Sinh ra trong gia đình thuần nông, cha mẹ đều làm ruộng, cả hai cầu thủ đều đến với bóng đá một cách tình cờ. Từ phát hiện của các tuyển trạch viên của CLB Sông Lam, Đức và Mạnh được gọi vào tập trung và từ đó trở thành trụ cột cho CLB cũng như đội tuyển quốc gia.
Sau hành trình trở về quê hương với nhiều cảm xúc dạt dào, cả hai lại lao vào tập luyện cùng câu lạc bộ để chuẩn bị cho giải AFC Cup 2018 cùng CLB SLNA. Đức và Mạnh đều cho biết thực rất mệt nhưng cũng vui mừng vì được người dân cả nước đón chào nồng nhiệt, đặc biệt là CĐV Nghệ An.
Đam mê bóng đá từ nhỏ
Phan Văn Đức sinh ra tại vùng đồng bằng chiêm trũng quê lúa ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Bà Vũ Thị Hiền (mẹ Đức) cho biết lúc sinh Đức chỉ nặng khoảng 2 kg, người dân trong làng thường gọi là Đức "cọt". Thời kỳ đó gia đình bà cũng như bao hộ dân khác đều khó khăn, cuộc sống dựa vào mấy bát rau cháo sống qua ngày.
Phan Văn Đức là phát hiện thú vị của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á. Ảnh: Phạm Duy. |
Cầu thủ này là con út trong gia đình có 4 thành viên. Vì cuộc sống mưu sinh, bố của anh vào Nam lập nghiệp lúc con trai mới 4 tuổi. Lúc đó, một mình bà Hiền quán xuyến chuyện nội trợ, đồng áng. Phải sống xa bố, bên cạnh Đức chỉ còn mỗi anh trai lớn hơn 2 tuổi và người mẹ thân yêu. Cũng vì thế mà cầu thủ này luôn dành tình yêu cho người mẹ.
Cả hai con của bà Hiền đều học giỏi, ngoan hiền và đặc biệt là Đức rất thích đá bóng. Mỗi lần Đức đi chăn trâu là mẹ phải chạy ra ngoài sân bóng gọi mới chịu về vì trâu đã về chuồng nhưng "cậu nhóc" vẫn còn chơi bóng ngoài sân đình.
Năm 12 tuổi, Đức được gọi vào đội tuyển nhi đồng của xã rồi lên huyện thi đấu. "Thời đó tôi là Bí thư đoàn xã dẫn các em lên huyện thi đấu. Ai cũng khen Đức "cọt" tuy nhỏ con nhưng đá hay, dẫn bóng tốt. Năm đó em được giải cầu thủ xuất sắc nhất giải và được tuyển chọn vào tập trung ở CLB SLNA", anh Nguyễn Văn Quế - Ban chỉ huy quân sự xã Tăng Thành nhớ lại.
Xuân Mạnh cũng vậy, chính niềm đam mê với trái bóng đã đưa em vào sự nghiệp và đang là trụ cột cho CLB cũng như đội tuyển U23 Quốc gia. Mạnh sinh ra ở xã Minh Thành, là vùng núi của huyện Yên Thành, bố mẹ làm nông không có điều kiện như những người khác.
Hồi nhỏ Mạnh cùng bạn bè trang lứa đi chăn trâu cắt cỏ, bắt đầu đá bóng từ những quả bưởi, quả bóng tự làm. Vì đam mê nên Mạnh và chúng bạn nhiều hôm đá bóng không biết mệt mỏi, quên cả việc trâu bò đã về nhà.
Xuân Mạnh và bố mẹ mình. Ảnh: Phạm Duy. |
Có năng khiếu chơi bóng, Xuân Mạnh đã ghi dấu ấn từ những ngày đầu gia nhập đội bóng xứ Nghệ. Đó là năm 12 tuổi, Mạnh vinh dự được góp mặt ở “lò” Sông Lam sau một chuyến về các địa phương tuyển quân của tuyển trạch viên đội bóng xứ Nghệ.
Từ đó đến nay, Xuân Mạnh thường xuyên vắng nhà. Chỉ vào ngôi nhà mới xây khang trang, bà Phan Thị Hà (mẹ Xuân Mạnh) chia sẻ, đây là ngôi nhà mà gia đình mới góp được ít vốn cộng với vay mượn ngân hàng để làm. Trước đây gia đình sống ở ngôi nhà cũ cách nhà mới hơn 200 m. Đó là căn nhà dột nát, nhiều hôm cả gia đình phải thức trắng để tránh mưa vì nhà dột hết.
Phấn đấu hết mình vì sự nghiệp
Từ khi được chọn vào tập trung ở "lò" Sông Lam, Đức và Mạnh đều chăm chỉ học hành và tập luyện. Sự miệt mài đó rồi cũng được đền đáp xứng đáng khi hai tuyển thủ được gọi vào tập trung đội tuyển U23 dạng "vé vớt" và thi đấu thành công.
Nhớ lại thời kỳ mới bước vào lò đào tạo Sông Lam, Đức chia sẻ nhiều lần nhớ nhà định bỏ về nhưng vì xác định đây là niềm đam mê của mình nên cậu dặn lòng để lo cho sự nghiệp. Bà Hiền thỉnh thoảng lại lặn lội từ quê vào thăm con, thấy con được mọi người yêu quý, chăm chỉ tập luyện, biết vâng lời các anh chị cũng như ban huấn luyện nên bà mừng lắm.
Sau khi thể hiện xuất sắc ở các giải trẻ, Văn Đức được ban huấn luyện SLNA thường xuyên xếp đá chính và đang là trụ cột của đội 1 SLNA. Cầu thủ xứ nghệ này cho biết đường đến U23 của anh rất khó khăn, là vé vớt nhưng nhờ hòa đồng, được đồng đội, HLV giúp đỡ nên Đức sớm hòa nhập với đội và tạo nên kì tích chưa từng có là giành giải Á quân tại giải U23 Châu Á.
Anh Phan Văn Kiều (ở thị trấn Yên Thành - một người bạn chơi rất thân của Đức) cho biết, Đức là người sống rất hòa đồng, chân thành với bạn bè. Giờ đây, khi đã trở thành người hùng của U23 Việt Nam, Đức vẫn không quên bạn bè, gọi nhau í ới chia vui cùng đội tuyển.
Ngồi bên đứa cháu nội, bà Đào Thị Lý (70 tuổi) tự hào khoe có đứa cháu tuyệt vời. Từ hôm giải bóng đá kết thúc, đi đâu ai cũng nói về Đức, bà sung sướng, hạnh phúc khi có đứa cháu tài năng như vậy. Ôm bà vào lòng, Văn Đức nhớ lại lúc còn nhỏ bà nội là người chăm sóc. Đức cho biết chính bà và mẹ là niềm tự hào của cầu thủ này.
Xuân Mạnh cũng có năng khiếu chơi bóng từ bé, cầu thủ này đã ghi dấu ấn từ những ngày đầu gia nhập đội bóng xứ Nghệ. Năm 2012, khi ấy 16 tuổi, Xuân Mạnh có mặt trong đội hình U17 SLNA tham dự giải quốc gia tại Thừa Thiên - Huế. Thời kỳ ấy, Xuân Mạnh là cầu thủ được HLV Ngô Quang Trường đánh giá cao.
Không phụ lòng tin của thầy, Xuân Mạnh đã thi đấu xuất sắc, giúp U17 SLNA giành chức vô địch một cách thuyết phục. Giải đấu đầu tiên và giành chức vô địch, đó là khởi đầu như mơ với Xuân Mạnh.
Bà Vũ Thị Hiền, mẹ của Phan Văn Đức, và cũng là "HLV" trường đời của cậu con trai. Ảnh: Nguyên Trí. |
Mặc dù vậy, những năm đầu tiên mức lương của Mạnh chỉ khoảng 3,6 triệu đồng/tháng nhưng cầu thủ này vẫn dành tiền gửi về cho gia đình.
“Nhà nghèo, chị gái đi lấy chồng xa, Xuân Mạnh trở thành trụ cột trong gia đình. Quãng đời cầu thủ vừa qua, Mạnh phải dành dụm để trả nợ cho bố mẹ khi xây nhà mới. Từ trước đến nay cậu ấy chưa mua gì cho bản thân được cả", anh Sơn - một người bạn của Xuân Mạnh cho biết.
Bản thân, gia đình và cả miền quê nghèo tự hào, bởi bao năm qua, Xuân Mạnh là người đầu tiên trong xã được khoác áo đội 1 SLNA và trở thành người hùng của U23 Việt Nam.
Dẫn chúng tôi lên thăm lại căn nhà cũ, bà Hà tâm sự, khi nghe tin Mạnh được gọi vào đội tuyển tham gia giải U23 Châu Á bà rất vui mừng. Rồi thành công của đội tuyển nói chung và cá nhân Mạnh nói riêng liên tục báo về khi bà sung sướng vô cùng. Hôm nào U23 VN thi đấu là cả gia đình bà lại ngồi bên chiếc tivi theo dõi từng bước chân, đường bóng của con trai và đồng đội.
Không riêng gì gia đình Mạnh, người dân ở xã Minh Thành cũng đều theo dõi những trận đấu của U23 tại giải U23 Châu Á. Ông Phạm Xuân Luận (60 tuổi, trú cùng xóm với Mạnh) phấn khởi cho hay, ông và hàng nghìn người khác tự hào vì có người con trong làng được đi đá giải U23 Việt Nam. Mỗi trận đấu mà đội tuyển chúng ta thi đấu ông đều theo dõi, cổ vũ.
Nói về hai học trò của mình, ông Nguyễn Đức Thắng - HLV đội SLNA cho biết bản thân ông rất tự hào về hai cầu thủ huyện lúa này. Ông tin rằng cả Đức và mạnh sẽ còn làm rạng danh cho CLB, cho đất nước nhiều hơn nữa. Bóng đá quê lúa đã có những cú hích cần thiết và có thể trong thời gian tới, họ sẽ còn đón nhận thêm nhiều thành công.