Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, là nơi lưu giữ nhiều di ảnh, bút tích của các chiến sĩ cũng như diễn biến trận chiến rạng sáng 14/3/1988, trên đảo Gạc Ma. |
Công trình gồm cụm tượng đài Những người nằm lại phía chân trời; khu trưng bày hiện vật về biển đảo, kỷ vật của 64 chiến sĩ; quảng trường Hòa Bình; khuôn viên cây cảnh... |
Nơi đây lưu giữ di ảnh cũng như di vật của 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên đảo Gạc Ma. Ngày này 35 năm trước đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc. |
Ảnh cưới của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cùng vợ Đỗ Thị Hà tại phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh. |
Trong ảnh là giấy báo tử của liệt sĩ Cao Xuân Minh (quê Thanh Hóa), hy sinh vào trong trận chiến ngày 14/3/1988, trên đảo Gạc Ma. |
Nhân ngày giỗ, anh Nguyễn Tiến Xuân, con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, đến thắp nhang cho bố. "Tôi cũng là lính hải quân và thường đi qua đảo Gạc Ma, nơi bố hy sinh. Tôi cảm thấy mỗi bước đi của tôi bố đều dõi theo. Ngày này tôi rất xúc động khi mọi người không quên bố và các đồng đội đã hy sinh trên đảo Gạc Ma", anh Xuân nói. |
Những ngày này có hàng trăm người từ mọi miền đất nước đến thắp nhang, tưởng niệm 64 chiến sĩ. |
Tối 13/3, ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, đã đến Khu tưởng niệm Gạc Ma thắp nhang, tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma. |
Ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó thủ tướng, cũng thắp nhang, tưởng niệm các chiến sĩ tại Khu tưởng niệm Gạc Ma. |
Ông Trương Tấn Sang, ông Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa thả hoa đăng tưởng nhớ các chiến sĩ. |
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên diện tích 2,5 ha, với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, khánh thành vào tháng 7/2017. Nơi đây từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, bảo vệ tổ quốc cho thế hệ trẻ. |
Khu tưởng niệm Gạc Ma, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Google Maps. |
Những cuốn sách hay về biển đảo Việt Nam
Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, do tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên, nói về lịch sử xác lập, thực thi các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với các vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Cà Nóng chu du Trường Sa là một cuốn sách thú vị về biển đảo, là chuyến du hành ngược thời gian để khám phá những cột mốc lịch sử của cha ông trong tiến trình chinh phục và gìn giữ biển đảo.
Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn cung cấp một cái nhìn tổng quát về ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn và ở Việt Nam trong thời kỳ đầu của vương triều Nguyễn (1802-1945). Các chúa Nguyễn đã lập những đội thuyền như: Thanh Châu, Hải Môn, Bắc Hải,… để vượt biển đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cắm cột mốc khẳng định chủ quyền.