Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tướng Pháp lý giải việc Việt Nam chiến thắng trận Điện Biên Phủ

Chính tướng Pháp, de Castries thú nhận: “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc".

Dõi tìm nguyên nhân

Thất bại hoàn toàn của các lực lượng Liên hiệp Pháp ở Điện Biên Phủ cũng như ở các chiến trường phối hợp đã giáng đòn chí tử vào tinh thần và ý chí của giới thực dân phản động Pháp. Nó khiến cho chính những nhân vật đã tiến hành cuộc chiến tranh này phải nghiêm chỉnh và khách quan suy nghĩ để rút ra những bài học sâu sắc.

Chính viên chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng de Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã thú nhận trước ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp:

“Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.

Đúng vậy, nhưng có thể đầy đủ hơn nếu ông nói thêm: người ta không thể đánh bại được một dân tộc có một Đảng, một bộ thống soái tối cao biết tập hợp được toàn thể dân tộc dưới ngọn cờ đại nghĩa.

Dien Bien Phu anh 1

Tranh minh họa trong sách.

Nhiều người khác sau đó đã có những phân tích cụ thể. Jules Roy khi viết Khúc tưởng niệm cho cuộc bại trận ở Điện Biên Phủ đã nêu câu hỏi:

Lỗi tại ai? Và đã tự trả lời: Trước hết là bởi tại phẩm chất của những con người mà ta đã đối mặt. Những con mối kinh khủng, những người học trò giỏi, những quân nhân hăng hái? Có thể là thế!

Các tướng lĩnh trong quân đội của họ không có ai khác những người lính bình thường, ngoại trừ tuổi tác và màu sao gắn trên ve áo. Áo họ cùng một thứ vải may xoàng xĩnh, chân đi cùng một thứ dép cao su, mũ nan đội trên đầu không ai khác ai, và các đại tá cũng cuốc bộ đường trường như lính.

Ai cũng ăn thứ gạo khoác trên mình, những thứ củ bới trên rừng, những con cá tự câu và uống nước ở các thác suối. Không có những cô thư ký xinh đẹp, những suất ăn đặc biệt dành riêng, những xe ô tô con cắm cờ hiệu nhặng xị, những chiếc gậy chỉ huy dàn nhạc lễ, nhưng chao ôi lạy Chúa họ lại có chiến thắng!

Tôi tự cho phép mình nói với các vị chỉ huy cao cấp của những đội quân có nhiệm vụ bảo vệ phương Tây rằng:

“Nếu một ngày nào đó, các vị cần bảo vệ mình, thì hãy đừng tin vào những nguyên lý chiến lược của các ngài, đừng tin vào các tên lửa của các ngài, đừng tin vào Navarre với pháo của ông ta.

Sự ngu xuẩn của nhũng sếp chỉ huy lớn của chúng ta. Sự nhẹ dạ coi thường kẻ địch của họ. Sự ghen ghét lẫn nhau từng đã xâu xé họ. Sự yếu kém của một quân đội trong đó bảng thâm niên chỉ để định danh cho các sếp. Sự tự mãn với mình, sự chẳng hiểu gì về đối phương, sự đánh giá chỉ nhằm chiều lòng quân sĩ.

Và còn nữa, đó là sự tự phụ. Ôi, các tướng lĩnh của nước Cộng hòa chết trước mắt kẻ địch! Ôi, các hội đồng thô thiển của các ông già nhăn nheo má, sáng sáng luôn mồm khạc nhổ vì sổ mũi, và đến tối lại cất mình lên một cách nặng nhọc để đến bàn ăn tối của các vị cao ủy!

Chỉ huy ở Đông Dương, đấy là sở hữu các biệt thự nguy nga, các ô tô tráng lệ, những người đàn bà. Đấy cũng là mở các bữa tiệc chiêu đãi và tiến hành những âm mưu. Chiến tranh đi theo các bàn giấy, các lều căng, các tủ ướp lạnh, các ban tham mưu và các tổ chức tạo điu kiện cho các ban tham mưu ấy vận động, ngồi trên ghế, ăn và ngủ thoải mái. Có bao nhiêu chỉ huy sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn biết đau cùng quân sĩ, sống như họ, đi chân bộ như họ, vô hình, lặng lẽ và đáng sợ như kẻ địch đã bao vây chúng ta?”

Jules Roy đã so sánh vị thế và lối sống của quân và tướng trong hàng ngũ thực dân Pháp, đối chiếu với mối quan hệ gắn bó giữa các chỉ huy và chiến sĩ bên hàng ngũ Việt Minh.

Ông đã đánh giá đúng bản chất khác nhau của người cầm súng ở hai phía.

Và thấy đó là nguyên nhân thứ nhất gây ra thất bại cho người Pháp.

Ông cũng đã thẳng thắn nhìn vào cái nhân tố thứ hai là trí tuệ chiến lược của người chỉ huy tối cao. Và nhận thấy về phía Pháp: “Sự ngây thơ đáng sợ làm sao của nhũng người chỉ huy tối cao! Làm sao mà Navarre có thể quên được rằng, đứng trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày 12/3/1953, ông ta đã quyết định chấp nhận điểm giao chiến ở Điện Biên Phủ?

Ai đã buộc Navarre phải chấp nhận làm cơ sở cho lý luận của mình cái giả thiết rằng đối phương sẽ không thay đổi cách đánh, và tướng Giáp sẽ không đạp đổ các kế hoạch của một tướng lĩnh cấp cao tốt nghiệp trường cao cấp quân sự? Ai buộc ông ta đến chui rúc vào cái căn cứ phòng vệ bằng các hầm hào ngay đến cả lá cũng không có thể che đậy?

Không ai yêu cầu ông khoác vào mình những rủi ro như thế, bằng sự tự dấn thân vào kế hoạch do chính ông lập ra. Ai đã khiến ông tin rằng ông có thể ngăn các sư đoàn địch phóng sang Lào, trong khi chỉ một trong các sư đoàn ấy thôi cũng đủ quét sạch được con đường dẫn đến Luang Prabang?

Không ai bắt buộc ông phải bảo vệ xứ Lào. Tất cả mọi người đều đã khuyên ông cảnh giác về tình trạng dễ bị đánh của khối quân viễn chinh bao gồm đến 17 quốc tịch khác nhau, khó có được sự thống nhất. Ông có thể nghĩ đến ai, để có thể đập một đòn nữa vào Việt Minh, khi mà cuộc hành quân Atlante đã hao phí một lực lượng dự bị cho ông, và Điện Biên Phủ thì sụp đổ dưới con mắt kinh hãi của người phương Tây?”

Jules Roy đã đúng, khi ông nhận ra rằng: “Navarre đã muốn một trận địa chiến, nhưng ông ta lại tự hãm mình trong vòng vây.

Navarre đã muốn không giao chiến với một lực lượng lớn của kẻ địch, nhưng ông ta lại khiêu khích họ để họ tập trung đến đánh, và không thể hiểu rằng như thế là ông ta đã mạo hiểm chuốc lấy một đòn chí tử quyết định số phận của toàn bộ cuộc chiến tranh”.

Hoàng Minh Phương/NXB Trẻ

SÁCH HAY