Trong bài phát biểu với những từ ngữ đầy mạnh mẽ, thủ tướng Australia đã kêu gọi các nước châu Á ủng hộ Mỹ tiếp tục vai trò lãnh đạo tại khu vực, cảnh báo Trung Quốc rằng những cường quốc nhỏ hơn sẽ đoàn kết để chống lại nếu Bắc Kinh cố tình "bắt nạt láng giềng".
Ông Turnbull mở đầu bài phát biểu bằng việc chỉ ra an ninh của con người đã thay đổi bởi sự xuất hiện của mạng xã hội. Ông đặt câu hỏi "loại hòa bình nào mà chúng ta có thể duy trì".
"Trong thế giới hoàn toàn mới này, nơi sự siêu kết nối thống trị, các quốc gia phải hợp tác cùng nhau để duy trì chủ quyền", ông nói. "Chúng ta phải hợp tác cùng nhau, không nên có hành động đơn phương như ép buộc hay quân sự hóa".
Toàn cảnh phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2017 của Thủ tướng Australia Turnbull. Ảnh: CT. |
Thủ tướng Australia bày tỏ niềm tin rằng Mỹ sẽ duy trì sự can dự tại châu Á bất chấp sự thất vọng của cộng đồng quốc tế sau khi Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Đồng thời, ông Turnbull cũng khẳng định việc Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn tại khu vực là điều có thể hiểu được. Song ông cảnh báo rằng "nếu "Trung Quốc thể hiện quyền lực mới hình thành bằng cách đảo lộn những nguyên tắc và luật pháp giúp duy trì sự ổn định trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc sẽ thua cuộc".
"Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất từ nền hòa bình và sự hòa hợp tại khu vực và họ có nhiều thứ để mất nhất nếu những điều đó bị đe dọa", ông Turnbull mạnh mẽ khẳng định. "Trung Quốc sẽ thành công nhất khi tôn trọng chủ quyền của các nước khác".
"Nếu Trung Quốc tỏ ra hung hăng, các nước láng giềng sẽ phản đối các đòi hỏi nhượng bộ quyền tự quyết và các vùng chiến lược. Họ sẽ tìm cách đối trọng với Bắc Kinh thông qua xây dựng mối quan hệ liên minh và đối tác nhau, và đặc biệt là với Mỹ", thủ tướng Australia nói.
Ông Turnbull cho rằng Trung Quốc có thể xây dựng lòng tin bằng cách phát huy vai trò đòn bẩy của họ trong vấn đề Triều Tiên. Ông đưa ra cảnh báo trước việc Bắc Kinh không ngừng bồi lấp đảo nhân tạo một cách phi pháp trên Biển Đông.
"Khu vực cần sự hợp tác, không phải những hành động đơn phương để chiếm đoạt hoặc hình thành lãnh thổ cũng như quân sự hóa khu vực tranh chấp", ông Turnbull nói.
Thủ tướng Australia phát biểu trước bộ trưởng quốc phòng, quan chức an ninh và học giả đến từ 40 nước tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay. Trung Quốc không cử quan chức cấp cao của bộ quốc phòng hay công an tham gia, mà cử một lãnh đạo trường quân đội.
Đại biểu lắng nghe bài phát biểu của thủ tướng Australia. Ảnh: CT. |
Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue), diễn đàn về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra tại khách sạn cùng tên ở Singapore từ ngày 2 đến ngày 4/6. Các phái đoàn từ 40 nước, trong đó có các bộ trưởng quốc phòng của Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản... tham dự hội nghị lần thứ 16 được tổ chức.
Hình thành vào năm 2002, Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh liên chính phủ, thảo luận và phân tích về các mối quan ngại an ninh và quốc phòng trong và ngoài khu vực. Sự kiện được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh.
Theo nhận định của các chuyên gia, trọng tâm của Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 là chính sách của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, tranh chấp trên Biển Đông, nguy cơ khủng bố lan rộng tại Đông Nam Á cũng như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên...