Trong danh sách đề cử 31 cầu thủ lên tuyển Việt Nam từ HLV Park Hang-seo, Lê Tiến Anh là cái tên lần đầu xuất hiện. Cầu thủ sinh năm 1998 có một sự nghiệp khá đặc biệt.
Lê Tiến Anh (áo cam, giữa) chơi sòng phẳng với nhiều đàn anh ngay ở mùa V.League đầu tiên. Ảnh: Quang Thịnh. |
Tài năng nở sớm nhưng thành công muộn
Lê Tiến Anh sinh năm 1998 tại Thanh Hóa. Anh là cầu thủ thuộc "thế hệ trẻ vàng" của lò Viettel, theo cách nói ví von của nhiều người bởi những thành tích ở các giải trẻ của lứa này. Tiến Anh cùng Hoàng Thế Tài (con trai cựu danh thủ Hoàng Trung Phong), tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức... có nhiều năm liền khuynh đảo các giải trẻ. Họ cùng PVF tạo nên cuộc đua song mã ở nhóm tuổi này.
Tiến Anh từng góp mặt ở tuyển U16 Việt Nam và thiếu chút nữa đã gây nên bất ngờ tại vòng loại U16 châu Á 2014. Những tưởng với nền tảng cơ bản và bước đầu sự nghiệp tương đối thuận lợi, Tiến Anh cùng nhiều cầu thủ đồng trang lứa sẽ sớm trưởng thành và gặt hái thành công. Song, con đường của cầu thủ cao 1,65 m này lại đầy trắc trở.
Tại giải hạng Nhì Quốc gia 2017, Tiến Anh là đội trưởng CLB Viettel B (thực chất là U19 Viettel) và dính chấn thương đứt bán phần dây chằng. Sau đó, anh trải qua chuỗi ngày đằng đẵng chữa chấn thương. Sự kiên nhẫn rồi cũng tới giới hạn. Năm 2018, Tiến Anh phải chia tay CLB Viettel.
Rời khỏi CLB mà mình đã gắn bó từ thơ bé, cầu thủ này bắt đầu chuỗi ngày phiêu bạt. Anh thử sức ở một vài đội bóng tại hạng Nhất. Song, chấn thương liên miên khiến Tiến Anh phải rẽ ngang. Đã có lúc, mọi người tưởng rằng Tiến Anh phải chia tay sân cỏ.
Nhưng với Tiến Anh, nghịch cảnh không khiến cầu thủ này đầu hàng. Tiến Anh tìm nhiều cách để tiếp tục gắn bó với đam mê mà vẫn đủ tiền trang trải cuộc sống. Lang thang khắp Hà Nội để mưu sinh, Tiến Anh không dùng xe máy, cũng không dùng những phương tiện công cộng mà lựa chọn đạp xe bởi đây là cách để hồi phục chấn thương.
Tiến Anh và HLV Đức Thắng, một trong 2 người đã thay đổi cuộc đời bóng đá của anh. |
Cùng khoảng thời gian, Tiến Anh được bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Y học Thể thao - Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội, trực tiếp chữa trị.
Bền bỉ bám trụ với nghiệp quần đùi áo số, chậm chạp từng chút để hồi phục chấn thương, Tiến Anh chưa từng quên giấc mơ chơi bóng chuyên nghiệp. Sự kiên nhẫn của Tiến Anh được đền đáp bởi HLV Đức Thắng. Họ từng là thầy trò khi Tiến Anh là một cậu nhóc còn Đức Thắng vẫn là HLV đào tạo trẻ vô danh tại Viettel. Những liên kết trong quá khứ giúp Đức Thắng hiểu rõ năng lực của Tiến Anh. Ông nhìn thấy nghị lực mạnh mẽ từ chàng trai tưởng như đã phải chia tay sân cỏ.
Tại đội mới Bình Định, Tiến Anh được HLV Đức Thắng trao cơ hội chơi ở V.League 2021 sau 2 mùa giải tại hạng Nhất. Đối đầu với nhiều cầu thủ kinh nghiệm như Cao Văn Triền, Daisuke Matsui của CLB Sài Gòn, Nguyễn Huy Hùng của Đà Nẵng hay Nguyễn Tuấn Anh của HAGL... cầu thủ nhỏ con này không hề tỏ ra thua kém, thậm chí vẫn cầm trịch được tuyến giữa.
"Tôi đi tuyển Tiến Anh về CLB Viettel khi cậu ấy mới 11 tuổi và có 3 năm huấn luyện cậu ấy. Sau này, khi không làm ở Viettel nữa, tôi vẫn theo dõi học trò cũ. Tôi hiểu rõ năng lực của Tiến Anh. Tôi biết trong tương lai cậu ấy sẽ là cầu thủ tốt hơn nhiều", HLV Đức Thắng chia sẻ về cậu học trò sau trận đội bóng của ông hòa CLB Hà Nội 3-3 tại giải giao hữu tứ hùng trước mùa giải 2021.
Ở tuổi 23, Tiến Anh không lên tuyển theo dạng đầu tư dài hạn như các cầu thủ U22. Tiến Anh ở đây vì ông Park thấy anh đủ sức và có thể đóng góp cho đội tuyển lớn.
Tiến Anh (phải) chọn Tuấn Anh làm thần tượng và có lần đầu chạm trán khi đã 23 tuổi. Ảnh: Quang Thịnh. |
Vừa đá bóng hay, vừa học văn hóa giỏi
Tiến Anh gia nhập và phát triển tài năng đúng vào thời kỳ CLB Viettel chứng kiến nhiều biến động, từ việc nhường suất chơi V.League đến bán những cầu thủ trẻ, rồi quyết tâm làm lại với cơ ngơi hoành tráng ở vùng ngoại thành Hà Nội.
Lứa cầu thủ từ 1995 đến 1998 trở thành hạt nhân trong tham vọng xây dựng đội bóng quân đội lại từ đầu. Ngoài vấn đề chuyên môn, trình độ văn hóa cũng nằm trong yêu cầu bắt buộc và Tiến Anh lại làm tốt cả hai việc nói trên, tới mức khiến cô giáo phải tiếc nuối vì quyết định theo nghiệp quần đùi áo số của cầu thủ quê Thanh Hóa.
Trước khi bước vào tập luyện chuyên sâu với mật độ 2 buổi/ ngày, Tiến Anh được các giáo viên của trường THCS Định Công khuyên nên theo con đường học văn hóa bởi sự thông minh và tính cách ngoan ngoãn của mình. Tiến Anh làm tốt tới mức, cô giáo chủ nhiệm đã tìm gặp lãnh đạo đội Viettel cũng như gia đình để khuyên anh bỏ bóng đá. Song, Tiến Anh vẫn quyết định gắn bó với đam mê từ nhỏ.
Tính cách ôn hòa và biết điều là điểm cộng rất lớn của Tiến Anh. Bởi vậy, anh gây thiện cảm cho không ít người. Trong giai đoạn khó khăn do chấn thương, phải nghỉ thi đấu, anh được bạn bè, người quen giúp đỡ rất nhiều. Qua nhiều lời giới thiệu, Tiến Anh vừa bán giày thể thao, vừa dạy bóng đá cộng đồng tại trung tâm của cựu tiền đạo Đỗ Thị Ngọc Châm và vượt qua khoảng thời gian khó khăn đầu đời.
Tính cách hiền lành của Tiến Anh khá giống với Nguyễn Tuấn Anh, cầu thủ của HAGL. "Nhô" cũng là người cầu thủ sinh năm 1998 chọn làm thần tượng, dù chỉ hơn kém nhau 3 tuổi. Hai cầu thủ này cùng là tiền vệ trung tâm, cùng có tên viết tắt "TA" và cùng chọn 2 số áo (8 và 11) ở nhiều thời điểm. Họ đều trải qua những chấn thương nặng, có lúc tưởng mất nghiệp. Nhưng cả hai đều trở lại mạnh mẽ, đều rực sáng.
Ngày đối đầu thần tượng tại V.League, Tiến Anh nói đơn giản: "Thanh xuân của tôi" và khoe 2 bức ảnh chụp chung cách nhau 7 năm. Một bức là thời điểm cả hai cùng "ăn cơm tuyển" ở U16 và U19 Việt Nam với số áo 8. Bức còn lại là sau trận đối đầu khi họ cùng mặc số áo 11. Ít ngày tới, họ sẽ là đối thủ trong cuộc cạnh tranh tuyến giữa tuyển Việt Nam.
Lần đầu "ăn cơm tuyển" khi mới 15 tuổi, tiền vệ trung tâm này phải mất 8 năm để được gọi lên đội tuyển lớn. Khoảng thời gian đó đủ để nhiều thứ rơi vào quên lãng, nhưng Tiến Anh thì vẫn bền bỉ với đam mê của mình. HLV Park luôn thích những cầu thủ giàu ý chí, dám đối diện với nghịch cảnh như Tiến Anh, Tuấn Anh...
Và biết đâu, một chương tươi sáng hơn của Tiến Anh mới chỉ bắt đầu.