"Ngay lúc này, chúng tôi không nhận thấy sự cần thiết phải tiến hành bất cứ hoạt động quân sự quy mô lớn nào", Reuters dẫn lời ông James Mattis trong cuộc họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, hôm 4/2, cho biết.
Tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ đang ở thăm Nhật sau khi ghé thăm Hàn Quốc trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới. Hai nước đều là những đồng minh quan trọng của Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Những gì chúng ta phải làm là dồn hết mọi công sức, mọi nỗ lực về ngoại giao để giải quyết vấn đề một cách đúng đắn và duy trì những kênh đối thoại mở", ông Mattis nói. Đây được xem là phát biểu đầy đủ nhất của ông về vấn đề Biển Đông cho đến nay.
"Chắc chắn lập trường của chúng tôi là quân đội nên là lực lượng trợ giúp cho các nhà ngoại giao trong vấn đề này. Tuy nhiên, hiện chưa cần thiết phải huy động quân đội hay bất cứ điều gì như thế để giải quyết những vấn đề mà các nhà ngoại giao giải quyết tốt nhất", người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong cuộc họp báo tại Tokyo hôm 4/2. Ảnh: Reuters. |
Tại cuộc họp báo, ông Mattis cũng chỉ trích các hành động của Bắc Kinh thời gian gần đây. "Trung Quốc đang gây chia rẽ niềm tin giữa các quốc gia trong khu vực, dường như cố gắng bác bỏ mọi điều kiện về ngoại giao, an ninh, kinh tế của các nước xung quanh", ông nói.
Trong phiên điều trần phê chuẩn nội các tại Thượng viện Mỹ, tân Ngoại trưởng Rex Tillerson khẳng định không nên để Trung Quốc tiếp cận các đảo, đá... mà nước này bồi lấp, xây dựng trái phép trên Biển Đông. Nhà Trắng cũng cam kết sẽ bảo vệ "những lãnh thổ quốc tế" trên tuyến hàng hải chiến lược.
Tuy nhiên, cho đến nay, chính quyền mới tại Mỹ của ông Donald Trump vẫn chưa làm rõ cách thức thực hiện cam kết trên, bao gồm việc có sử dụng vũ lực hay không. Các nhà phân tích nhận định phát biểu của ông Tillerson cho thấy khả năng can dự quân sự, thậm chí là một cuộc phong tỏa trên biển, từ Washington.
Cũng trong cuộc họp báo, tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật.
"Tôi nói rõ chính sách có từ lâu của chúng tôi về quần đảo Senkaku... Mỹ sẽ tiếp tục công nhận quyền quản lý của Nhật tại quần đảo này. Và Điều 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật sẽ được áp dụng", ông Mattis nói.
Điều 5 hiệp ước quy định Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản cũng như những vùng lãnh thổ mà Tokyo quản lý trước bất kỳ hành động tấn công nào.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó lập tức lên tiếng phản đối bình luận của ông Mattis. "Chúng tôi yêu cầu Mỹ thể hiện thái độ có trách nhiệm, ngừng đưa ra những phát biểu sai trái và tránh làm cho vấn đề thêm phức tạp, tạo ra sự bất ổn tại khu vực", người phát ngôn Lục Khảng nói.