Các bác sĩ ở Vellore, một thành phố thuộc bang Tamil Nadu, đã chuẩn bị cho tình huống tồi tệ nhất từ rất sớm, trước cả khi làn sóng Covid-19 thứ hai tàn phá đất nước.
"Sóng thần" đại dịch trong những tháng qua tấn công và gần như làm sụp đổ hệ thống y tế công của Ấn Độ trên diện rộng, trong giai đoạn từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 6.
Trong bối cảnh này, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược đầu tư nguồn lực hợp lý, các bang ở miền Nam Ấn Độ như Tamil Nadu gánh thiệt hại ít nghiêm trọng hơn so với các vùng khác, theo Financial Times.
Chuẩn bị sớm cho kịch bản xấu
Jacob John, bác sĩ tại một trường y ở thành phố Vellore, cho biết số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện nơi ông làm việc từng có lúc chạm "ngưỡng không thể khống chế nổi".
Ở thời điểm đó, 900 giường của bệnh viện được lấp đầy, khiến cơ sở này phải từ chối tiếp nhận thêm bệnh nhân và rút gần cạn nguồn khí thở dự trữ để điều trị.
Nhưng khi làn sóng dịch bệnh thảm khốc thứ hai đổ bộ vào Tamil Nadu và các bang phía nam khác, những nơi như Vellore đã đủ khả năng chống chọi với thảm kịch Covid-19 tồi tệ nhất.
Khả năng chống dịch của các bang nói trên phần lớn xuất phát từ quá trình đầu tư có kế hoạch và hiệu quả vào hệ thống chăm sóc sức khỏe công ở các bang miền nam.
Một người phụ nữ đang được đo huyết áp trước khi tiêm vaccine Covid-19 ở Tamil Nadu, Ấn Độ. Ảnh: PTI. |
Các chuyên gia cho biết tại nhiều vùng khác của Ấn Độ, sự thiếu đầu tư và tái thiết cho hệ thống y tế công đã bị phơi bày khi sóng thần Covid-19 quét qua.
Tamil Nadu đang ghi nhận khoảng 22.000 trường hợp nhiễm virus corona và gần 500 ca tử vong mỗi ngày. Trước sức ép đó, giới chức Tamil Nadu vẫn cố gắng xoay xở để đẩy lùi làn sóng dịch bệnh.
"Tình thế hiện tại rất khó. Chúng tôi không có đủ giường chăm sóc đặc biệt và buộc phải từ chối tiếp nhận nhiều bệnh nhân", bác sĩ John nói. "Tôi không nói chúng tôi hoàn hảo, nhưng khi làn sóng dịch bệnh qua đi, tôi chắc rằng những khoản đầu tư vào hệ thống y tế công sẽ cứu mạng nhiều người".
Trước khi cơn bão Covid-19 thứ hai đổ bộ, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều nơi khác của đất nước, bao gồm thủ đô New Delhi và Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ, gần như bị đánh sập hoàn toàn.
Nhiều bệnh nhân chết vì thiếu oxy trong khi lò hỏa táng quá tải, khiến một số gia đình chọn thả thi thể trôi sông.
New Delhi thất thủ trước đại dịch, số ca tử vong tăng mạnh làm các lò hỏa thiêu quá tải. Ảnh: Reuters. |
Dù các bang miền Nam Ấn Độ cũng đã "nếm mùi" thảm kịch Covid-19, giới chuyên gia nhận định những địa phương này kiên cường đối phó với cơn đổ bộ mới đây của dịch bệnh.
Ratan Jalan, nhà sáng lập công ty tư vấn Medium Healthcare Consulting, nói: "Nhờ cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe khá phát triển, tình hình ở các bang miền nam không khiến người ta sửng sốt như nhiều địa phương khác".
Các bang phía nam của Ấn Độ chiếm khoảng 250 triệu trong tổng số gần 1,4 tỷ dân của đất nước Nam Á này.
Kerala và Tamil Nadu là những bang dẫn đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với các chỉ số như tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh luôn ở mức thấp.
Chỉ trừ bang Karnataka, các khu vực khác ở miền Nam Ấn Độ đều có nguồn vật tư y tế dồi dào và nhiều trường cao đẳng y tế.
Báo cáo về phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc và các tổ chức tư vấn của chính phủ công bố vào đầu tháng 6 cũng xếp hạng các bang miền Nam thuộc nhóm có hệ thống chăm sóc y tế công tốt nhất Ấn Độ.
Giới chức các bang này cũng sớm ban hành lệnh phong tỏa vào tháng 5. Chiến lược giúp giảm số trường hợp mắc Covid-19 mới, tạm thời khống chế tốc độ lây lan của mầm bệnh.
Tuy nhiên, Bangalore, thủ phủ của Karnataka và là trung tâm công nghệ của Ấn Độ, vẫn có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn các thành phố lớn khác.
Theo Ravi Mehta, một nhân viên cấp cứu làm việc tại Bệnh viện Apollo thuộc Bangalore, khi bệnh viện này thiết lập một khu điều trị mới vào cuối tháng 4, toàn bộ 30 giường bệnh hết chỗ chỉ trong 90 phút.
Khi khu điều trị được bổ sung thêm 70 giường, và lại hết sạch chỗ chỉ trong chưa đầy 3 giờ.
Mặc dù áp lực đến nay đã được giảm bớt, phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện vẫn kín người, và hiện được dùng để điều trị cho những bệnh nhân bị biến chứng nghiêm trọng.
Chênh lệch về nguồn lực
Các bang như Maharashtra ở phía tây Ấn Độ cũng được đánh giá cao về khả năng phản ứng trước "sóng thần" Covid-19. Tuy nhiên, không bang nào ở phía tây thực sự chống dịch hiệu quả như ở miền Nam, theo Financial Times.
Kerala, nơi phát hiện trường hợp Covid-19 đầu tiên ở Ấn Độ vào 2020, là bang hiếm hoi ở phía tây có nhiều điểm sáng trong công tác đối phó dịch bệnh.
Trong đợt đổ bộ đầu tiên của dịch Covid-19, giới chức y tế Kerala khống chế tốc độ lây lan của dịch bệnh và đưa số ca nhiễm virus corona xuống 0 trong vài ngày vào tháng 5/2020.
Số ca mắc Covid-19 tại Kerala tăng lên hơn 40.000 trường hợp mỗi ngày vào tháng 5, song nhanh chóng giảm xuống ngưỡng 20.000 ca/ngày, theo Financial Times.
Các chuyên gia cho biết giới chức Kerala và Tamil Nadu đã giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách xây dựng mạng lưới nhân viên chăm sóc y tế để giúp người bệnh tìm cách điều trị.
Họ cũng đã tạo ra hệ thống chiến lược để phân phối các nguồn tài nguyên như oxy và bình dưỡng khí, ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Số ca nhiễm cao ở các bang miền Nam Ấn Độ đồng thời phản ánh công tác xét nghiệm rộng khắp, cung cấp bức tranh đầy đủ về tình hình dịch bệnh.
Nhân viên y tế tại Kerala, Ấn Độ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Indian Express. |
Mặt khác, việc các bang phía nam khống chế dịch tốt hơn cũng phơi bày sự bất bình đẳng giàu - nghèo tại tâm dịch số 2 thế giới.
Hồi tháng 5, ít nhất 20 bệnh nhân tại một bệnh viện ở vùng nông thôn Karnataka tử vong vì thiếu oxy. Tại Goa, trung tâm du lịch phía nam, nhiều bệnh nhân chết vì không được cung cấp đủ khí thở.
PV Ramesh, một bác sĩ và là cựu công chức cấp cao ở Andhra Pradesh, một bang thuộc miền Đông Nam Ấn Độ, cho biết cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 sẽ buộc cả nước phải nhìn nhận về sự thất bại của nền y tế công nước này.
"Đợt dịch này vẫn được coi là một cuộc khủng hoảng cung cấp oxy thay vì một cuộc khủng hoảng về mặt quản lý (của giới chức y tế), ông Ramesh nói. "Khi làn sóng dịch bệnh lắng dần, mọi người sẽ trở lại kinh doanh như bình thường và không rút ra bài học nào cả".