Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyển sinh lớp 10 năm 2021 - điểm mới ở đề thi môn Tiếng Anh

Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ vẫn giữ ổn định từ hình thức cho đến định hướng đề thi, cấu trúc và nội dung đề.

Một cán bộ Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay không có gì thay đổi.

Vấn đề này cũng được ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, đề cập tại buổi họp giao ban với trưởng phòng GD&ĐT của 24 quận, huyện về công tác chuyên môn.

Như vậy, để xét tuyển vào lớp 10 công lập, học sinh (HS) lớp 9 phải tham dự ba môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ nếu đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 thường và dự thi thêm môn chuyên nếu đăng ký vào nguyện vọng trường, lớp chuyên.

Tuyen sinh lop 10 anh 1

Học sinh tại TP.HCM. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.

Tăng số lượng câu hỏi tiếng Anh

Đối với môn Ngữ văn, một chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, khẳng định: Cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm trước. Tuy nhiên, học sinh (HS) cần lưu ý một số điểm:

Đề thi sẽ gồm ba phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm).

Phần Đọc hiểu, các văn bản được chọn là văn bản thông tin, nghị luận xã hội, văn bản khoa học… Câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận.

Câu hỏi có thể yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải thích từ ngữ; câu hỏi nêu nội dung văn bản; câu hỏi yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới…

Khi làm phần này, HS phải đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung, trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng không cần thiết.

Phần Nghị luận xã hội, HS phải nắm được cấu trúc của một bài cần đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài; cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, đặc biệt là thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, HS cần rút ra bài học cho chính mình.

Còn phần Nghị luận văn học, các em sẽ có hai lựa chọn. Đề 1 sẽ phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình, từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng (liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến…).

Đề 2 có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn. Các em nên căn cứ vào việc nắm vững kiến thức và kỹ năng khi lựa chọn đề để làm. Để làm tốt câu nghị luận văn học, các em cần nắm vững nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm được học. Cần vận dụng thành thạo thao tác phân tích khi làm câu này.

Đối với môn Tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết sẽ tăng câu hỏi trong đề thi.

Cụ thể, đề thi sẽ tăng thêm bốn câu. Mỗi câu 0,25 điểm. Như vậy, đề thi Tiếng Anh sẽ có tất cả 40 câu. Dù tăng số lượng câu hỏi, về cơ bản, đề vẫn giống mọi năm. Đề vẫn đảm bảo mức độ đáp ứng nhu cầu tuyển sinh, vẫn theo khuynh hướng đổi mới để HS sử dụng kỹ năng môn Tiếng Anh vào thực tế cuộc sống nhưng vẫn bám sát chương trình. Đề thi tăng cường từ vựng, ngữ nghĩa của câu.

Ông Lữ chia sẻ thêm tăng số lượng câu hỏi nhưng mức độ kiến thức, cấu trúc đề sẽ vẫn trên tinh thần ổn định. Việc tăng câu hỏi trong đề không làm cho đề thi khó hơn, mà mục đích để đánh giá bao quát việc học của HS. Vì thế, các em không nên quá lo lắng.

Trong khi đó, môn Toán bao gồm các dạng toán cơ bản thuần túy về đồ thị, hàm số, phương trình, các dạng toán thực tế, toán hình học. Trong đề thi, các kiến thức cơ bản sẽ chiếm 5,5 điểm trong thang điểm 10, phần còn lại là những bài toán từ thực tế.

Tuyen sinh lop 10 anh 2

Học sinh lớp 9 trường THCS Phú Thọ (quận 11) trong một tiết học Toán. Ảnh: Nguyễn Quyên/Pháp Luật TP.HCM.

Tăng tiết ôn tập ở ba môn thi

Dù vừa kết thúc học kỳ 1, các trường đã triển khai kế hoạch học kỳ 2. Song song với việc hoàn tất chương trình lớp 9, các trường đã xây dựng chuyên đề ôn tập, bám sát theo cấu trúc đề thi.

Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), chia sẻ thời điểm này, nhà trường đã đưa ra kế hoạch đẩy mạnh việc giảng dạy và ôn tập cho HS cuối cấp.

“Đối với môn Ngữ văn, ngoài việc sưu tầm các đề kiểm tra, chính tôi cũng tự ra đề cho các em làm thử. Sau đó tôi sẽ chấm, sửa và nhận xét. Như vậy, các em sẽ nhớ kiến thức, có sự cọ xát và quen với cách thi sắp tới” - thầy Bảo nói thêm.

Theo kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đã được UBND TP.HCM phê duyệt, việc xét tốt nghiệp THCS trước ngày 15/6. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 trước ngày 31/7.

Tại trường THCS Phú Thọ (quận 11), bà Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay thứ hai vừa rồi, trường đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh cho HS. Công tác này trong học kỳ 2 sẽ được nhà trường tổ chức liên tục.

Là trường dạy một buổi nên để tạo điều kiện ôn luyện cho HS cuối cấp, trường đã tổ chức ôn tập vào tối thứ hai, thứ tư cho các em. Mỗi buổi ba tiết trên tinh thần tự nguyện. Đến tháng tư, sau khi kiểm tra cuối kỳ, nhà trường sẽ triển khai ôn tập tập trung cho HS lớp 9.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng trường THCS Hồ Văn Long (quận Bình Tân), cho hay thời điểm này, nhà trường cũng đã lên kế hoạch cho việc ôn tập cho HS cuối cấp. Đầu tháng ba, trường sẽ tăng thêm hai tiết cho mỗi môn thi vào buổi hai.

“Để kiểm tra được năng lực học của các em, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra thử vào hàng tuần. Mỗi tuần trường sẽ dành ba tiết vào thứ Bảy để kiểm tra ba môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh. Như vậy, qua kết quả thi trường sẽ nắm được tình hình học tập của HS và có sự bồi dưỡng phù hợp” - bà Giang nói.

Cấu trúc đề thi 3 môn vào trường THPT chuyên Ngoại ngữ

Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Hà Nội) công bố cấu trúc đề thi 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới.

https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/tuyen-sinh-lop-10-nam-2021-diem-moi-o-de-thi-tieng-anh-963755.html

Nguyễn Quyên / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm