Mở đầu bài phát biểu, ông James Mattis khẳng định Mỹ là "quốc gia Thái Bình Dương" về cả địa lý lẫn tầm nhìn với những "cam kết bền vững về an ninh và thịnh vượng".
"Chúng tôi có cam kết sâu sắc và vĩnh cửu về việc củng cố trật quốc tế dựa trên luật pháp", ông nói. "Tôn trọng luật quốc tế và tự do hàng hải, hàng không xuyên biên giới - những điều này làm nên sự ổn định, xây dựng lòng tin, an ninh và thịnh vượng".
Ông Mattis khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục làm việc để duy trì hòa bình, thịnh vượng và tự do tại châu Á với sự tôn trọng dành cho mọi quốc gia tuân thủ luật pháp. "Không nước nào là một hòn đảo tách biệt với những nước khác, chúng ta sẽ cùng nhau đẩy lùi các thách thức an ninh", ông nói.
Ông Mattis khẳng định phán quyết của tòa trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc trên Biển Đông có tính ràng buộc và Mỹ "không chấp nhận Trung Quốc coi thường luật quốc tế".
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ đề cập đến vấn đề Triều Tiên và nói đây là "thách thức với tất cả chúng ta", khẳng định "tình hình hiện tại không thể tiếp diễn". Ông bày tỏ tin tưởng Trung Quốc sẽ nhìn nhận Triều Tiên như một nghĩa vụ chiến lược, không phải là của riêng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Cảnh Toàn. |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi sự hợp tác của các nước để duy trì an ninh khu vực, ông đặc biệt nhấn mạnh Ấn Độ: "Ấn Độ là một đối tác quốc phòng lớn, đóng vai trò tất yếu trong trong việc duy trì ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương". Ngoài ra, ông Mattis khẳng định Mỹ hoan nghênh việc xây dựng một khu vực được kết nối với nhau, bao gồm cả những nhóm không có Mỹ.
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ ra 3 ưu tiên. Thứ nhất, Mỹ sẽ củng cố các liên minh; thứ hai, giúp đỡ các quốc gia tăng cường năng lực và thứ 3 là tăng cường năng lực quân sự của chính Mỹ. Ông cũng cho biết 66% số tàu Hải quân của Mỹ, hai phần ba lực lượng thủy quân cùng 60% phương tiên hàng không chiến thuật đã và đang ở châu Á.
"Không có những khái niệm mang tính định hướng hay tuyên bố to lớn (chuyển 60% qua châu Á - Thái Bình Dương) như các phát biểu của những người tiền nhiệm tại những kỳ Shangri-La trước đó nhưng phát biểu của Bộ trưởng Mattis khá thẳng thắn và trực tiếp", Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ (GĐ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - ĐH KHXH&NV TP.HCM), một đại biểu dự Đối thoại Shangri La, nói với Zing.vn về bài phát biểu của Bộ trưởng Mattis.
"Phát biểu nêu rõ ràng các thách thức mà Mỹ cảm nhận tại khu vực, ưu tiên nhất là tình hình an ninh tại Triều Tiên và 3 cách thức mà Mỹ tiếp cận để ứng phó với các thách thức này", ông nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trò chuyện cùng các đại biểu trước khi có bài phát biểu sáng 3/6. Ảnh: Reuters. |
Người đứng đầu Lầu Năm Góc phát biểu trước bộ trưởng Quốc phòng, quan chức an ninh và học giả đến từ 40 nước tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay. Trung Quốc không cử quan chức cấp cao của bộ Quốc phòng hay Công an tham gia, mà cử một lãnh đạo trường quân đội.
Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á còn gọi là Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore từ ngày 2 đến ngày 4/6. Các bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản... tham dự hội nghị lần thứ 16 được tổ chức.
Theo nhận định của các chuyên gia, trọng tâm của Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 là chính sách của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, tranh chấp trên Biển Đông, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng như nguy cơ khủng bố lan rộng tại Đông Nam Á.