Trong những năm đầu thế kỷ 21, Tây Ban Nha xây dựng đội hình dựa trên nền tảng Raul Gonzalez. Anh là một cầu thủ đặc biệt, một “số chín rưỡi” tuyệt vời khi được đá cặp cùng Fernando Morientes ở cả cấp CLB và ĐTQG, khi mà sơ đồ hai tiền đạo còn hết sức thịnh hành.
Huyền thoại của Real Madrid ghi bàn đều đặn và trở thành chân sút số 1 trong lịch sử tuyển Tây Ban Nha. Thế nhưng trong 10 năm (1996-2006) Raul làm thủ lĩnh, Tây Ban Nha không giành được danh hiệu lớn nào. Điều tiếng tham quyền cố vị đổ lên Raul ngày càng đậm đặc. Như bao công thần luống tuổi, anh ngày càng khó thích ứng với bất cứ vị trí nào trong đội hình.
Vị thế của chân sút ghi bàn nhiều thứ hai lịch sử Real Madrid bị đe dọa bởi sự nổi lên của hai cái tên Fernando Torres và David Villa. Một người ghi bàn quyết định trong giải đấu lớn đầu tiên Raul bị ruồng rẫy (EURO 2008), một người sau này chiếm luôn kỷ lục ghi bàn nhiều nhất ở tuyển Tây Ban Nha của Raul.
Tuyển Anh phải mạnh tay với Rooney như tuyển Tây Ban Nha từng làm với Raul. Ảnh: Getty. |
Sau World Cup 2006 thất bại ê chề, những ngày Raul khoác áo tuyển bắt đầu đếm ngược. Ở vòng loại EURO 2008, Tây Ban Nha bất ngờ thua CH Ireland 2-3, trong trận đấu Raul sút trúng xà ngang ở phút chót. Kết thúc đáng buồn cho một huyền thoại vĩ đại khi anh bị loại vĩnh viễn khỏi tuyển Tây Ban Nha sau trận thua này.
Vận bĩ của Raul hóa ra lại thành vận may của Tây Ban Nha. Trước đây với ba tiền đạo Raul – Torres – Villa, HLV phải dùng ba tiền vệ phòng ngự. Nay đã trảm Raul, tuyển Tây Ban Nha có thể ra sân với bộ đôi Villa-Torres trên cùng, hai tiền vệ tấn công phía sau và số tiền vệ phòng ngự giảm xuống còn hai người.
Những người được chọn cho vị trí hỗ trợ Torres và Villa là David Silva và Iniesta dù họ không đá bất kỳ trận nào ở vòng loại. Cộng thêm màn đá ma bắt đầu thịnh hành khắp các đội bóng Tây Ban Nha, “tiki-taka” đã thực sự ra đời.
Tuyển Đức chiếm ngôi vương của Tây Ban Nha tại World Cup 2014 nhưng trước đó, từ World Cup 2010, “Cỗ xe tăng” đã tiến những bước dài trên con đường chinh phục danh hiệu tương lai dù thua chính Tây Ban Nha ở bán kết. Bước ngoặt đưa đến diện mạo tươi mới của tuyển Đức đến trước thềm kỳ World Cup tổ chức ở Nam Phi.
Là công thần của tuyển Đức những năm gian khó nhất nhưng Ballack cũng chuyển mình thành cầu thủ cực khó đưa vào đội hình giống Raul. Khi chạm đến thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, Ballack không còn là tiền vệ toàn năng với khả năng săn bàn hàng đầu, anh lùi sâu hơn, đá chậm lại, nép mình vào vai trò điều tiết nhịp độ.
Tuy nhiên tuyển Đức không cần điều đó. Với Bastian Schweinsteiger ngày càng hoàn thiện trong vai trò tiền vệ trung tâm cộng với sự xuất hiện của tiền vệ kiến thiết đầy hứa hẹn Mesut Oezil, tuyển Đức cần một người nữa để tạo thành bộ ba hoàn hảo. Ballack chấn thương nặng ngay trước thềm World Cup và cơ hội vàng mở ra cho Sami Khedira – đồng đội của Oezil trong thành phần tuyển U21 Đức vô địch U21 châu Âu.
Khi nước Đức làm cách mạng, họ cần một đội trưởng biết dung hòa mọi thứ như Philipp Lahm hơn là một thủ lĩnh kiểu cổ điển mang dáng dấp “đại ca” như Ballack.
Câu hỏi đặt ra: Đội tuyển quốc gia nào ở châu Âu có thể học tập sự dũng cảm của Tây Ban Nha và Đức? Câu trả lời khá hiển nhiên: tuyển Anh. Giống Raul và Michael Ballack, Rooney đóng vai đội trưởng ở đội tuyển. Anh là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Tam sư với 51 bàn thắng sau 109 lần ra sân. Nhưng bây giờ tuyển Anh có sức trẻ thăng hoa của Harry Kane cùng bông hoa nở muộn Jamie Vardy biến Rooney trở thành người thừa và sự có mặt của anh tạo ra ba vấn đề:
Thứ nhất, vị trí nào phù hợp với Rooney? HLV Roy Hodgson muốn chuyển đổi linh hoạt giữa 4-3-3 và 4-3-1-2. Sử dụng Rooney, tuyển Anh gần như phải cố định ở 4-3-1-2 bởi Rooney giờ không còn thể lực để đá dạt cánh trong sơ đồ 4-3-3 nữa. Vị trí đó phù hợp với Welbeck hoặc Sturridge.
Thứ hai, sự chậm chạp, thiếu tự tin của Rooney hoàn toàn không phù hợp với tuyển Anh trẻ trung, sôi động. Điểm lại thì đồng đội của Rooney toàn máy chạy như Walcott, Nathan Clyne, Chamberlain, Sterling hay Jamie Vardy chạy nhanh nhất nhì giải Ngoại hạng.
Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, tuyển Anh đang sở hữu nhiều phương án thay thế Rooney. Hai năm trước, ngoài Rooney thì Tam sư chỉ còn lại Sturridge, Welbeck và Rickie Lambert. Không nhiều người biết Rickie Lambert giờ đang phiêu bạt ở đâu.
Đích thân HLV trưởng Roy Hodgson khẳng định Tam sư không bỏ rơi Wayne Rooney nhưng cũng không đảm bảo vị trí: “Tôi xin được nhắc lại rằng Rooney đang là đội trưởng của tuyển Anh. Cậu ấy đã làm đội trưởng rất tốt trong hai năm qua. Cậu ấy đã cùng ĐT Anh vượt qua chiến dịch vòng loại, vì thế sẽ là không công bằng nếu như để Rooney ở nhà. Cậu ấy không đáng bị như vậy. Khi Rooney trở lại sau chấn thương, cậu ấy sẽ giúp tăng áp lực cạnh tranh lên hàng công của ĐT Anh. Tuy nhiên tôi không đảm bảo vị trí cho bất kỳ ai, 11 cầu thủ được chọn chắc chắn là 11 người có phong độ tốt nhất.”