Về mặt toán học, xác suất để trận đấu bóng đá kết thúc với kết quả hoà 2-2 là khá thấp, nhất là trong khuôn khổ EURO hay World Cup.
Ở kỳ EURO 2004 tại Bồ Đào Nha, có 2 trong tổng số 31 trận đấu của giải kết thúc với kết quả hoà 2-2 sau 90 phút. Một trong hai trận đấu đó đã đưa người Italy về nước trong cơn uất ức.
"2-2 và lũ Spaghetti đã bị loại" là băng rôn của các CĐV Đan Mạch viết. Ảnh: Getty. |
Màn dàn xếp tinh vi
Trước trận, Đan Mạch và Thuỵ Điển luôn tỏ ra giận dữ mỗi khi ai đó đề cập đến tỷ số 2-2, kết quả vừa đủ để họ loại Italy khỏi vòng bảng EURO 2004.
Thế nhưng, giọt nước mắt của Antonio Cassano sau khi tuyển Italy kết thúc trận đấu cuối cùng của vòng bảng nói lên tất cả.
Khi loạt trận cuối cùng của bảng C chưa diễn ra, Đan Mạch và Thụy Điển cùng được 4 điểm, Italy giành 2 điểm sau 2 trận hòa trước 2 đối thủ trên, Bulgaria đã bị loại sau 2 trận thua.
Vì EURO 2004 tính kết quả đối đầu giữa các đội bằng điểm, nên nếu Đan Mạch hòa Thụy Điển từ tỷ số 2-2 trở lên, hai đội này sẽ dắt tay nhau đi tiếp, còn Italy bị loại bất chấp kết quả của họ với Bulgaria. Hai đội bóng Bắc Âu khi ấy đang có hiệu số đối đầu giữa 3 đội tốt hơn Italy.
Trong buổi họp báo cho ngày thi đấu quyết định, hai HLV trưởng ĐTQG Thụy Điển và Đan Mạch vô cùng bức xúc khi truyền thông đề cập đến hai chữ "dàn xếp".
HLV Đan Mạch Morten Olsen thậm chí nổi cơn lôi đình khi báo chí nhắc đến tỷ số 2-2, kết quả vừa đủ để giúp 2 người hàng xóm Bắc Âu đi tiếp mà không cần quan tâm đến trận đấu của Italy.
"Thật phi lý, việc dàn xếp tỷ số thật đáng xấu hổ. Chúng tôi là những người trung thực, chơi hết mình để giành chiến thắng. Chúng tôi sẽ thi đấu trung thực để giành kết quả tốt", Olsen nói với các phóng viên Italy.
Trợ lý HLV Thụy Điển Lars Lagerback, người sau này sẽ trở thành HLV trưởng đội bóng Bắc Âu, thêm vào: "2-2 là kết quả rất bất thường. Tôi không nghĩ chuyện đó sẽ xảy ra".
Người Italy sau đó hy vọng. Hai đội bóng Bắc Âu đều nổi tiếng là các nền bóng đá chơi fair-play và liệu họ có thể bắt tay nhau hòa với tỷ số cao để loại Italy? Đặc biệt khi cả thế giới đang đổ dồn theo dõi trận đấu đó.
Kết thúc trận đấu, Đan Mạch có tổng cộng 16 cú sút, Thuỵ Điển có 15. Hai thủ môn của hai đội thi nhau bay lượn trong khung thành. Quả thật là màn trình diễn hấp dẫn, hào hứng và kịch tính.
Nếu Đan Mạch và Thuỵ Điển thật sự muốn dàn xếp, các cầu thủ của họ quả là những diễn viên đại tài.
Và những người Italy mơ mộng sau đó nhận ra sự ngây thơ của mình. Cho tới phút 88 của trận đấu đó, Đan Mạch đang dẫn Thụy Điển 2-1, rồi Mattias Jonson ghi bàn đưa 2 đội bóng Bắc Âu tiến thẳng vào tứ kết.
Một năm sau trận đấu đó, tạp chí Offside của Thụy Điển công bố đoạn hội thoại giữa các cầu thủ hai đội, lý giải tại sao tỷ số 2-2 "không thường thấy" lại xảy ra.
Khi hai đội đang khởi động để bắt đầu trận đấu, hậu vệ Thụy Điển Erik Edman tiến đến Daniel Jensen, người đồng nghiệp phía bên kia và hỏi: "Tại sao chúng ta không hòa 2-2 nhỉ?".
Trung vệ người Đan Mạch mỉm cười và đáp: "Tại sao không? Nhưng các anh phải bị thủng lưới trước đấy nhé!".
Trong suốt trận đấu, khi Đan Mạch đang dẫn 2-1, tiền vệ Thụy Điển Anders Andersson gào thét với Thomas Gravesen: "Thôi mà, cho chúng tôi gỡ hòa đi, khỉ thật".
Cựu cầu thủ nổi tiếng của Real Madrid sau đó đáp: "Được rồi, nhưng ít nhất các cậu cũng phải dâng đội hình lên đã chứ".
Đan Mạch và Thuỵ Điển đã tạo ra trận đấu kịch tính đến tận những phút cuối cùng. Ảnh: Getty. |
Dư âm
Sau khi trận đấu kết thúc, thủ môn Đan Mạch Thomas Sorensen tiến tới ôm chầm người đồng đội ở Aston Villa Marcus Allback và nhấc bổng anh lên.
Chân sút Thụy Điển liền hét to: "Để tôi đi, để tôi đi, điều này thật đáng xấu hổ".
Sorensen chính là người thực hiện pha đỡ bóng quyết định, để tiền vệ Mattias Jonson của Thụy Điển lao vào đá bồi ghi bàn gỡ hòa 2-2. Trước đó, Sorensen cũng phạm lỗi trong vòng cấm để Thụy Điển ghi bàn san hòa tỷ số 1-1.
Các CĐV Thụy Điển giơ biểu ngữ: “2-2 = Nordic Victory”, tạm dịch là “Người Bắc Âu chiến thắng”. "2-2 và lũ Spaghetti đã bị loại" là băng rôn của các CĐV Đan Mạch viết. Người hâm mộ bóng đá của hai nước đều hoan hỉ.
Với người Italy, điều này thật đau đớn. Mới 2 năm trước, họ bị Hàn Quốc loại khỏi World Cup 2002 sau những quyết định đáng hổ thẹn của trọng tài Byron Moreno.
Khi trở về giải đấu ở lục địa già, nơi người ta vẫn hay tự hào về tinh thần thể thao cao thượng và fair-play, người Italy một lần nữa nuốt trái đắng. Phó chủ tịch AC Milan Adriano Galliani than rằng phải chăng Italy đang chịu lời nguyền rủa.
Truyền thông xứ mỳ ống giận dữ với mẫu số chung trên mặt báo là những từ như "dàn xếp" và "phi thể thao". Gazetta gọi đó là một trong những trận đấu ô nhục nhất lịch sử các kỳ EURO và phản bội lại tinh thần thể thao mà người châu Âu thường rao giảng.
Người Italy hả hê khi chứng kiến Đan Mạch bị CH Czech loại 3-0 ở tứ kết, còn Thuỵ Điển chịu thua trước Hà Lan trên chấm luân lưu.
Phần đông những người Thuỵ Điển và Đan Mạch đã nghĩ gì sau trận đấu? "Họ không xấu hổ gì mấy", cây viết Jan Aage nhớ lại. Bóng đá với họ chỉ là trò chơi, và giống như những đứa trẻ, chiến thắng luôn đem lại sự phấn khích.
Chuỗi ngày buồn của bóng đá Italy chỉ kết thúc sau chức vô địch World Cup 2006. Thế nhưng, trước đó vài tháng, scandal dàn xếp tỷ số mang tên Calciopoli đã bùng nổ, với sự dính líu của hàng loạt quan chức và CLB hàng đầu đất nước.
Chứng kiến scandal đó, những người Bắc Âu liền hỏi với đầy sự mỉa mai: "Nếu đứng ở vị thế của Đan Mạch và Thuỵ Điển năm xưa, liệu người Italy có sẵn sàng chơi thứ bóng đá không dàn xếp?".