dưới 5,5 m, vị trí cực kỳ nguy hiểm. Đồ họa: AFC. |
Nhưng càng khen Nhật Bản, chúng ta càng thấy tuyển Việt Nam đã tiến bộ. Bóng bổng vốn là điểm yếu của thầy trò HLV Park Hang-seo xuyên suốt 9 trận vòng loại đã qua. Trước Nhật Bản, đây cũng từng là mối lo khi tuyển Việt Nam mất hàng loạt trụ cột, phải xuất phát với hai trung vệ trẻ măng Thanh Bình, Việt Anh. Vậy mà những chàng trai trẻ ấy vẫn đứng vững trước người Nhật. Họ thậm chí đã có một bàn nhờ công của Thanh Bình.
Thành công của trung vệ tới từ CLB Viettel cho thấy tập thể tuyển Việt Nam dường như thích ứng được với phong cách biến hóa của các đối thủ ở vòng loại ba World Cup. Chiến dịch World Cup thất bại, nhưng đã mang tới nhiều bài học quý. Và chúng đang bắt đầu hiển hiện.
Trước đối thủ vượt trội toàn diện, ông Park thực hiện 3 quyền thay người trong đó có một dành cho Văn Lâm. Chỉ 2 lần thay người dành cho các cầu thủ ở trên, nghĩa là 9 cái tên khác đã phải chơi trọn 90 phút trong áp lực khủng khiếp của tuyển Nhật Bản. Và họ đã đứng vững, chí ít là đủ thể lực để cầm cự với đối thủ.
Ba trận cuối cùng tại vòng loại, tuyển Việt Nam có 4 điểm. Đó là sự tiến bộ đáng kể so với 7 trận trước đấy khi chúng ta trải qua chuỗi 7 thất bại. Nghĩa là khoảng cách giữa tuyển Việt Nam và nhóm đầu châu lục vẫn rất lớn, nhưng chưa tới mức bất khả thi. Quang Hải và đồng đội có thể chưa cạnh tranh được với nhóm World Cup như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran... nhưng gây khó dễ cho những đội phía sau như Trung Quốc, Oman, Iraq, UAE... là điều chúng ta có thể hướng đến.
Phải chuẩn bị thế nào để 4 năm sau, tuyển Việt Nam tiếp tục có mặt tại đây và nâng cao thành tích 4 điểm trước các đối thủ hàng đầu châu lục là điều ông Park nói trong cuộc họp báo sau trận và cũng là nhiệm vụ những năm tới của tuyển Việt Nam.
Chặng đường mới ấy đã bắt đầu từ hôm qua ngay sau trận hòa với Nhật Bản.