"Thật xấu hổ", "Thua Thái Lan rồi lại thua Việt Nam". Những lời dự đoán của cựu danh thủ Fan Zhiyi 9 năm trước đã trở thành hiện thực trong ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần khi tuyển Trung Quốc thua 1-3 trước Việt Nam.
Không có gì phải tức giận. Bóng đá Trung Quốc luôn ở trong tình trạng tồi tệ từ nhiều năm nay. Khi cần nghiêm túc, họ lại hời hợt, khi cần thoải mái thì lại căng thẳng và chẳng bao giờ hết việc phải cải tổ, theo QQ Sports.
Nhập tịch không đem lại sự thay đổi cho bóng đá Trung Quốc. Ảnh: Sina. |
Thay huấn luyện viên không làm nên chuyện
Sau trận thua trước tuyển Việt Nam, huấn luyện viên trưởng Li Xiaopeng cho biết nguyên nhân thất bại đến từ việc tiếp cận và triển khai lối chơi. Tuyên bố này khá thẳng thắn, khi đề cập đến thể lực và trạng thái của 2 cầu thủ nhập tịch Alan và Luo Guofu không đủ điều kiện đá chính từ đầu. Họ đã phải thay ra đầu hiệp 2. Điều đó đủ chứng minh những sai lầm trong việc sử dụng người.
Đối với huấn luyện viên chuyên nghiệp, việc sắp xếp người chơi luôn là điều đặc biệt quan trọng. Sự cứng đầu và cái tôi của cựu huấn luyện viên Li Tie không được lòng người khác, nhưng nếu huấn luyện viên quá giỏi trong việc mềm dẻo, mọi chuyện sẽ đi đến thái cực khác.
Sau khi Trung Quốc thua tuyển Việt Nam, những người trước đây chửi bới Li Tie đã vào trang cá nhân của ông để xin lỗi.
Khách quan mà nói, Li Tie có lý do cho việc sử dụng các cầu thủ nhập tịch và chiến thuật bảo thủ. Tính cách bướng bỉnh và ích kỷ khiến ông không muốn nói những suy nghĩ của bản thân với truyền thông. Ông liên tục bị chỉ trích và rồi bị áp lực dẫn tới việc xin từ chức.
Việc Li Tie từ chức là đòn giáng mạnh vào đội tuyển Trung Quốc. Ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở 5 trận cuối vòng loại thứ 2 World Cup, để giúp đội tuyển góp mặt vào vòng loại thứ 3 với tư cách đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Tuy nhiên, Li Tie đã phải rời băng ghế huấn luyện khi đang giúp Trung Quốc tìm được đường đi.
Tuyển Trung Quốc đã có những trận thua sát nút trước Saudi Arabia và Nhật Bản, thắng tuyển Việt Nam rồi hòa Australia. Nhưng rồi, Li Tie lại phải ra đi khi có phát ngôn làm mất lòng người hâm mộ, chỉ vì ông liên tục bị chỉ trích và gặp quá nhiều áp lực.
Li Xiaopeng thua 2 trận ở vòng loại thứ ba World Cup, trong đó có thất bại 1-3 trước tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình. |
Người kế nhiệm Li Xiaopeng không có kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển quốc gia, chứ chưa nói gì đến việc chỉ đạo đội bóng ở vòng loại thứ 3 World Cup. Không phải là khả năng của Li Xiaopeng thua kém Li Tie, nhưng rõ ràng việc tái thiết đội tuyển Trung Quốc trong thời gian ngắn như vậy là nhiệm vụ bất khả thi với nhà cầm quân 46 tuổi.
Từ Fabio Cannavaro đến Marcello Lippi, sau này là Li Tie và Li Xiaopeng, tuyển Trung Quốc đã trải qua nhiều lần thay đổi huấn luyện viên trong 5 năm qua. Ngoài việc vào vòng loại thứ 3 World Cup, phần lớn những kết quả còn lại là vật lộn với thất bại.
Thiếu đoàn kết
Mỗi huấn luyện viên đều có kinh nghiệm, thành công riêng, nhưng khi nhậm chức huấn luyện viên trưởng tuyển Trung Quốc, kết quả họ nhận được hoàn toàn trái ngược. Đó vẫn là dấu hỏi về sức mạnh tổng thể của bóng đá Trung Quốc.
Bóng đá Trung Quốc không chỉ có trình độ thấp, mà đôi khi thiếu đoàn kết. Ai cũng cho rằng mình là người giỏi nhất, luôn biết tìm ra lỗi của người khác, sẵn sàng tìm ra điểm vượt trội của mình trong thất bại của người khác, nhưng lại chưa bao giờ tự nhận ra những khiếm khuyết của bản thân. Họ ngày càng lún sâu vào vũng lầy của thất bại.
Khi Li Xiaopeng nhậm chức, không một ai tổ chức cho ông buổi họp báo ra mắt và cũng không có tuyên bố chính thức nào về thời hạn hợp đồng. Một số người nói ông nhận lời trong tình thế cấp bách để giải nguy, lấp vào chỗ trống mà Li Tie để lại, và ông sẽ ra đi sau vòng loại thứ 3 World Cup. Có người nói ông sẽ dẫn dắt tuyển Trung Quốc đến hết Asian Cup 2023.
Dù thế nào đi nữa, Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc cần có tuyên bố về việc bổ nhiệm huấn luyện viên trưởng tuyển quốc gia. Việc làm như vậy với ông Li Xiaopeng là thiếu tôn trọng với huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Người hâm mộ Trung Quốc dần quay lưng với đội tuyển. Ảnh: Sina. |
Tất nhiên, chuyện này không có gì đáng ngạc nhiên ở bóng đá Trung Quốc, bởi các ông bầu chưa bao giờ tôn trọng luật chơi bóng đá. Họ ngây thơ nghĩ việc đưa quân lên tuyển mà không có đủ nền tảng sẽ giải quyết được vấn đề, và việc giải vô địch quốc gia bị hoãn lại nhiều lần để tập trung đội tuyển sẽ giúp tuyển quốc gia mạnh hơn.
Để được dự World Cup, nền bóng đá phải hy sinh nhiều thứ. Các nhà quản lý bóng đá Trung Quốc lại hy vọng đi đường tắt và sử dụng sự khôn khéo của họ để tìm kiếm thành công sau một năm làm việc chăm chỉ. Đây chỉ đơn giản là điều viển vông.
Sau mỗi lần thất bại, người ta phải cầu nguyện cho tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng khi nhìn lại bảng thành tích của các cầu thủ Trung Quốc lứa tuổi 1995-2002 tại sân chơi châu lục, bạn sẽ hiểu tương lai bóng đá Trung Quốc có lẽ không mấy sáng sủa.